Miền Nam đón đợt mưa to kéo dài

Chí Nhân
Chí Nhân
14/09/2024 06:16 GMT+7

TP.HCM và các tỉnh thành miền Nam bắt đầu vào đợt mưa to gió lớn kéo dài nhiều ngày tới. Thậm chí dải hội tụ nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng mạnh lên và hình thành áp thấp nhiệt đới.

Mưa lớn kết hợp triều cường vào tết Trung thu

Trong hai ngày 12 - 13.9, đúng vào giờ tan tầm, mưa lớn kèm gió mạnh xuất hiện trên địa bàn TP.HCM. Tại khu vực trung tâm thành phố đã xảy ra tình trạng kẹt xe ở nhiều tuyến đường. Đặc biệt tại khu vực TP.Thủ Đức, mưa lớn gây ngập sâu ở nhiều tuyến đường khiến sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.

Miền Nam đón đợt mưa to kéo dài- Ảnh 1.

Đường Dương Văn Cam (TP.Thủ Đức, TP.HCM) ngập nặng vì những trận mưa chiều 12.9

ẢNH: NHẬT THỊNH

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tính đến sáng 13.9, lượng mưa tại Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ) là 75,2 mm, Nhà Bè là 56,6 mm, Thủ Đức là 51 mm… Ngoài ra, lượng mưa ghi nhận được ở Ngan Dừa (Bạc Liêu) là 70,2 mm, Dốc Vàng Hạ (Đồng Tháp) là 73,4 mm, Hương Mỹ (Bến Tre) là 69,6 mm…

Thật ra ngay buổi sáng 13.9, mây đen đã xuất hiện rải rác trên bầu trời ở TP.HCM và đến đầu giờ chiều thì mưa giông đã bắt đầu theo từng đợt. Đến 17 giờ, cả bầu trời thành phố mây đen dày đặc, kèm theo nhiều đợt gió giật mạnh, mưa rơi, ngập nước, kẹt xe... Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo đợt mưa lớn tại Nam bộ có khả năng kéo dài đến hết ngày 18.9, lượng mưa trong 24 giờ ở các tỉnh thành phổ biến từ 30 - 80 mm. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh; cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 1.

Bão số 4 có thể sắp vào Biển Đông, hướng vào miền Bắc và miền Trung

Th.S Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, giải thích: Nguyên nhân gây mưa lớn kéo dài là do dải hội tụ nhiệt đới có trục qua bắc Trung bộ dịch dần xuống phía nam qua Trung bộ đang hoạt động mạnh dần. Bên cạnh đó, gió mùa tây nam hoạt động với cường độ lớn dần. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới suy yếu rút về phía đông. Điều này khiến thời tiết trên khu vực phổ biến nhiều mây, ngày nắng gián đoạn. Trưa chiều và tối có mưa rào nhiều nơi, rải rác mưa vừa và giông, có nơi mưa to, cục bộ có mưa rất to. Đây là đợt mưa lớn kéo dài nhất kể từ khi bắt đầu mùa mưa tại TP.HCM cũng như khu vực Nam bộ nói chung. Bên cạnh mưa lớn, những ngày sắp tới cũng là lúc triều cường rằm tháng 8 âm lịch xuất hiện. Do đó các khu vực trũng thấp ở TP.HCM và các tỉnh có khả năng cao sẽ xảy ra ngập do triều cường kết hợp mưa lớn.

Mực nước triều cường cao có thể xuất hiện vào các ngày từ 17 - 19.9. Người dân cần chú ý phòng tránh các khu vực nguy hiểm khi cho con em tham gia các hoạt động tết trung thu.

Có khả năng xuất hiện vùng áp thấp thậm chí bão

Kể từ đầu tháng 9 đến nay, mưa vừa, mưa to xuất hiện thường xuyên trên khu vực Nam bộ và Tây nguyên đã ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đáng chú ý, mưa to thường xuyên xuất hiện ở khu vực Tây nguyên đã ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch sầu riêng nơi đây. Tây nguyên cũng là khu vực trồng sầu riêng lớn nhất của VN hiện nay, do vậy có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng chủ lực này.

Miền Nam đón đợt mưa to kéo dài- Ảnh 2.

Đường Dương Văn Cam (TP.Thủ Đức, TP.HCM) ngập nặng vì những trận mưa chiều 12.9

ẢNH: NHẬT THỊNH

Theo ghi nhận của Thanh Niên, giá sầu riêng tại vườn giảm từ mức 60.000 - 80.000 đồng/kg hồi cuối tháng 8 đến nay phổ biến chỉ còn 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm (Đắk Lắk), cho biết: Nếu vào cuối tháng 8, giá sầu riêng loại đạt chuẩn xuất khẩu tươi nguyên trái phổ biến 70.000 - 80.000 đồng/kg thì hiện tại chỉ còn 50.000 - 60.000 đồng/kg, hàng bóc múi đông lạnh còn 30.000 - 40.000 đồng/kg.

"Do mưa nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng nên khách cũng giảm nhập hàng và tăng cường giám sát chất lượng khiến doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Chúng tôi hy vọng trời sớm dứt mưa và nắng ráo trở lại để hoạt động thu hoạch và xuất khẩu sầu riêng trở lại bình thường", bà Thanh nói.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), lý giải: Đặc thù của cây sầu riêng là phải thu hoạch lúc trời nắng và phải cách trận mưa cuối cùng ít nhất khoảng 1 tuần thì mới đạt chất lượng tốt. Còn hiện tại, do mưa nhiều nên giá sầu riêng giảm sâu, phổ biến còn 30.000 - 40.000 đồng/kg. Ở những khu vực nắng ráo, giá vẫn duy trì mức cao 70.000 - 80.000 đồng/kg, nhưng nguồn cung khan hiếm khiến doanh nghiệp thiếu hàng xuất. Khu vực Tây nguyên có điểm bất lợi là vụ thu hoạch rơi vào cao điểm mùa mưa đặc biệt như giai đoạn hiện nay đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng và giá cả.

"Cần nghiên cứu thêm giải pháp để ứng phó tình trạng này. Thứ nhất, cần có giải pháp để tiêu thoát nước cho vườn sầu riêng. Thứ hai, có thể áp dụng lót bạt chống thấm trên mặt đất để hạn chế tình trạng hấp thu nước vào trái", ông Mười khuyến nghị.

Hàng trăm đoàn viên Yên Bái chung tay giúp người dân khắc phục hậu quả lũ lụt

Trong khi nhiều người dân Tây nguyên mong giảm mưa, nắng ấm trở lại thì các bản tin dự báo thời tiết lại cho thấy khả năng mưa sẽ tiếp tục kéo dài.

Theo Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, dải hội tụ nhiệt đới vắt ngang khu vực miền Trung và giữa Biển Đông có khả năng mạnh lên thành vùng áp thấp ngay khu vực giữa Biển Đông khoảng ngày 15.9. Cũng không loại trừ khả năng vùng áp thấp này tiếp tục mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới hoặc bão. Vùng áp thấp này chủ yếu di chuyển về khu vực ven biển miền Trung trong khoảng thời gian từ ngày 19 - 20.9.

"Đây là dự báo sớm, trong những ngày tới khả năng còn có nhiều thay đổi nên người dân, đặc biệt là ngư dân, chú ý theo dõi các bản tin dự báo tiếp theo để phòng tránh những rủi ro thiên tai", bà Lan khuyến cáo.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng có nhận định tương tự: Hiện nay dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 16 - 19 độ vĩ bắc kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh đang gây mưa rào và giông trên Biển Đông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2 m. Hiện nay, mực nước triều tại khu vực ven biển phía tây của Nam bộ đang ở mức cao, cần đề phòng mực nước dâng bất thường gây sạt lở đê biển.

Trong giai đoạn từ nay đến ngày 10.10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, tương đương với trung bình nhiều năm cùng kỳ; trong đó có thể có một cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong giai đoạn này, trên phạm vi toàn quốc tiếp tục có nhiều ngày mưa; có khả năng xuất hiện một số đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Khu vực miền Trung cũng bắt đầu vào giai đoạn mùa mưa từ giữa tháng 9.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) mới đây cho biết khí hậu đang chuyển từ trạng thái trung tính sang La Nina (mưa nhiều), có 60% nó sẽ xuất hiện từ tháng 10.2024 và kéo dài đến tháng 2.2025. La Nina xuất hiện đi kèm với các hiện tượng như làm mát nhiệt độ bề mặt nước biển ở khu vực trung tâm xích đạo trên Thái Bình Dương, thay đổi trong hoàn lưu khí quyển nhiệt đới chẳng hạn như gió, áp suất và lượng mưa. Điều này khiến thời tiết những tháng cuối năm 2024 diễn biến khó lường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.