Miền thùy dương

16/04/2022 09:09 GMT+7

Những mùa bão gió quét qua vùng ven biển miền Trung khiến nhiều bờ biển bị sạt lở gây bao thiệt hại về môi sinh và tài sản, khiến ta nhớ lại 3 chữ “miền thùy dương” cát trắng thường xuyên hứng chịu tai họa. Nhưng vì sao lại có tên gọi đó ?

Đằm sâu trong ký ức

Đầu những năm 1960, lúc mới ra Đà Nẵng, đêm trên bãi biển Thanh Bình, lần đầu tôi được ru ngủ bởi tiếng thông reo rì rào trong gió. Thật là một cảm giác kỳ thú. Sau này mới biết rừng thông ấy được một nhà thầu trồng từ sau năm 1954 để chắn gió.

Dương liễu gắn với vùng ven biển miền Trung

Khi tôi vào lớp đệ thất Trường Phan Châu Trinh, lúc đi bộ đến trường ngó vào cổng một ngôi nhà cổ trên đường Nguyễn Thị Giang (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), tôi thấy có treo tấm bảng ghi “Miền Thùy Dương” mà chẳng hiểu được gì. Lại nghe Phạm Duy viết Về miền Trung cũng nhắc đến miền thùy dương, Duy Khánh hát Thương về miền Trung của nhạc sĩ Châu Kỳ càng da diết: “Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm người em/Nắng mưa đêm ngày cách trở, giờ xa xôi đôi đường/Người ơi, có về miền quê hương thùy dương/Nước chảy còn vương bao niềm thương, cho nhắn đôi lời”.

Tính hay thắc mắc, tôi đem hỏi thầy dạy văn sao lại gọi là miền thùy dương. Thầy giải thích: Miền Trung được gọi là “Miền thùy dương” để nhắc đến cây dương liễu trồng chắn cát ven biển…

Cây dương liễu được người dân miền Trung gọi là phi lao hoặc thông, tùy vùng. Ở ven biển nó thường được trồng rất nhiều nên bà con vẫn gọi là các rừng thông. Trong những năm tản cư ra Đà Nẵng, ông chú họ của tôi với chiếc xe xích lô, chuyên sống bằng nghề bán củi dương liễu khắp thành phố và nuôi một bầy con khôn lớn. Các rừng thông bắt đầu bị san ủi vì các mục đích quân sự…

Chuyện cũ trôi đi cùng với thời gian, với những biến động của xã hội và đời người…

Đến sau năm 1975, nhiều lần đến xã vùng cát Bình Dương, phía đông Thăng Bình (Quảng Nam) lại nghe câu chuyện “Cây dương thần”, hiểu thêm ở đây có 2 cây dương liễu cổ thụ, du kích tại đó hồi chiến tranh đã đào hầm bí mật, dùng thân cây dương liễu làm các hầm chữ A dưới đất để làm nơi dạy học cho trẻ em, làm các trạm phẫu thuật và trú ẩn thời chiến. Nhà văn Chu Cẩm Phong từng miêu tả các lớp học ấy trong Nhật ký chiến tranh của ông. Nhà thơ Ý Nhi cũng viết: Đơn độc và kiêu hãnh/cây dương vút cao trên đất đai nóng giẫy/sau hàng nghìn nhà cháy/sau hàng nghìn căn hầm bị bật tung/sau hàng nghìn tấn đạn bom… Nhà văn Nguyên Ngọc lại khái quát: (Cây dương thần) như một huyền thoại, nó đứng đó, sừng sững, ngang ngạnh, kỳ lạ, suốt cuộc chiến tranh, bất chấp tất cả…

Rừng dương dọc biển Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Hai cây dương cổ thụ ở xã Bình Dương còn lại sau bao nhiêu bom đạn, cho thấy người dân vùng cát bao đời đã trồng loại cây có lá kim này để ngăn bão gió và sinh sống trong một môi trường vô cùng khắc nghiệt. Phong trào trồng thông chắn cát đã trở thành kỳ tích của Bình Dương khi hòa bình trở lại, góp phần cho địa phương này được vinh danh lần thứ 3 là Anh hùng lao động sau 2 lần trước đó trong chiến tranh. Ông Phan Thanh Bốn, một lãnh đạo xã đội thời chiến tranh, đưa tôi đến giới thiệu 2 cây “dương thần” và hết sức hãnh diện khi nhắc lại những kỷ niệm thời trai trẻ…

Phai nhạt hình bóng thùy dương

Bây giờ, lướt một vòng trên internet với từ chủ Rừng dương, ta ngay lập tức nhận được nhiều thông tin, từ tích cực lẫn tiêu cực. Chẳng hạn: “Ký ức rừng dương” ở Quảng Nam đã bị cày ủi để làm khu du lịch, “Rừng dương của người già” ca ngợi sự đóng góp của người cao tuổi ở Bến Tre, “Xới tung rừng dương để trộm cát” về nạn “cát tặc” ở Quảng Ngãi, “Phá rừng dương chắn gió để trồng rau an toàn” ở Đức Phổ, “Tan nát rừng dương ven biển” do bị chặt phá ở một số nơi… Tất cả cho thấy bao đời người dân đã trồng cây dương liễu để giữ môi trường cát ven biển, giờ do quản lý yếu kém nên bị những lợi ích nhất thời che mắt, làm hỏng đi…

Một hôm đi chơi đêm dưới những hàng dừa trên bãi biển, một bạn bất chợt nói: “Tôi thích những rừng dương liễu ngày xưa hơn!”. Câu nói khiến tôi nhớ lại nhiều kỷ niệm, đồng thời với những trận bão quét qua vùng ven biển. Nhớ cả những căn hầm người dân đào trong vườn nhà, dưới những gốc dương để trú bão mới đây ở phía đông Quảng Nam, Quảng Ngãi...

Suốt thời trung học, mùa hè nào chúng tôi cũng ra biển, cắm trại dưới những rừng thông bên biển Mỹ Khê, Non Nước (Đà Nẵng) và chụp lại nhiều ảnh lưu niệm. Nhưng rồi cũng chẳng nhớ. Một hôm đi chơi đêm dưới những hàng dừa trên bãi biển, một bạn bất chợt nói: “Tôi thích những rừng dương liễu ngày xưa hơn!”. Câu nói khiến tôi nhớ lại nhiều kỷ niệm, đồng thời với những trận bão quét qua vùng ven biển. Nhớ cả những căn hầm người dân đào trong vườn nhà, dưới những gốc dương để trú bão mới đây ở phía đông Quảng Nam, Quảng Ngãi…

Hôm dự hội thảo về chữ Quốc ngữ ở vùng cát Điện Bàn (khu du lịch Belhamy), giờ giải lao, trong khu vườn dương liễu cổ thụ, linh mục Nguyễn Trường Thăng có kể với tôi về giống dương liễu trồng ở miền Trung. Chuyện rằng, từ một vùng cát biển xa xôi nước Pháp, vùng Bouin, trên một thế kỷ trước, linh mục Jean Héry (tên Việt là Cố Y) sau thời gian làm việc ở Quảng Bình đã được đặt làm quản xứ Hà Úc vào năm 1894 thuộc giáo phận Huế. Khi đến thăm người dân sống trên những doi cát nắng nóng vùng đầm phá Tam Giang, Thừa Thiên - Huế, ông đã đưa giống cây dương liễu (còn gọi là phi lao) về trồng tại vùng Hà Úc. Từ đó đến nay, cây dương liễu đã trở thành hình ảnh quen thuộc khắp duyên hải miền Trung Việt Nam, che chắn cát biển và đem lại nhiều lợi ích kinh tế khác...

Sau hơn một thế kỷ, cây dương liễu đã tỏ ra thích nghi với thổ nhưỡng vùng cát ven biển, ngăn chặn nạn xói lở, chống chịu nạn cát bay ven biển lại dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, và có nhiều ích lợi trong đời sống, xây dựng nhà cửa… nên được ngành lâm nghiệp nhân giống rộng rãi và người dân tin cậy.

Sự thích nghi này còn được ca ngợi trong văn chương, âm nhạc, đóng góp vào các kỳ tích chống ngoại xâm, mà di tích 2 cây “dương thần” ở Bình Dương là một bằng chứng. Thế mà bây giờ, hình ảnh cây dương liễu đang dần phai nhạt, nhiều rừng dương bị phá đi vì những mục đích ngắn hạn. Tiếc làm sao!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.