Ở bệnh viện, sản phụ nào cũng được bác sĩ cư xử bình đẳng, không phân biệt có tiền hay không. Trước đó tôi bị sẩy thai ở nhà vì đau bụng dữ dội, chảy máu nhiều nhưng tự xử lý mà không dám gọi cho số cấp cứu 911. Bạn biết vì sao không?
Dịch vụ y tế ở Mỹ rất tốt và bình đẳng - Ảnh: Shutterstock |
Vì vốn tiếng Anh của tôi quá kém, không tự tin để yêu cầu cảnh sát cũng như không thể cầu cứu hàng xóm xung quanh không biết tiếng Việt.
Xin chia sẻ câu chuyện của tôi về trải nghiệm sinh con ở Mỹ - nơi lý tưởng cho bất cứ người phụ nữ nào muốn thực hiện thiên chức làm mẹ của chị P.M.A hiện đang ở Mỹ.
Thư từ bang Nebraska, Mỹ.
“Thiên đường” cho sản phụ
Đây là dịch vụ sinh không đau. Tôi nhập viện. Sau khi thăm khám, xác định chuẩn bị sinh thì được bác sĩ tiêm cho mũi thuốc không đau nên có cảm giác người rất nhẹ, không đau đớn gì, tôi đi lại trong phòng sinh nhiều lần, tới lúc có cảm giác muốn rặn sinh thì rặn.
Chồng ở ngay trong phòng sinh nên khi tôi rặn mệt thì chồng động viên, y tá nâng đỡ phụ. Tôi nhớ hôm đó, đã rặn hoài mà bé vẫn không ra. Bác sĩ kiểm tra thì thấy bé quay đầu xuống nhưng không nằm úp mà nằm ngửa mặt. Đã thế, chân bé không chịu khép mà dang ra. Nếu úp mặt và khép chân thì bác sĩ có thể đưa tay vào kéo ra nhưng với tư thế này thì bác sĩ không dám làm vì sợ gãy cổ bé.
Nghe tin, tôi và chồng rất lo. Nhưng bác sĩ đã trấn an, để tránh tình trạng mẹ mất sức và bé an toàn, sẽ mổ, vì thế mẹ cứ thoải mái, thả lỏng người chờ giây phúc được ôm con mình, không lâu nữa đâu, hãy tin bác sĩ.
Sau khi sinh, nếu mẹ có sữa thì bé bú ngay và y tá đến giúp, nếu mẹ không có sữa thì bé dùng sữa công thức, và đương nhiên, y tá là người cho bé bú.
Bất cứ lúc nào mẹ thấy mệt hay muốn ngủ là y tá sẽ đến bế bé sang phòng khác chăm sóc, để mẹ được ngủ ngon, mẹ thức giấc, y tá sẽ bế sang trả.
Ở bệnh viện, sản phụ nào cũng được bác sĩ cư xử bình đẳng, không phân biệt ai có tiền hay không. Nếu có bảo hiểm thì bảo hiểm sẽ chi trả 80%, sản phụ chỉ trả 20% còn lại.
Trường hợp không có bảo hiểm thì tùy theo thu nhập của sản phụ để xin chính phủ theo dịch vụ medicare, với hình thức này sản phụ sẽ được miễn phí hoàn toàn.
Thử thách cho thai phụ?
Xin quay ngược lại những ngày đầu tôi đặt chân đến Mỹ. Dù đã được chồng nói trước nhưng tôi vẫn không tránh khỏi những cú sốc khi hòa nhập cộng đồng.
Không thể giao tiếp, mỗi ngày đi qua với tôi là cực hình. Tôi như người câm điếc khi nghe người ta nói mà không hiểu gì và không thể đáp lại. Trước khi sinh con thành công tại bệnh viện tôi đã bị sẩy thai ở nhà.
Khi đó tôi mang thai được vài tháng tuổi, đau bụng dữ dội và chảy máu rất nhiều nhưng tự xử lý mà không dám gọi cho số cấp cứu 911. Bạn biết vì sao không? Vì vốn tiếng Anh của tôi quá kém, không tự tin để yêu cầu cảnh sát cũng như không thể cầu cứu hàng xóm khi xung quanh không có người Việt.
Tôi không cho phép mình gọi chồng vì ngoài đường tuyết đang đóng băng, nếu anh chạy vội về cũng rất nguy hiểm. Thế là sau khi tự xử lý việc sẩy thai tôi nằm chịu đựng hai giờ ở nhà, đợi chồng về chở đi bác sĩ. Tôi bị sẩy thai vì quá áp lực với cuộc sống ở Mỹ.
Ai đó từng nói con người không chết vì đói mà chết vì cô đơn, nỗi đau không thể giao tiếp cũng tương tự vậy, như khi bạn bị cách ly khỏi cộng đồng. Không thể giao tiếp, không quen đi trên đường đóng băng với tuyết rơi mờ mịt không gian, thêm nỗi nhớ gia đình hành hạ…
Nhưng sau đó tôi đã bừng tỉnh lại, không thể cứ đày đọa bản thân hoài như thế này. Tôi đến lớp ngoại ngữ để nâng cao trình độ, đi làm thêm, cố gắng hòa nhập và lại mang thai.
Tôi muốn nhắn nhủ những cô gái có ý định đến Mỹ. Hãy chuẩn bị cho mình vốn tiếng Anh thật tốt, đừng ỷ lại vào người khác, kể cả chồng. Dịch vụ y tế ở Mỹ rất tốt nhưng ai cũng phải làm việc cật lực. Chồng phải ra ngoài làm việc từ sáng đến tối nên không có thời gian để giúp đỡ vợ.
Người vợ phải giỏi nội trợ vì phí thuê người làm rất cao: 1.500 - 2.000 USD/tháng, nửa kg thịt heo giá 2 USD nhưng một cây chả lụa 500 gr thì có giá đến 14 USD, 1 cái quần jean giá 20 USD nhưng phí cắt lai quần đến 10 USD… thế thì bạn thuê hay tự làm?
Bình luận (0)