Xác xơ nơi bão đi qua
Theo Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 4 (Noru), sau nhiều giờ liền đổ bộ từ rạng sáng 28.9, cơn bão đã làm nhà dân nhiều tỉnh, thành ở miền Trung bị tốc mái, cây cối ngã đổ...
Mái nhà một hộ dân xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) bị thổi bay hoàn toàn |
MẠNH CƯỜNG |
Bão số 4 đi vào địa phận Quảng Nam đã gây ra những thiệt hại ban đầu về tài sản, giao thông bị chia cắt nghiêm trọng. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trong ngày 28.9, người dân và chính quyền các địa phương đang tích cực khắc phục hậu quả của bão, nhiều người trở về nhà từ nơi tránh trú để thu dọn tài sản. Chị Lê Thị Hương (trú xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) khóc nức nở khi từ nơi di tản quay về, chứng kiến tiệm quần áo của mình bị bão đánh sập hoàn toàn, bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào đây bay biến sạch theo gió bão. Chị Trần Thị Mỹ Lan (trú xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) muốn khụy ngã khi căn nhà của gia đình chị bị bão đánh tốc mái hoàn toàn, tài sản trong nhà hư hỏng hết. “Mất trắng rồi con ơi!”, chị Lan buồn bã nói với con mình.
Phố cổ Hội An vẫn bình thản giữa mênh mông nước sau bão Noru |
Hết sức chú trọng tinh thần không được chủ quan. Kinh nghiệm là đã trả giá qua một số cơn bão. Sau cơn bão gây ra thiệt hại còn lớn hơn so với bão diễn ra.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành
Tại Đà Nẵng, mặc dù là địa phương nằm trong tâm điểm bão số 4 (Noru) đổ bộ, tuy vậy, địa phương chưa ghi nhận thiệt hại về người; có 2 nhà tốc mái; 1 dãy tường trường học bị đổ. Trong đêm, Đà Nẵng có 1 trường hợp cấp cứu phụ nữ chuyển dạ, phải dùng xe chuyên dụng, hiện đã an toàn. Bão số 4 Noru đổ bộ làm gãy nhiều cây xanh ở TP.Đà Nẵng, các tuyến đường ven biển “tê liệt” vì cây chắn ngang. Tại H.Hòa Vang, ở các xã Hòa Khương, Hòa Phong và Hòa Nhơn, nhiều cây xanh bị ngã đổ, nhiều hàng quán bị tốc mái. Đáng chú ý, tại khu phố đêm chợ Túy Loan (xã Hòa Phong, H.Hòa Vang), bão Noru đã gây hư hại mái che chợ đêm và nhiều vật dụng của tiểu thương bị hư hỏng...
Nhiều ngầm tràn ở miền núi Quảng Trị bị ngập nặng, chia cắt cục bộ, do mưa lớn |
THANH LỘC |
Thừa Thiên-Huế cũng là địa phương chịu ảnh hưởng không nhỏ của cơn bão Noru. Lãnh đạo UBND H.Phú Vang cho biết bão số 4 (Noru) làm 53 nhà dân bị tốc mái, trong đó tập trung ở các xã ven biển. Riêng tại xã Vinh Xuân (H.Phú Vang), mưa lớn và gió giật mạnh trong đêm khiến 20 ngôi nhà bị tốc mái, 1 nhà sập hoàn toàn, ghi nhận 3 trường hợp bị thương. Theo thống kê thiệt hại ban đầu trên toàn tỉnh, bão số 4 làm 5 người bị thương nhẹ, 1 nhà sập, 190 nhà bị tốc mái và hơn 500 cây xanh bị đổ ngã.
Không chủ quan sau bão
Trực tiếp chỉ đạo tại Ban Chỉ huy tiền phương, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng nhờ công tác chuẩn bị công phu, bài bản nên đã giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Phó thủ tướng cũng lập tức chỉ đạo các địa phương phải khẩn trương rà soát các điểm có thiệt hại, các khu dân cư có nhà bị tốc mái; hỗ trợ cho bà con để dựng lại khu vực này. Các khu vực cây cối bị đổ, ảnh hưởng đến giao thông, phải có bộ phận trực chiến khẩn trương khắc phục, dựng cây hoặc cắt tỉa cành, tránh ùn tắc giao thông.
“Hết sức chú trọng tinh thần không được chủ quan. Kinh nghiệm là đã trả giá qua một số cơn bão. Sau cơn bão gây ra thiệt hại còn lớn hơn so với bão diễn ra. Việc cho đi học lại tuy khẩn trương nhưng phải căn cứ vào tình hình đường sá, tình hình hồ đập, cầu cống đảm bảo an toàn”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Tại Thừa Thiên-Huế, sáng 28.9, lực lượng quân đội cùng chính quyền đã nhanh chóng có mặt, triển khai lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả của bão số 4 (Noru).
Đối với Đà Nẵng, thiệt hại nhiều nhất vẫn là cây xanh gây ách tắc nhiều tuyến đường, nên lực lượng Công an, Quân đội đã khẩn trương khắc phục. Lực lượng, phương tiện Bộ CHQS TP khắc phục hậu quả và tham gia giúp nhân dân sau bão, giải phóng mặt đường thông thoáng... Bên cạnh đó, công an có mặt tại các khu dân cư hỗ trợ di dời người dân có nhà bị ảnh hưởng do bão Noru đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay khi dự báo bão Noru đổ bộ vào Quảng Nam, ngoài con người thì Hội An rất lo về số phận của hơn 1.000 ngôi nhà cổ. Nhưng rất may, do được chằng chống kỹ càng nên tất cả đều trụ vững sau bão.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết mặc dù Quảng Nam là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 4. Nhưng do công tác phòng, tránh được tỉnh thực hiện quyết liệt và khẩn trương với sự chấp hành nghiêm túc của nhân dân cho nên những thiệt hại trên địa bàn tỉnh là không đáng kể. Theo ông Thanh, tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương, tổ chức khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại. Đồng thời, tổ chức kiểm tra và khắc phục nhanh hậu quả bão, mưa lũ, chủ động huy động lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại...
Bão cũng khiến tình hình mất điện tại các địa phương diễn ra trên diện rộng. Nhưng đến chiều tối 28.9, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã khôi phục cấp điện trở lại cho hơn 1,2 triệu khách hàng miền Trung - Tây nguyên bị ảnh hưởng do bão Noru, chiếm tổng số 66,8% khách hàng bị mất điện do thiên tai. Đã có 3 công ty điện lực là Đắk Nông, Đắk Lắk và Phú Yên đã cấp điện trở lại 100% cho khách hàng.
Ngành điện Quảng Trị huy động lực lượng khắc phục sự cố do bão Noru |
Bão đi qua, lũ lụt ập tới
Bên cạnh đó, bão Noru vừa đi qua thì mực nước trên sông Thu Bồn lên nhanh, khiến 600 hộ dân với khoảng 2.400 người dân ở thôn Đông Bình (xã Duy Vinh, H.Duy Xuyên) và thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu, H.Duy Xuyên), bị cô lập. Nguyên nhân là do hai thôn này nằm cuối sông Thu Bồn, mỗi lần mưa lớn nước trên thượng nguồn đổ về khiến tuyến đường độc đạo dẫn vào thôn ngập sâu gần 1 m nên người dân không thể qua lại. Để đảm bảo an toàn cho người dân, địa phương đã rào chắn, đặt biển cảnh báo hai đầu tuyến đường. Chính quyền xã đã túc trực, cấm người dân qua lại con đường này. Lương thực, thực phẩm cũng được cấp đầy đủ cho người dân trong thời gian dài.
Chiều 28.9, ông Nguyễn Sáu, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh (H.Duy Xuyên, Quảng Nam), cho biết do ảnh hưởng của bão số 4 (Noru), khoảng 300 hộ dân với hơn 1.200 nhân khẩu ở thôn Đông Bình (xã Duy Vinh), đang bị cô lập do nước lũ dâng cao. Ngoài ra, ở thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu, H.Duy Xuyên) cũng có 350 hộ dân với 1.402 nhân khẩu đang lâm vào tình trạng tương tự.
Mưa lớn do ảnh hưởng của bão Noru đã làm chia cắt rất nhiều khu vực miền núi ở tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình. Cụ thể, nhiều ngầm, tràn qua suối ở miền núi tỉnh Quảng Trị bị nước dâng, chia cắt như cầu tràn thôn Trùm (xã Ba Tầng) và đập tràn Nguồn Rào (xã Hướng Sơn, H.Hướng Hóa). Tại H.Đakrông (tỉnh Quảng Trị) trong sáng 28.9, nước suối dâng cao đã chia cắt hàng loạt ngầm, tràn tại các xã A Ngo, Tà Rụt, A Vao, Ba Nang. Trong suốt ngày 28.9, chính quyền địa phương đã cử lực lượng dân quân, quân sự chốt giữ để đảm bảo an toàn cho người dân.
Cũng tại Quảng Trị, mưa lớn, nước suối dâng cao đã cuốn trôi chiếc cầu tạm bằng sắt nối thôn Thúc và thôn Cây Tăm (xã Vĩnh Ô, H.Vĩnh Linh) vào rạng sáng cùng ngày. Được biết, việc xây dựng cây cầu bê tông cốt thép bắc qua khu vực vẫn chưa hoàn thiện vì thế việc cầu sắt bị cuốn trôi khiến hơn 330 hộ dân với gần 1.400 nhân khẩu trên địa bàn xã này đã bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.
Đêm mất ngủ vì bão Noru của người dân Tam Kỳ |
Trong khi đó, tại Quảng Bình, theo thống kê của ngành chức năng, mưa lũ đã gây ách tắc giao thông, gây nhiều điểm ngập lụt trên địa bàn tỉnh, tất cả đều nằm ở địa bàn miền núi. Trong đó các ngầm Hà Nông, Cát Định, Tô Vổ, Ka Ai, Ka Định (H.Minh Hóa); ngầm Cà Ròong, Bùng, Bến Tróc (H.Bố Trạch).
Những ngầm này đều bị ngập từ 0,5 - 1,2 m, nước chảy xiết, xe cộ không thể qua lại, chia cắt cục bộ các địa phương. Trước tình hình trên, lực lượng chức năng gồm công an, quân đội, dân quân tự vệ đã huy động lực lượng, đặt biển cảnh báo 100% các điểm ngập tràn, sạt lở. Đồng thời rà soát kêu gọi người dân không đi vào rừng, đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Mưa lớn chồng mưa bão Noru, cảnh báo sạt lở đất, lũ quét
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cơn bão Noru đã gây ra mưa rất lớn ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam. Hơn nữa, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết ngay sau đợt mưa do ảnh hưởng bão Noru, miền Trung tiếp tục đón thêm một đợt mưa lớn kéo dài đến ngày 30.9. Theo ông Hưởng, nguyên nhân của đợt mưa này là do tác động của dải hội tụ nhiệt đới được hình thành từ chính cơn bão Noru. Nó kết hợp với đới gió đông sau bão và không khí lạnh để hình thành dải hội tụ nhiệt đới gây ra mưa lớn trên toàn khu vực miền Trung và tỉnh Kon Tum. Đợt mưa này bắt đầu từ 28.9 và kéo dài cho đến hết ngày 30.9, với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 200 mm, có nơi trên 300 mm. Vùng núi phía tây miền Trung có nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo mưa lớn trong những ngày tới ở miền Trung sẽ khiến lũ trên các sông ở Quảng Trị; sông Thu Bồn (Quảng Nam) lên mức báo động (BĐ) 1- BĐ 2, sông Vu Gia (Quảng Nam) lên trên BĐ 2. Các sông ở Kon Tum lên mức BĐ 2 – BĐ 3 và trên BĐ 3. Các sông ở Bắc Trung bộ xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông nhỏ thượng nguồn sông Mã, sông Cả lên mức BĐ 1 và trên BĐ 1. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu (Nghệ An) và Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Phan Hậu
Bình luận (0)