Metro số 1 vừa 'chạy' vừa lo

15/06/2024 06:21 GMT+7

Trong khi tất cả những công đoạn cuối cùng đang chạy nước rút để sẵn sàng đưa tuyến metro số 1 lăn bánh, người dân TP.HCM và cả chủ đầu tư vẫn phập phồng chưa "chốt" được thời điểm về đích.

Kế hoạch vận hành, kết nối, bán vé... đã sẵn sàng

Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1 - đơn vị vận hành tuyến metro số 1) vừa phối hợp Mastercard Asia/Pacific Pte. Ltd tổ chức lễ công bố hợp tác nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông công cộng và triển khai các giải pháp thanh toán tích hợp trên tất cả các phương tiện giao thông công cộng của TP.

Metro số 1 vừa 'chạy' vừa lo- Ảnh 1.

Metro số 1 vẫn phập phồng lo lùi đích

Độc Lập

Sự hợp tác này thúc đẩy triển khai các giải pháp thanh toán tích hợp trên tất cả các phương tiện giao thông công cộng trong TP, bao gồm metro số 1 và hệ thống xe buýt. Theo đó, giải pháp chấp nhận thanh toán trên tuyến metro số 1 cho hành khách ưu tiên được miễn, giảm giá vé, vé tháng, các đối tượng khác sử dụng phương thức thanh toán EMV của ngân hàng cung cấp bởi các tổ chức chuyển mạch trong nước như Napas, và quốc tế như Mastercard, Visa, JCB… và các hành khách sử dụng ví điện tử như VNPay, MoMo...

Theo lãnh đạo HURC1, việc triển khai thực hiện các giải pháp chấp nhận thanh toán đã được nghiên cứu trên toàn bộ các nhà ga metro số 1, bàn giao cho đơn vị tiếp nhận, thụ hưởng các sản phẩm nhằm phục vụ hành khách sử dụng đường sắt đô thị (bao gồm bản quyền phần mềm, thiết bị, trung tâm dữ liệu, các chương trình khuyến mãi, các khóa học…).

TP.HCM huy động nguồn lực trong dân để làm hệ thống metro

Ngoài ra, HURC1 cũng sẽ nghiên cứu thực hiện giải pháp sử dụng căn cước công dân để thay thế thẻ đi lại cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng sử dụng vé tháng, đảm bảo đồng bộ cho người dân có thể sử dụng khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động. Hiện nay, để chuẩn bị cho việc vận hành metro số 1, HURC1 đang tập trung triển khai đồng bộ các khâu từ xây dựng, hoàn thiện bộ máy, tuyển dụng và đào tạo nhân lực về quản lý vận hành đến hoàn thiện về thể chế, quy định liên quan.

Bên cạnh đó, Sở GTVT TP.HCM cũng đã trình UBND TP kế hoạch vận chuyển hành khách trên tuyến metro số 1, chỉ rõ kết nối bằng xe buýt tại khu vực nào, kết nối xe đạp, xe điện và ô tô 2 tầng thoáng nóc như thế nào. Đơn vị này còn đang triển khai chọn "mẫu áo" riêng cho các tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP, nhằm giúp người dân nhận biết được tính chất của tuyến thông qua các yếu tố như: màu sắc, số hiệu tuyến, tên tuyến, logo, họa tiết, hình ảnh đặc trưng.

Lãnh đạo Sở GTVT cho biết đơn vị này đang thực hiện kế hoạch triển khai các công việc nhằm vận hành, khai thác hiệu quả tuyến metro số 1 và thực hiện nhiệm vụ tổ chức giao thông khu vực nhà ga và dọc tuyến. Trong đó, bao gồm cả việc đề xuất bổ sung tuyến đường tiếp cận nhà ga Văn Thánh để đảm bảo khả năng tiếp cận phòng cháy chữa cháy tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu thoát hiểm, thoát nạn nhà ga. Đồng thời, đảm bảo khả năng tiếp cận, lưu thông thuận tiện và tránh tắc nghẽn khu vực xung quanh nhà ga.

"Về cơ bản, hiện nay kế hoạch vận hành, khai thác và các phương án kết nối đã sẵn sàng", đại diện Sở GTVT thông tin.

Vẫn phập phồng lo lùi đích

Đáng chú ý, trong khi mọi đầu việc đang chạy nước rút với tinh thần khẩn trương, hào hứng cho thời khắc lịch sử khai trương tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM thì kế hoạch khai thác thương mại toàn tuyến lại đang có nguy cơ tiếp tục lùi lịch.

Tính đến thời điểm hiện tại, tuyến metro số 1 đã thi công hơn 98% tổng khối lượng, các nhà ga ngầm và nhà ga trên cao đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến tuyến sẽ đi vào hoạt động vận hành khai thác thương mại trong quý 3/2024.

Metro số 1 vừa 'chạy' vừa lo- Ảnh 2.

Rất nhiều đoàn khách đã tham gia chạy thử metro số 1 nhưng thời điểm tuyến chính thức đưa vào khai thác thương mại vẫn chưa được ấn định

N.A

Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết theo một số mốc tiến độ quan trọng mà phía Nhật Bản cung cấp thì đến hết tháng 7, công tác thử nghiệm của toàn dự án mới hoàn thành, tháng 8 - 9 thực hiện công tác đào tạo, tháng 10 - 11 sẽ tiến hành công tác vận hành khai thác thử (trial run) và đầu tháng 12 sẽ bàn giao cho phía VN để phục vụ công tác nghiệm thu, thẩm định cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định của pháp luật VN.

Mặc dù có nhiều vướng mắc, tranh chấp nhưng MAUR vẫn đang tiếp tục trao đổi với các nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu Hitachi, để tiếp nhận sớm một phần thiết bị và hệ thống phục vụ cho tư vấn NJPT triển khai công tác đào tạo thực hành, mà không cần phải đợi đến cuối tháng 7. Điều này góp phần rút ngắn thời gian cho công tác đào tạo, các học viên của VN có thêm cơ hội thực hành, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành của dự án. Về cơ bản, các đầu việc vẫn đang bám sát mốc tiến độ mà phía Nhật Bản đã cam kết.

Thế nhưng, trong báo cáo mới nhất (ngày 6.6) về tiến độ giải quyết các khó khăn của tuyến metro số 1, MAUR lại thông tin: "Theo kế hoạch công việc mới nhất, nhà thầu Hitachi lại đẩy lùi các mốc tiến độ về sau. Ví dụ, mốc tiến hành trial run (chạy thử) đã được đẩy lùi về tháng 11, thay vì tháng 10, dẫn đến việc kéo dài hơn nữa tiến độ dự án". Bên cạnh đó, dựa trên sự thay đổi kế hoạch mục tiêu của HTC (một nhà thầu của dự án) với sự xác nhận từ Đại sứ Nhật Bản, MAUR đã tích cực đôn đốc tư vấn giám sát NJPT và các nhà thầu HTC, SCC phối hợp để xây dựng kế hoạch đào tạo tổng thể của dự án metro số 1. Tuy nhiên, đến nay NJPT vẫn chưa hoàn thành kế hoạch đào tạo... Chủ đầu tư cũng nhận thấy tư vấn chung NJPT chưa có các biện pháp, giải pháp thúc đẩy tiến độ dự án cả về mặt kỹ thuật, thương mại, hợp đồng...

"Điều này là không tuân thủ như Công hàm phản hồi của Đại sứ Nhật Bản gửi lãnh đạo UBND TP.HCM hôm 2.5 vừa qua", MAUR báo cáo UBND TP và đề nghị Đại sứ quán Nhật Bản sớm có ý kiến đối với nhà thầu Hitachi về việc tuân thủ tiến độ mục tiêu của dự án; đồng thời có tinh thần phối hợp chặt chẽ với MAUR trong việc tiến hành các giải pháp tạm hài hòa lợi ích, quyền lợi và trách nhiệm pháp lý hai bên để có thể thúc đẩy tiến độ dự án metro số 1.

Trong khi đó, các Bộ Tài chính, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng lại vừa nhận được ý kiến tham vấn của Bộ KH-ĐT về đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Như vậy, ở giai đoạn nước rút, bản thân chủ đầu tư và lãnh đạo TP.HCM cũng chưa thể khẳng định chắc chắn metro số 1 có thể khai thác thương mại vào tháng 12.2024 hay không. Tất cả đều đang trông về phía Đại sứ quán Nhật Bản và mức độ hợp tác của các nhà thầu, đơn vị nước này.

Kế hoạch dự kiến trước mắt: Từ thứ hai đến thứ sáu, tuyến metro số 1 sẽ vận hành 15 đoàn tàu loại 3 toa, giãn cách giờ cao điểm là 4,5 phút/chuyến, giờ bình thường là 8 phút/chuyến. Thời gian vận hành từ 5 giờ - 23 giờ 30. Riêng thứ bảy, chủ nhật, lễ, tết, metro số 1 vận hành 9 đoàn tàu loại 3 toa, giãn cách 8 phút/chuyến, chạy cùng khung giờ.

Từ ngày 1.1.2025 trở đi, kế hoạch vận hành tàu sẽ được xác định trên cơ sở thực tế công tác vận hành tàu trong năm 2024, khi có các dữ liệu về lưu lượng hành khách (theo giờ cao điểm, giờ bình thường, giờ thấp điểm, theo mùa, kỳ nghỉ lễ, tết...), tốc độ lưu chuyển hành khách, tốc độ giải phóng lưu lượng hành khách ra khỏi tuyến, kết nối với các phương tiện vận tải...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.