Việc Metro đã phải "bán mình" cho tập đoàn giàu có của Thái Lan, chấp nhận dừng cuộc chơi và chấm dứt tham vọng trở thành một đại gia bán lẻ trên thị trường Việt Nam, theo tôi là điều không sớm thì muộn.
>> Metro Việt Nam chờ ngày về tay tập đoàn Thái Lan
|
Tôi không rành về chiến lược kinh doanh cao tay ra sao, tầm nhìn phát triển giữa các siêu thị thế nào, tôi chỉ biết rằng, đứng trên góc độ của người tiêu dùng, dịch vụ và giá cả là thứ quan trọng hàng đầu của một doanh nghiệp. Mà cái này theo tôi, Metro chưa làm được tất.
Vào Việt Nam cách đây 12 năm với vị thế là nhà bán sỉ lớn nhất giai đoạn đó, người mua hàng sẽ cảm thấy choáng ngợp trước một siêu thị bán sỉ quy mô lớn, hàng hóa dồi dào, bày trí hiện đại.
Với một thị trường còn sơ khai, người tiêu dùng chuộng giá thấp và tâm lý mua sỉ là rẻ, Metro đã thu hút sự chú ý của phần lớn người tiêu dùng Việt.
Tuy nhiên, khi hướng kinh doanh của Metro chỉ khoanh vùng đối tượng doanh nghiệp, để được mua hàng tại Metro, người tiêu dùng bắt buộc phải có thẻ thành viên, phải có giấy phép kinh doanh mới được chấp nhận làm thẻ này, chính Metro đã tự làm khó mình. Bởi hộ gia đình, cá nhân mới chính là thị phần lớn nhất của mảng hàng tiêu dùng hiện nay, còn những doanh nghiệp cần mua sỉ, chắc gì họ đã tìm đến Metro để mua giá không phải gốc?
Nói tới mua sỉ, người Việt Nam vẫn còn gắn bó với hình thức “buôn có bạn bán có phường”, tức đến những khu chuyên bán về mặt hàng đó để có giá cạnh tranh, tốt chừng nào mua về bán có lợi chừng đó. Còn đến Metro để mua sỉ về kinh doanh thì nhiều người cho rằng giá ở đây không thật sự tốt. Họ nhận định rằng Metro là khâu trung gian, lại chi quá nhiều tiền vào diện tích, kho bãi, nhân viên, mặt bằng hoành tráng, nên việc đẩy giá lên cũng dễ hiểu.
Chưa kể mua sỉ bên ngoài còn được “gối đầu”, còn nhà tôi, mua ở Metro 12 năm, chưa từng được vận chuyển miễn phí nữa là cho "nợ", cũng chưa có thẻ thành viên thân thiết, không hề có sự kết nối nào giữa doanh nghiệp bán sỉ và khách hàng của mình.
Bên cạnh đó là hàng tá điểm trừ không phù hợp với tâm lý người Việt như khâu tính tiền chậm dù không phải là giờ cao điểm, giờ đóng cửa sớm (khoảng 21 giờ tối, trong khi các siêu thị khác là 22 giờ), nguyên tắc người mua tự vận chuyển, phải trình thẻ mới được vào, thiếu chính sách cho khách hàng thân thiết, mua hàng phải tự chuẩn bị bao - túi đựng, ngoài ra trẻ em dưới 10 tuổi cũng không thể đến Metro.
Đây là điều mà tôi nghĩ Metro đã tự làm khó mình, bởi dù là doanh nghiệp hay cá nhân, việc đi mua sắm với người thân và được lo sẵn đồ đựng là thói quen của người Việt. Mãi về sau Metro đã nới lỏng chính sách của mình, âm thầm thay đổi sang mô hình bán lẻ. Hầu hết các mặt hàng đều sắp xếp cho bán lẻ, ra vào, thanh toán hóa đơn cũng không cần thẻ hội viên, và mọi thành viên trong gia đình từ lớn đến bé đã có thể bước vào Metro mà không cần khai tuổi, nhưng vẫn còn chưa hỗ trợ túi đựng.
Tuy nhiên, những điều này không thể cứu vãn được tâm lý của người tiêu dùng. Trong khi đó, sức cạnh tranh và giá sản phẩm của Metro vẫn không thể tốt hơn nhiều so với các siêu thị, cửa hàng bên ngoài, trong khi tính tiện dụng không cao.
Việc đại siêu thị Metro phải dừng bước và bán mình cho tập đoàn Thái Lan theo cá nhân tôi là điều không khó lý giải.
Phải chi Metro tinh tế hiểu về văn hóa Việt hơn, có lẽ sẽ không phải cầm cự như thế này.
An Nhiên (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân sống tại TP.HCM
>> Không phát hiện cá tầm lậu tại siêu thị Metro
>> Siêu thị Metro Q.6 (TP.HCM) niêm phong, tạm ngưng bán toàn bộ sản phẩm của Miwon VN
>> Phát hiện và thu giữ hơn 900 chai rượu lậu tại siêu thị Metro - Hà Nội
>> Siêu thị Metro Hoàng Mai bị tố bán phô mai mốc xanh
>> Metro mua 50 triệu USD hàng nội mỗi năm
>> Đi chợ Tết Việt trong siêu thị Metro
Bình luận (0)