Có kịp khai thác vào tháng 11?
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận Phiên họp thứ 2 của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TP.Hà Nội và TP.HCM.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục chủ động, tích cực giải quyết tồn tại, vướng mắc, khiếu kiện của các nhà thầu, triển khai hoàn thành các công việc, nội dung, thủ tục, nỗ lực phấn đấu đưa tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên vào khai thác thương mại trong tháng 11 năm nay.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư), tuyến metro số 1 TP.HCM đã thi công đạt hơn 98,31%. Nhìn chung, về mặt thi công kỹ thuật thì tuyến metro số 1 cơ bản đã hoàn thiện, chỉ còn một số hạng mục phụ như tòa nhà vận hành, cầu bộ hành, công tác chỉnh sửa kiến trúc còn lại… sẽ được hoàn thành trong thời gian từ 1 - 2 tháng sắp tới.
Trao đổi với Thanh Niên chiều qua (26.7), TS Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng ban phụ trách MAUR, cho biết metro số 1 đang bước vào giai đoạn cuối, cũng là giai đoạn "căng" nhất khi phải giải quyết và xử lý đồng thời rất nhiều đầu việc. Cụ thể, chủ đầu tư vừa phải kiên trì đàm phán với các nhà thầu, vừa tập trung hết sức đẩy nhanh các đầu việc như thử nghiệm tích hợp vận hành (ITC, dự kiến hoàn thành vào tháng 7), đánh giá an toàn hệ thống, hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, hoàn công…
Theo ông Nguyễn Quốc Hiển, đến giai đoạn cuối này, khó khăn lớn nhất vẫn là xử lý khiếu nại, đòi hỏi của phía các nhà thầu về những vướng mắc trực tiếp liên quan hợp đồng, chủ yếu là cơ chế giải quyết chi phí phát sinh. Về mặt ngoại giao, các lãnh đạo UBND TP.HCM liên tục họp với Đại sứ Nhật Bản, Phó đại sứ Nhật Bản tại VN để thúc đẩy tiến độ dự án. Thậm chí, UBND TP còn lập tổ công tác VN - Nhật Bản, họp hằng tháng để theo sát từng đầu việc. Bản thân các đối tác người Nhật cũng thống nhất quan điểm đây là dự án có chất lượng tốt, ý nghĩa quan trọng, cần nhanh chóng hoàn thiện, kết thúc dự án.
Về phía MAUR, chủ đầu tư kiên trì đàm phán với các nhà thầu, gần như tuần nào cũng họp với phía Hitachi, có sự tham gia của cả Đại sứ quán Nhật Bản, JICA VN và lãnh đạo tập đoàn từ Tokyo để trực tiếp xử lý ngay những vấn đề có thể thống nhất. "Tháng nào họ cũng bay sang VN để trực tiếp xử lý vướng mắc. Nhờ vậy, đã có rất nhiều khó khăn được tháo gỡ", ông Nguyễn Quốc Hiển nói và thông tin thêm: Đối với những vấn đề còn khúc mắc, TP quyết định chấp nhận phương án tạm, ứng tạm chi phí để phía nhà thầu tiếp tục hoàn thiện nốt những đầu việc cuối cùng. Sau đó kết quả cuối cùng sẽ do Ban Xử lý tranh chấp và Đơn vị hòa giải thương mại phán quyết. Như vậy mới có thể đảm bảo tiến độ của dự án. Nếu cứ ngồi đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho nhau thì các đầu việc sẽ bị ngưng trệ.
Tuy nhiên, ông Hiển cũng xác nhận tuyến metro số 1 không thể đưa vào khai thác trong tháng 11 bởi theo kế hoạch của nhà thầu Hitachi, đến tháng 11 đơn vị này mới có thể hoàn thành vận hành khai thác thử. Sau đó, bàn giao cho phía VN để phục vụ công tác nghiệm thu, rồi gửi hồ sơ lên Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định. Nhanh nhất thì toàn bộ các công đoạn này cũng phải chiếm khoảng 1 tháng. MAUR vẫn đang giữ nguyên tiến độ đã báo cáo UBND TP.HCM theo cam kết của các nhà thầu Nhật Bản, tức hoàn thành tuyến metro số 1 vào tháng cuối cùng của năm 2024 và đưa vào vận hành.
Kết nối đầy đủ xe đạp, xe máy, xe buýt và người đi bộ
Lãnh đạo MAUR đánh giá tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên có ý nghĩa rất lớn đối với giao thông nói riêng và kinh tế TP.HCM nói chung. Đây là tuyến metro đầu tiên của TP, cũng là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của cả nước. Khi tàu chưa chạy thì người dân không cảm nhận được rõ nhưng khi tàu chạy rồi thì người dân sẽ cảm thấy đây là phương tiện rất hiện đại, thân thiện, thậm chí "mê hoặc". Đặc biệt, thời điểm hoàn thành tuyến metro đầu tiên cũng là thời điểm TP.HCM đang triển khai đề án xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị theo Kết luận 49 của Thủ tướng. Đây là cú hích rất lớn đẩy dự án đi nhanh hơn.
"Lãnh đạo TP khi nhìn thấy tác động của tuyến metro số 1 cũng sẽ có thêm động lực để quyết tâm thực hiện đề án phủ metro khắp TP.HCM. Tất cả những TP khác trên thế giới cũng đã chứng minh: thời điểm tuyến metro đầu tiên đi vào hoạt động là thời điểm mang ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển kinh tế - xã hội", TS Nguyễn Quốc Hiển nhấn mạnh.
Khi tuyến metro số 1 đang trong giai đoạn nước rút, các phương án kết nối cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Cụ thể, mỗi nhà ga đều bố trí bãi đỗ xe máy. Người dân có thể đi xe máy đến ga metro vào đầu ngày, sau đó gửi xe đi metro vào trung tâm TP rồi cuối ngày về lấy xe. Phương án này phục vụ rất tốt cho đối tượng người dân sống cách nhà ga metro khoảng 3 - 5 km.
Đối với đối tượng đi xe buýt, Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã xây dựng đề án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga metro số 1. Theo đó, 18 tuyến xe buýt hiện hữu với tổng cộng 3.528 chuyến/ngày, phục vụ trung bình 66.795 hành khách/ngày đã được xây dựng lộ trình đi qua khu vực chợ Bến Thành (hành khách lên/xuống tại trạm trung chuyển trên đường Hàm Nghi). Dự kiến, Sở GTVT TP sẽ tiếp tục mở mới 2 tuyến buýt kết nối nhà ga metro Bến Thành (sau khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động chính thức) gồm: tuyến Bến xe buýt Sài Gòn - Nhà hát Thành phố; tuyến Bến xe buýt Sài Gòn - Ga Hòa Hưng. Cả hai tuyến trên cùng sức chứa 17 - 20 hành khách, 206 chuyến/ngày. Đồng thời, sẽ có những tuyến buýt chạy vòng trong các khu đô thị, khu dân cư để đưa khách đến cho tàu điện.
Với người đi bộ, đặc biệt tạo điều kiện tiếp cận cho người dân phía xa lộ Hà Nội, hệ thống cầu đi bộ sẽ hoàn thành vào tháng 9. Ngoài ra, các trạm xe đạp, xe điện 4 bánh chạy bằng năng lượng điện cũng sẽ được tăng cường bố trí gần khu vực các nhà ga metro để phục vụ tối đa nhu cầu di chuyển của người dân.
Các khiếu nại có làm metro số 1 đội vốn?
Theo lãnh đạo MAUR, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM trải dài qua nhiều thời kỳ và giai đoạn, dẫn đến tồn đọng kéo dài mà chưa được giải quyết một cách dứt điểm. Trong giai đoạn cuối, vẫn còn một số vướng mắc, chủ yếu liên quan đến cách diễn giải về hợp đồng và sự phối hợp về mặt giao diện giữa Liên danh Tư vấn NJPT và các nhà thầu Nhật Bản. Hiện nay TP phải chấp nhận bổ sung một số loại chi phí mà trước đây không mường tượng được để phục vụ những hạng mục thi công cuối cùng. Trường hợp Ban Xử lý tranh chấp và Đơn vị hòa giải thương mại quyết định chúng ta phải chịu trách nhiệm và trả những khoản này thì cũng không làm tăng vốn của dự án bởi vẫn nằm trong khoản 6.000 tỉ đồng tiền dự phòng theo tổng mức đầu tư ban đầu.
Bình luận (0)