Ê ẩm cả người, tay chân bủn rủn...
Nguyễn Thị Ngọc Trâm, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ được về nhà trước tết khoảng 3 tuần. Trong thời gian này, ngoài việc nghỉ ngơi thì Trâm còn phải đi chợ, mua đồ cúng tổ tiên, lặt lá mai, dọn dẹp nhà cửa.
Nhà Trâm rộng rãi, có nhiều đồ đạc như: tủ, bàn, ghế… cũng chính vì điều này mà đã khiến gia đình rất mệt mỏi với việc dọn dẹp.
"Năm nào cũng vậy, mình phải dậy sớm để lau chùi từng đồ vật từ dưới bếp đến sân trước. Mình mất cả buổi sáng mới dọn dẹp xong được một nửa ngôi nhà. Đến trưa thì nghỉ ngơi lấy sức rồi bắt tay vào làm tiếp. Sau khi làm xong, cơ thể mình mệt nhoài, tay chân không còn sức lực nữa", Trâm kể.
"Mình phụ dọn dẹp cùng với phụ huynh dù có mệt nhưng cũng thấy hạnh phúc. Bởi mình chuẩn bị đón tết với gia đình trong căn nhà sạch đẹp, tinh tươm…", Trâm nói thêm.
Nguyễn Thị Cẩm Tú (26 tuổi), ngụ tại 85 Trần Tuấn Khải, Q.5, TP.HCM cũng ám ảnh với cảnh dọn dẹp nhà cửa mỗi khi tết đến. "Ba mẹ mình thường dọn dẹp nhà cửa vào giữa tháng 12 âm lịch. Lúc này, mình còn làm việc ở cơ quan, do đó mọi người sẽ thống nhất dọn dẹp vào ngày nào và sắp xếp thời gian sao cho phù hợp", Tú cho hay.
"Nhà mình diện tích nhỏ, những vật dụng được đặt san sát nhau, trong lúc dọn dẹp phải khuân vác rất cực. Còn bộ bàn ghế gỗ thì có những chi tiết chạm trổ, mình phải vệ sinh thật kỹ và tỉ mỉ từng ngóc ngách. Có những đợt làm xong mình ê ẩm cả người, tay chân bủn rủn. Chưa kể có những phần việc mẹ không hài lòng thì mình phải làm lại. Tổng thời gian dọn dẹp nhà cửa là gần 2 ngày, thật sự rất ám ảnh", Tú nói.
Dịp để thành viên trong gia đình gắn kết với nhau
Còn Nguyễn Hồng Đăng (24 tuổi), ngụ tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cũng phải ám ảnh với việc dọn dẹp nhà cửa đón tết. Hoạt động này tốn 2 ngày của Đăng. "Khi đó, mình cảm thấy như là ngôi nhà chưa được dọn dẹp trong một khoảng thời gian rất dài. Bởi mình phải làm quần quật, khiêng từng món đồ, lau kỹ mảng tường…", Đăng cho hay.
Trước ngày dọn dẹp, Đăng cùng với ba sơn lại những mảng tường bị hỏng, quét mạng nhện, lau chùi ly hương, kế đến thì phụ mẹ hút bụi, giặt giũ chăn màn, mùng mền, sắp xếp các vật dụng ngăn nắp. "Rồi đến lau dọn bàn thờ gia tiên. Những vật dụng ở đây rất dễ vỡ nên mình phải cẩn thận, tỉ mỉ", Đăng nói.
Với Đăng, dọn dẹp nhà đón tết mang một hình thức rất khác so với thường ngày. Vì phải trải qua nhiều bước như: quét, lau bằng nước rồi đợi khô xong mới đến dùng dung dịch làm thơm sàn nhà... "Khi làm xong mình nhức mỏi cả người. Có những năm mình phải đấm bóp, thoa dầu để mẹ đỡ ê ẩm cơ thể vì mải mê dọn dẹp nhà cửa đón tết", Đăng bộc bạch.
Dù có mệt mỏi, ám ảnh đến mức nào thì với Đăng, ngày cuối năm dọn dẹp nhà cửa là dịp để những người thân cùng chia sẻ chuyện vui buồn trong thời gian qua. "Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau. Cũng như "dọn dẹp lại buồn, vui" trong lòng của chính mỗi người để chuẩn bị đón chào một năm mới tràn đầy hạnh phúc", Đăng cho hay.
Chị Lê Thị Như Ý (34 tuổi), làm việc tại 10 Lương Định Của, TP.Thủ Đức, TP.HCM cho hay: "Dù bận rộn với công việc trên cơ quan nhưng khi nghe phụ huynh nói dọn dẹp nhà cửa đón tết thì tôi cũng phải sắp xếp thời gian để phụ giúp một tay. Với tôi, dọn dẹp, trang hoàng lại nhà để chào đón năm mới, những điều may mắn".
Theo chị Như Ý, dù mỗi tuần gia đình đều dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa vào dịp tết. Thế nhưng, chuyện dọn dẹp nhà cửa để đón tết vẫn mang một tâm thế khác với những cảm xúc khó tả của một năm cũ sắp qua và mùa xuân mới lại về.
"Dọn dẹp nhà cửa mỗi khi tết đến là dịp vô cùng thích hợp để các thành viên trong gia đình có thời gian gần bên nhau. Cùng chia sẻ những chuyện vui, buồn trong năm cũ. Gắn kết tình yêu thương sau khoảng thời gian dài xa cách", chị Ý nói thêm.
Bình luận (0)