Miền đất của những thiên tài âm nhạc

15/12/2017 21:12 GMT+7

Vùng đất châu Âu sản sinh ra nhiều thiên tài âm nhạc và một trong những nơi để họ thể hiện sự tài hoa bẩm sinh, đó chính là thành Vienna.

Những tên tuổi lớn
Từ thời Trung cổ, châu Âu đã xuất hiện rất nhiều nhạc sĩ và nhạc công xuất sắc. Tuy nhiên, mãi đến thời Phục hưng và Cận đại, dòng nhạc theo trường phái cổ điển và lãng mạn mới thực sự để lại dấu ấn trong kho tàng âm nhạc thế giới. Trong số ấy, phải kể đến “những cây đại thụ” mà tác phẩm của họ sống mãi với thời gian: Vivaldi, Bach, Handel, Mozart, Haydn, Salieri, Beethoven, Paganini, Schubert, Chopin, Schumann, Liszt, Wagner, Strauss, Brahms, Tchaikovsky…
Đối với đa số người Việt, những cái tên vừa nêu có thể xa lạ, không biết họ là ai. Tuy nhiên, trong cuộc sống thường ngày, có thể chúng ta đã nhiều lần nghe qua giai điệu quen thuộc ấy nhưng không biết ai là tác giả. Cái hay của âm nhạc chính là yếu tố ấy. Đó là sự nhập tâm một cách tự nhiên, giống như ta thuộc nằm lòng vài câu thơ nào đó nhưng lại không biết tác giả vậy. Điều đó âu cũng là lẽ thường tình và thiết nghĩ chỉ có âm nhạc mới tạo được kỳ diệu như vậy.
Thành phố của các nhạc sĩ
Nước Áo từ xa xưa là vùng đất “dụng võ” của các nhạc sĩ và nhạc công từ khắp nơi ở châu Âu tụ về nhằm “thi thố tài năng”. Bản thân nước Áo cũng sản sinh ra hàng loạt nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của nhân loại. Thành Vienna vì thế được người đời phong cho danh hiệu “thủ đô âm nhạc của châu Âu” cũng là điều dễ hiểu.
Ngày nay, khi du lịch đến thủ đô Vienna của nước Áo, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội bước vào một trong vô số nhà hát tại đây để cảm nhận “thủ đô âm nhạc” một cách sinh động nhất, tựa như những gì nó đã diễn ra vài trăm năm trước. Có điều này du khách Việt cần biết: bước vào các nhà hát ở thủ đô Vienna, chúng ta phải ăn mặc lịch sự, càng lịch lãm càng tốt, nếu bạn mặc quần ngắn mang dép hoặc áo thun, người ta sẽ không cho vào rạp. Khi đã bước vào rạp hát thì phải tắt điện thoại ngay hoặc có nơi người ta giữ điện thoại của bạn tại quầy, xem xong chương trình sẽ trả lại khi ra về.
Có thể nói, xếp sau âm nhạc và văn chương, điện ảnh là thứ nghệ thuật khiến người ta nhớ “dai” nhất. Sự nổi tiếng trong làng âm nhạc cổ điển và lãng mạn châu Âu thế kỷ 18 - 19 đã khiến cho các nhà làm phim nghĩ đến chuyện thực hiện các bộ phim nói về cuộc đời của những nhạc sĩ thiên tài. Mozart và Beethoven của nước Áo là ví dụ điển hình.
Bộ phim đề cập đến cuộc đời âm nhạc của Mozart có nhan đề Amadeus (ở VN mang tên Sự đố kỵ của thiên tài) do Hollywood thực hiện, công chiếu vào năm 1984, giành được 8 giải Oscar. Năm 1998, Amadeus được đưa vào danh sách 100 phim hay nhất thế kỷ của Viện Điện ảnh Mỹ. Amadeus tái hiện một phần cuộc đời của Wolfgang Amadeus Mozart, nhạc sĩ thiên tài người Áo, và Antonio Salieri, cũng là một nhạc sĩ tài năng cùng thời với Mozart. Antonio Salieri được cho là người đã gián tiếp gây nên cái chết của Mozart, khiến thiên tài âm nhạc này qua đời ở tuổi 35 (vào năm 1791). Tiễn Mozart ra nghĩa trang, chỉ duy nhất có vị linh mục đi cùng trong thời tiết rét mướt, buồn thê lương.
So với Mozart, nhà soạn nhạc Beethoven sống thọ hơn, và cuối đời mặc dù bị điếc nhưng sự “giã biệt cõi trần” của ông không “thê thảm” như bậc tiền bối. Đời sống âm nhạc của Beethoven được thể hiện qua Copying Beethoven - một bộ phim được tiểu thuyết hóa, lấy bối cảnh năm 1824 tại thành Vienna, qua phần diễn xuất của Ed Harris (vai Beethoven) và nữ diễn viên xinh đẹp Diane Kruger (vai Anna Holtz, người chép nhạc cho Beethoven). Bộ phim này được công chiếu vào năm 2006. Hãy dành chút thời gian để thưởng thức Copying Beethoven, có thể từ chỗ còn mù mờ, bạn đột nhiên trở thành một người “sành điệu”, yêu âm nhạc cổ điển phương Tây thì sao! Biết đâu được, với âm nhạc và điện ảnh thì mọi chuyện đều có thể xảy ra.

tin liên quan

Một thoáng Qatar
Là đất nước nhỏ bé với diện tích 11.437 km2 nằm trong vịnh Arab, Qatar được xem là một trong những quốc gia xinh đẹp, có nhiều tỉ phú nhất thế giới. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.