Mẹ Việt ở Pháp nấu món Tết thổn thức nhớ quê nhà

29/01/2020 10:37 GMT+7

Cứ mỗi dịp cuối năm, khi nhìn thấy những bông tuyết trắng bay lất phất ngoài khung cửa là lòng tự nhủ lòng: "Tết sắp về rồi đó!". Ăn Tết xứ xa thì buồn lắm, thì thiếu nhiều thứ lắm!

Đã hơn mười năm nơi đất khách, những tưởng mình đã quen với nhịp sống vội vã nơi xứ người, vậy mà mỗi khi đếm những tờ lịch cuối năm gần hết, lòng chợt nao nao nhớ những bữa cơm ngày Tết quê nhà.
Khi đất trời Việt Nam đang rực rỡ đủ sắc mai vàng, sắc đào hồng thắm thì trời Tây chỉ có một màu xám mùa đông u ám. Vào ngày rằm tháng chạp, mình sẽ ra vườn chặt vài nhành hoa mai Mỹ cắm vào độc bình, để chờ ngày mùng một hoa sẽ nở tung những cánh vàng rực, sưởi ấm lòng của kẻ tha hương.

Không thể thiếu canh khổ qua, thịt kho tàu

Bữa cơm tất niên cũng vì vậy mà bị giản lược đi nhiều. Chỉ có món thịt kho, canh khổ qua hầm, dưa cải chua, củ kiệu tôm khô,cùng vài ba đòn bánh tét, bánh chưng do bạn bè người Việt họp nhau lại gói để giữ phong tục Tết cổ truyền.
Hễ nghe rục rịch sắp Tết, thể nào mình cũng sẽ chạy gần 100km để đi chợ Á, để mua nguyên liệu Việt Nam như dừa tươi, lá chuối tươi, khổ qua...
Nồi thịt kho tàu trong trí nhớ của mình là miếng thịt màu vàng nâu cánh gián, lớp mỡ bệu trong veo, vừa đụng đũa vào là tan ra, thơm mùi nước dừa ngào ngạt. Vừa mới mở nắp nồi đã muốn đi bới liền một tô cơm nguội để ăn kèm.
Nồi thịt kho của mình xài nước dừa của Thái Lan, chắc không phải là chính gốc nên màu coi không được đậm đà, phải ăn gian cho thêm chút nước màu cho đẹp. Thịt kho trên bếp điện, nên hình như thiếu mùi khói của bếp củi thấm vào từng thớ thịt.
Có năm trời không đổ tuyết, tuy lạnh lẽo nhưng mình vẫn hì hụi ôm cái lò củi thân thương ra kho thịt. Thịt kho tàu phải để lửa riu riu, cho chất ngọt của nước dừa, vị đậm đà của nước mắm có đủ thời gian thấm vào miếng thịt, mới ra được vị của nồi thịt kho ngày xưa của mẹ, hay chính ra là vị quê hương.
Mình vẫn giữ phong tục nấu nồi canh khổ qua, để mong cái khổ mau qua, đón một năm mới an nhàn hơn năm cũ. Đi chợ tìm khổ qua đỏ con mắt, nhưng có khi có khi không. May quá gặp được khổ qua đông lạnh nhập bên nhà qua, giá còn mắc hơn cả thịt heo. Vậy mà cầm mấy trái khổ qua mừng hết sức. Nếu bữa cơm Tết mà thiếu canh khổ qua thì mất đi nhiều phần ý nghĩa.
Ăn bát canh khổ qua nhồi thịt, lại rưng rưng nhớ những bữa cơm Tết sum vầy. Lúc còn nhỏ chê khổ qua đắng không biết ăn, ba luôn nhường phần nhân thịt cho con, để ba ăn phần vỏ. Đắng cay cuộc đời ba luôn nhận về mình, để phần ngon ngọt cho con.
Bây giờ ba mươi mấy tuổi đời, trải qua vài bận đắng cay, chợt ước gì được cùng ba mẹ ăn bữa cơm cuối năm, và khoe rằng con giờ ăn khổ qua đắng được rồi ba ơi!
Và đã thành thói quen, cả nhà mình đều chờ đến thời khắc giao thừa để bày mâm hoa quả, nhang đèn, thức ăn... rồi cùng nhau thắp nhang mừng một năm mới sắp đến, mời ông bà tổ tiên về ăn bữa cơm tất niên cùng con cháu.

Tụi trẻ con thấy Tết vui sao

Và thật kỳ lạ làm sao, khi mùi hương trầm quyện với mùi thịt kho, mùi dưa chua, mùi kiệu... ập vào khứu giác của mình, mình nhận ra ngay đó chính là mùi Tết.
Rồi mình sẽ mở những bản nhạc xuân để tìm những thanh âm của Tết. Tết của những ký ức ngày xưa, mình miệt mài gom góp cho các con, những đứa trẻ chưa bao giờ được ăn Tết thật sự ở quê hương.
Vào ngày đầu năm mới, những gia đình người Việt sống gần nhau vẫn cố gắng giữ thói quen đến nhà xông đất, cùng nhau ăn bữa cơm năm mới, cùng chúc Tết cho nhau.
Bọn trẻ cũng hí hửng được mặc áo dài dù trời bên ngoài lạnh đến 0 độ C, cũng hí hửng được nhận tiền lì xì sau khi bập bẹ những câu chúc Tết đã học mãi tối hôm qua, và bọn nhóc cũng nhận ra là Tết Việt Nam cũng vui không thua gì những dịp Noel bên này.
Những con người đến từ nhiều miền đất nước, tuy khác nhau về phong tục, nhưng cùng nhau chia sẻ nỗi nhớ quê hương. Bữa cơm họp mặt đầu năm nhờ vậy mà thêm phần phong phú.
Có bánh chưng, thịt đông, canh bóng thả của miền Bắc, có bánh tổ, thịt ngâm nước mắm của miền Trung, có thịt kho tàu, canh khổ qua, bánh tét của miền Nam... Ai cũng như ai, ăn món ăn ngay trước mặt mà hồn thì gởi tận Việt Nam.
Người thì kể: " Nhà chị năm nay gói những năm chục đòn bánh tét.", người thì tâm sự: Món này tết hồi xưa chị hay làm chung với má ..."
Bởi vậy mình mới thấm thía nhận ra rằng, quý giá làm sao những bữa cơm quây quần ngày Tết bên gia đình. Có thể mâm cỗ không cao sang, thức ăn không đắt giá, vậy mà vẫn có nhiều người ước mơ hoài mà chưa làm được.
Nên cứ mỗi dịp cuối năm, mình thèm được cái cảm giác tất bật, lo toan sắm sửa cho Tết. Mình ước được tay xách nách mang, khệ nệ đi chợ Tết, ước được chúi đầu vào bếp chuẩn bị thức ăn. Mình ước được đầu bù tóc rối, hối đám nhỏ dọn dẹp nhà cửa, kẻo Tết đã tới nơi rồi!
Nếu như bạn đọc bài này có được diễm phúc đó, thì bạn hãy ăn Tết thật nhiều, thật vui, giùm luôn của phần mình và cả phần của những người xa xứ nhé!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.