Miễn giảm thuế giúp báo chí giữ vững vai trò tiên phong

PGS-TS Trần Hoàng Ngân
(Đại biểu Quốc hội)
24/11/2024 07:21 GMT+7

Trước sự bùng nổ của truyền thông mạng xã hội, chính sách miễn giảm thuế sẽ giúp báo chí có thêm nguồn lực đầu tư, giữ vững vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng.

Nguồn thu ngày càng bào mòn

Trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước xem như phương tiện, vũ khí rất quan trọng trong tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với mọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Trong thời bình, vai trò của báo chí cũng hết sức quan trọng, góp phần đấu tranh với các thông tin xấu độc, phản động, chống phá Nhà nước. Báo chí cũng dấn thân vào thực tiễn sinh động để phát hiện, giới thiệu những mô hình hay, thông tin tích cực và góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Miễn giảm thuế giúp báo chí giữ vững vai trò tiên phong- Ảnh 1.

Với vai trò tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng, báo chí cần nhận được sự ưu đãi đặc biệt hơn về chính sách thuế

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, đội ngũ phóng viên không ngại vất vả, nguy hiểm đã sẵn sàng tiên phong đi vào những điểm nóng, vùng dịch để phản ánh cuộc sống người dân, công tác ứng phó của lực lượng chức năng. Chính những thông tin đó giúp cho người dân an tâm, vững tin hơn vào các biện pháp chống dịch. Hay trong đợt bão lũ hồi tháng 9 vừa qua, phóng viên có mặt ở các điểm sạt lở đưa tin kịp thời công tác cứu hộ, nhiều cơ quan báo chí phối hợp tổ chức chương trình cứu trợ, kiến thiết lại đời sống cho bà con với tổng kinh phí hàng trăm tỉ đồng.

Hiện báo chí đang đối mặt với hàng loạt thách thức, khó khăn trước sự bùng nổ thông tin, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội. Nguồn thu của các cơ quan báo chí đang tiếp tục sụt giảm sâu trong những năm qua, quảng cáo giảm mà phải tăng đầu tư thiết bị hiện đại hơn trong thời buổi xã hội số.

Báo cáo mới đây của Bộ TT-TT cho thấy doanh thu của nhiều cơ quan báo chí, kể cả báo in, tạp chí, báo điện tử và đài phát thanh, truyền hình tiếp tục sụt giảm mạnh, có tờ báo giảm đến 70%. Nguồn thu sụt giảm từ sau đại dịch Covid-19 đến nay trong khi các chi phí vận hành, đầu tư công nghệ đều tăng đặt nhiều cơ quan báo chí vào tình trạng "báo động đỏ" trong việc duy trì hoạt động, đảm bảo đời sống đội ngũ người làm báo. Ở chiều ngược lại, nguồn hỗ trợ từ ngân sách cho báo chí hiện khá thấp, dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, còn chi đầu tư báo chí cũng chỉ khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách nhà nước.

Cần chính sách hỗ trợ đặc biệt

Trước bối cảnh đó, Quốc hội cần có một chính sách đặc biệt hỗ trợ cho lĩnh vực báo chí truyền thông trong giai đoạn hiện nay để có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại hơn. Trong dự thảo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in chịu thuế 10%, nguồn thu từ các hoạt động còn lại chịu thuế 15%. Với vai trò tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng, báo chí cần nhận được sự ưu đãi đặc biệt hơn về chính sách thuế, có thể áp dụng chung một mức thuế cho báo in, báo điện tử là 10%, thậm chí nên giảm nhiều hơn nữa. Thậm chí, có thể miễn thuế TNDN cho báo chí trong 5 năm, hoặc áp thuế ở mức tối thiểu để báo chí vượt qua khó khăn.

Những năm trước đây, nhiều cơ quan báo chí làm ăn có lãi, được nhà nước hỗ trợ, cho vay ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng tòa nhà cao tầng làm nơi làm việc, dành một phần cho thuê. Nguồn thu từ cho thuê mặt bằng giúp cơ quan báo chí bù đắp chi phí vận hành tòa soạn, có thêm phúc lợi cho đội ngũ người làm báo. Với một số tờ báo, đây là khoản thu quan trọng trong bối cảnh quảng cáo, phát hành giảm sút, quảng cáo báo điện tử cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội. Với cách tính thuế hiện nay, khoản thu này chịu thuế thu nhập bình thường, vô tình khiến doanh thu chung của cơ quan báo chí càng eo hẹp.

Do vậy, cơ quan soạn thảo luật Thuế TNDN nên xem xét ưu đãi thuế với tất cả hoạt động của báo chí từ phát hành, quảng cáo, tổ chức sự kiện, cho thuê mặt bằng thay vì tách từng khoản thu. Đây chính là giải pháp thiết thực nhất để hỗ trợ báo chí duy trì hoạt động theo đúng tinh thần nghị quyết của T.Ư, khẳng định vai trò của báo chí trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh chính sách ưu đãi thuế, các bộ ngành, địa phương cần đẩy mạnh truyền thông chính sách thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với cơ quan báo chí chủ lực. Mặt khác, những quy định về định mức kinh tế kỹ thuật, cách tính chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN cũng nên thông thoáng hơn, sát thực tiễn hơn để cơ quan báo chí dễ thực hiện, người làm báo có cuộc sống dễ thở hơn.

Có thêm nguồn thu, cơ quan báo chí vừa có thêm nguồn lực đầu tư công nghệ để đẩy nhanh chuyển đổi số, vừa có thêm động lực thực hiện nhiệm vụ chính trị trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong kỷ nguyên mới, đất nước rất cần sự dấn thân, tiên phong của báo chí đưa những chủ trương, định hướng lớn vào cuộc sống. Với đặc tính lan tỏa thông tin, sự quan tâm hỗ trợ báo chí không chỉ giúp báo chí làm tốt hơn nhiệm vụ của mình mà thông qua đó cả xã hội được hưởng lợi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.