Miền Bắc đầu mùa mưa lớn, Nam bộ dù mưa vẫn ngột ngạt

Chí Nhân
Chí Nhân
04/07/2024 06:24 GMT+7

Nhiều nơi đang hứng chịu những trận mưa to bất thường, nhưng ngược lại không ít tỉnh, thành mưa chưa dứt hạt đã lại nóng bức đến khó chịu. Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng cực đoan và khó dự báo.

Mới đầu mùa đã mưa lớn nhiều nơi

Sáng 3.7, tại một số địa phương của tỉnh Hà Giang ghi nhận lượng mưa rất lớn. Cụ thể, ở H.Vị Xuyên lên tới 365 mm, còn tại TP.Hà Giang một số tuyến đường ngập sâu 30 - 50 cm khiến giao thông tê liệt.

Miền Bắc đầu mùa mưa lớn, Nam bộ dù mưa vẫn ngột ngạt- Ảnh 1.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở TP.Hà Giang (Hà Giang) ngập nặng vào sáng 3.7

CTV

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, không chỉ Hà Giang mà mưa to trên 100 mm còn được ghi nhận ở nhiều địa phương khắp cả nước như: Bắc Sơn (Lạng Sơn) 127,2 mm, Đôn Phong (Bắc Kạn) 123,8 mm, Chăn Nưa (Lai Châu) 117,4 mm, Thượng Lâm (Tuyên Quang) 115,6 mm, Phú Tân (Cà Mau) 118,4 mm… Dự báo, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa có nơi trên 120 mm. Từ chiều nay 4.7, mưa lớn ở khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ có khả năng giảm dần. Cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.

Mưa lũ dồn dập, bão mạnh bất thường khi La Nina xuất hiện

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, giải thích: Dù những ngày qua mưa lớn đồng thời khắp cả nước nhưng hình thế gây mưa lại hoàn toàn khác nhau. Ở miền Bắc, mùa mưa thường bắt đầu từ đầu tháng 7 và kéo dài đến tháng 10. Tuy nhiên, năm nay dù mới đầu mùa nhưng mưa nhiều với lượng lớn xuất hiện khá thường xuyên. Nguyên nhân là do khu vực này chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp gió mùa vắt ngang qua. Rãnh thấp này xuất phát từ khu vực Ấn - Miến, di chuyển dần về phía đông, ảnh hưởng tới cả Nhật Bản. Tùy theo điều kiện thời tiết, rãnh áp thấp này có khi nằm ở khu vực phía nam Trung Quốc, dọc theo sông Trường Giang; có khi lại bị đẩy xuống phía nam gây mưa to cho các tỉnh miền Bắc của VN. Rãnh áp thấp là một dãy hội tụ những ổ mây giông đậm đặc nên gây mưa to diện rộng và cục bộ có mưa rất to. Hiện tại, rãnh thấp này còn có sự kết hợp của gió mùa tây nam ở tầng thấp và gió đông, gió đông nam ở tầng cao nên gây mưa lũ nhiều hơn. "Trong tháng 7, có thể miền Bắc sẽ có 10 - 15 ngày mưa to diện rộng", bà Lan khuyến cáo.

Trước khi gây mưa to cho các tỉnh miền Bắc của VN, những ngày cuối tháng 6, Trung tâm khí tượng quốc gia của Trung Quốc cũng phát "cảnh báo đỏ" - mức cảnh báo cao nhất về mưa bão nghiêm trọng ở các tỉnh phía nam nước này. Theo dự báo một số khu vực ở các tỉnh An Huy, Giang Tô, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây và Quý Châu của nước này sẽ có mưa lớn, trong đó một số khu vực có thể có mưa lớn lên tới 280 mm trong vòng 24 giờ.

Ngày 2.7, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với đợt mưa lớn tại Bắc bộ. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp tại các tỉnh miền núi phía bắc.

Nam bộ mưa ít, thời tiết vẫn ngột ngạt

Ở Nam bộ, ngoài Cà Mau và Kiên Giang thì nhiều địa phương khác vẫn thường xuyên trong tình trạng mưa ít và nắng nóng khá gay gắt.

Anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ Q.Tân Bình (TP.HCM), than thở: Đã vào mùa mưa hơn cả tháng rồi mà trời vẫn thường xuyên nóng. Hôm nào không có hạt mưa là nắng gay gắt, nóng bức rất khó chịu cứ như giữa mùa nắng. Có nhiều ngày mưa không đủ lớn nên không khí vẫn ngột ngạt. "Đã vào mùa mưa nhưng cả tháng qua mưa còn rất ít và cũng ít khi có mưa lớn xuất hiện dù có những ngày trời khá nhiều mây", anh Hùng nhận xét.

Miền Bắc đầu mùa mưa lớn, Nam bộ dù mưa vẫn ngột ngạt- Ảnh 2.

Người dân TP.HCM vẫn cảm thấy nóng bức trong những ngày thiếu mưa hoặc mưa nhỏ

Ngọc Dương

Cùng cảm nhận, bà Phan Thị Dung, ngụ TP.Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu), cho biết trời vẫn thường xuyên nắng nóng gay gắt. Từ đầu mùa đến nay, số trận mưa lớn có thể làm mát không khí đếm trên đầu ngón tay. Hy vọng mưa xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6, tổng lượng mưa trên cả nước phân bố không đồng đều. Ở một số khu vực tăng cao còn một số nơi như Tây nguyên, Nam bộ lại thiếu hụt từ 15 - 30%, có nơi thấp hơn đến 50% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình của Tây nguyên và Nam bộ giai đoạn này phổ biến cao hơn từ 1 - 2 độ C, có nơi cao hơn trên 2 độ C so với trung bình nhiều năm. Chỉ trong nửa đầu tháng 6, cả nước có đến 20 lần ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử.

Từ tháng 7, thời tiết có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 1 - 2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới và có thể ảnh hưởng đến khu vực đất liền. Tây nguyên và Nam bộ có khả năng xuất hiện một số đợt mưa vừa, mưa to diện rộng kéo dài khoảng 2 - 4 ngày. Tuy nhiên, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến tiếp tục cao hơn từ 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Theo Th.S Lê Thị Xuân Lan, đối với miền Nam, kiểu thời tiết đặc trưng trong mùa mưa là sáng nắng chiều mưa và chịu ảnh hưởng của gió mùa tây nam. Trong những ngày gần đây, rãnh thấp xích đạo hay còn gọi là dãy hội tụ nhiệt đới có xu hướng phát triển mạnh lên. Dãy hội tụ này kết hợp với những khối mây giông ngoài Biển Đông đi vào gây mưa nhiều hơn, đặc biệt là những trận mưa đêm.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho rằng nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng thời tiết cực đoan thời gian qua là biến đổi khí hậu, mà tác nhân chính là các hoạt động kinh tế - xã hội của con người gây ra. Vì vậy, các chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong việc nỗ lực thực thi các kế hoạch hành động nhằm chung tay kiểm soát mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Mực nước lũ sông Mê Kông bị thủy điện chi phối

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ cuối tháng 6 đến tháng 9, tổng lượng dòng chảy trên sông Mê Kông về ĐBSCL biến đổi chậm với xu thế lên dần, nhưng vẫn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 15%.

Trong khi đó, theo Dự án MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện Mê Kông), nhịp lũ sông Mê Kông đã xuất hiện tương đương với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, hoạt động tích nước từ các con đập trong mùa mưa bắt đầu gia tăng và có tác động tiêu cực đến nhịp lũ thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.