Nước mắt sau bão: Vợ bàng hoàng 'trắng tay rồi', chồng động viên 'còn người còn của'

Mạnh Cường
Mạnh Cường
28/09/2022 20:02 GMT+7

Trở về sau cuộc di tản tránh bão Noru, nhiều người dân ở tỉnh Quảng Nam đã bật khóc khi chứng kiến gia tài mà họ tích góp cả đời đi theo bão. Bởi, phía trước của họ là cuộc sống “màn trời chiếu đất”.

Sống cảnh “màn trời chiếu đất”

Lặng lẽ một mình thu dọn lại những quyển vở của con bị ướt nát vụn, chị Trần Thị Mỹ Lan (42 tuổi, ở thôn Phú Quý, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) buồn bã nói: “Mất trắng rồi, còn gì nữa đâu. Đi di tản về giờ nhà không còn mà ở nữa”.

Căn nhà của chị Trần Thị Mỹ Lan (42 tuổi, ở thôn Phú Quý, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) bị tốc mái hoàn toàn

mạnh cường

Chị Lan nhặt lại những quyển vở của con đã bị nước mưa thấm ướt

mạnh cường

Chiếc máy may là phương tiện mưu sinh của 3 mẹ con chị Lan

mạnh cường

Kính cửa phòng ngủ vỡ toang

mạnh cường

Theo chị Lan, trước khi chính quyền yêu cầu di tản đi tránh bão, chị đã nhờ người chằng chống nhà rồi nhưng không nghĩ hậu quả lại nặng nề như thế này.

Căn nhà của chị Trần Thị Mỹ Lan tốc mái hoàn toàn

mạnh cường

“Cơn bão số 9 năm 2020, gia đình tôi cũng được chính quyền yêu cầu di tản nhưng khi quay về nhà không bị sao cả. Tuy nhiên, với cơn bão này thì nó lại khác, nó đến thời gian ngắn nhưng để lại hậu quả nặng nề”, chị Lan nghẹn ngào nói.

Căn nhà của ba mẹ con chị Lan bị bão đánh tốc mái hoàn toàn, nhiều tài sản trong nhà bị hư hỏng hết.

“Ba mẹ con chỉ có căn nhà này che nắng, che mưa giờ bị bão đánh bay đi cả. Khi đi di tản về, chứng kiến căn nhà bị đánh bay tôi chỉ biết khóc. Bởi gia tài tích góp bao lâu nay giờ trắng tay rồi. Không biết, rồi đây 3 mẹ con lấy nhà đâu để ở”, chị Lan buồn bã nói.

Ngôi nhà của vợ chồng ông Hoàng bị tốc mái hoàn toàn

mạnh cường

Nhặt tấm bằng Tổ quốc ghi công bị vùi trong đống đổ nát, ông Lương Đình Hoàng (62 tuổi, ở thôn Quế Ngọc, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) dùng khăn lau thật kỹ rồi đặt gọn gàng lên bàn thờ.

“Cha tôi là liệt sĩ. Tấm chứng nhận này được tôi cất giữ rất cẩn thận nhưng hôm qua mưa bão đánh bay hoàn toàn mái tôn khiến giấy chứng nhận này bị ướt hết. Nhìn thấy cảnh này, đau lắm!”, ông Hoàng buông tiếng thở dài.

Vợ chồng ông Hoàng cũng như nhiều người dân khác, sau khi đi di tản tránh bão về thì nhà chỉ còn đống đổ nát.

“Bàng hoàng, đau xót là những cảm xúc mà hai vợ chồng tôi nhận được khi chứng kiến căn nhà cấp 4 của gia đình bị tàn phá nặng nề sau cuộc di tản đi tránh bão. Trận cuồng phong đã cướp đi tất cả những gì vợ chồng tôi tích góp mấy chục năm nay”, ông Hoàng nói.

“Mất hết rồi, trắng tay rồi!”

Gương mặt lộ rõ vẻ hốc hác sau đêm thức trắng “canh” bão, bà Đinh Thị Phương (58 tuổi, vợ ông Hoàng) vừa khóc, vừa lau dọn lại bộ bàn ghế. Thỉnh thoảng bà lại thốt lên: “Mất hết rồi, trắng tay rồi!”.

Bà Phương khóc nức nở khi căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn sau bão

mạnh cường

Bà Phương đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng nhưng nghe tin bão lớn đổ bộ hai vợ chồng đã xin xuất viện về nhà để dọn dẹp nhà cửa, tránh bão cho yên tâm.

“Khi đi di tản, cả đêm qua tôi không chợp mắt được một phút giây nào bởi cứ phập phồng lo cho nhà cửa. Sợ căn nhà không trụ nổi với sức tàn phá của thiên tai. Nào ngờ, nỗi lo nhà đổ sập chỉ trong suy nghĩ nhưng lại thành hiện thực khiến cả gia đình điêu đứng. Có cái nhà nhỏ cho con cái che nắng, che mưa cũng bị tàn phá”, bà Phương nói trong nước mắt.

“Trở về từ cuộc di tản, khi chứng kiến căn nhà bị hư hỏng nặng, vợ tôi chỉ biết đứng khóc. Lo sợ vợ đang bệnh nặng, sẽ ảnh hưởng tôi chỉ biết khuyên bà ấy rằng “còn người sẽ còn của”. Vợ chồng ta cố gắng làm lại”, ông Hoàng tiếp câu chuyện đang dang dở của vợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.