Miệt thị người nhận cơm từ thiện ngày giãn cách: Thẳng thắn hay bất chấp câu view?

Lê Nam
Lê Nam
13/07/2021 15:11 GMT+7

Trên mạng xã hội vài ngày qua, xuất hiện nhiều clip của một YouTuber có tên viết tắt là T.D với những nội dung về “bóc phốt” hay “lật mặt” những người nhận cơm từ thiện đang thu hút hàng triệu lượt xem trên nhiều nền tảng và gây tranh cãi dữ dội.

Trên mạng xã hội vài ngày qua, xuất hiện nhiều clip của một YouTuber có tên T.D (chủ kênh Youtube S.G.N.N) với các nội dung “Vạch mặt 2 kẻ gian lấy cơm từ thiện để giao dịch”, “Không phát cơm cho bụi đời, sơn móng tay”, "Tai đeo vàng chìa tay xin cơm miệng nói tiền từ thiện trên trời rớt xuống"… thu hút hàng triệu lượt xem trên nhiều nền tảng và gây tranh cãi dữ dội. Rất nhiều người đã tỏ ra phẫn nộ trước thái độ gay gắt, phân biệt, miệt thị người đến nhận cơm từ thiện của anh này.

Loạt clip gây tranh cãi dữ dội vài ngày qua

Ảnh chụp màn hình

Trong một bài phóng sự mới đây về chương trình “Cơm di động phát tận tay người gặp khó khăn ngày giãn cách”, phóng viên có đặt câu hỏi với anh Nguyễn Tuấn Khởi – người sáng lập ngân hàng thực phẩm Foodbank Việt Nam có bao giờ kiểm soát phần cơm phát cho mọi người hay không? Hoặc có lo sợ một người sẽ lấy 2-3 lần không? Anh Khởi cho biết: “Không bao giờ tính toán chuyện đó, bởi khi xin cơm thì họ đều là những người khó khăn, thậm chí đường cùng, thêm một phần cơm thì họ có thêm một bữa no bụng, chúng tôi cũng không thiệt hại hay thâm hụt gì cả. Một phần cơm không đáng là bao, nhiều người họ xin thêm 1-2 phần chúng tôi vẫn phát”.

Cơm di động phát tận tay người gặp khó khăn ngày giãn cách

Vậy cộng đồng YouTuber, chuyên gia truyền thông nói gì về câu chuyện này?
Youtuber, người trong cuộc nói gì?
Chủ một kênh YouTube (xin giấu tên) với hơn 800.000 người theo dõi hoàn toàn không đồng tình với cách làm của YouTuber T.D: “Mình có biết anh T.D và cũng góp ý cho anh T.D một số lần nhưng không thấy anh phản hồi gì nhiều. Những lần tụi mình đi phát cơm thì cũng thấy nhiều người ăn mặc lịch sự nhưng họ vẫn nhận cơm nhưng chưa bao giờ tụi em phản ứng về chuyện đó. Tụi mình chỉ phản ứng về chuyện không chịu xếp hàng thôi, và chỉ cần xếp hàng thì có thể lấy được hai ba lần, lấy lần 1 có thể quay sang lấy lần thứ 2 và ưu tiên cho những trường hợp lớn tuổi và bị khuyết tật.
Cách đây 2 tháng trước tụi mình chứng kiến một hình ảnh, một chú ăn mặc lịch sự, mặc đồ sơ vin đến nhận cơm, chú này có công ăn việc làm, thu nhập ổn định nhưng chú xếp hàng để đại diện cho cho một số người trong xóm lấy cơm dùm. Em có hỏi chú tại sao lại như vậy? Chú nói việc xếp hàng lấy cơm là để cho người nhận cơm họ thấy được sự trân trọng công sức của những người bỏ công bỏ sức nấu cơm"- chủ Kênh YouTube 800.000 lượt theo dõi cho biết.

Nhóm "Cơm di động" phát cơm cho một người bán vé số trên đường (Ảnh chụp trước ngày 9.7.2021)

Lê Nam

Anh Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học quốc gia Sinhgapore – NUS, một trong ba sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất của NUS; Người sáng lập học viện kỹ năng mềm Awake Your Powr, thông qua kênh YouTube Nguyễn Hữu Trí (với hơn 310 người đăng ký) cũng có nhận định rõ ràng.
Trước hết, anh Trí không phủ nhận công sức làm từ thiện của YouTube T.D vì đã thấy T.D tổ chức phát cơm, lương thực từ thiện cho cộng đồng từ lâu và khẳng định, để duy trì hoạt động từ thiện trong khoảng thời gian dài như vậy không phải đơn giản. Đồng thời, anh Trí cho rằng việc T.D có lời lẽ gay gắt với một số người đến nhận cơm có thể coi “biện pháp mạnh” để kiểm soát việc xếp hàng theo đúng quy định giãn cách trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, sau cùng, chủ kênh Youtube Nguyễn Hữu trí khẳng định, việc làm của T.D không phải là từ thiện đơn thuần, mà là một dạng làm content (nội dung) nhằm mục đích phát triển kênh YouTube.
“Những đoạn nói rất móc méo như lật mặt, lật tẩy, bóc trần… Đây là chiêu trò, kỹ thuật để làm truyền thông để tạo ra những clip có nhiều lượt xem”, anh Trí nói.

YouTuber Nguyễn Hữu Trí (với hơn 310.000 lượt đăng ký kênh) cho rằng đây không phải là từ thiện mà lợi dụng người yếu thế để câu view (lượt xem)

Ảnh chụp màn hình

Để dẫn chứng cụ thể, anh Trí diễn giải: “Khi vào xem kênh YouTube của T.D, những clip của anh này anh làm, anh viện cớ là nhận tiền thì phải quay clip lại để cho những mạnh thường quân biết là đã làm, để họ tin tưởng. Các bạn sẽ thấy, khi quay những clip nội dung bình thường để báo cáo lại một buổi như vậy thì lượt xem rất thấp. Ví dụ như “Cơm có thịt miễn phí chiều 18.6” chỉ có 11.000 lượt xem. Những clip quay lại mà không có gì giật gân trong đó thì lượt xem rất thấp. Còn những clip lượt xem cao nhất ở trên kênh này, ví dụ như “Tay đeo vàng chia tay xin cơm, miệng nói từ thiện” tới 4 triệu lượt xem.

Những clip có từ ngữ gay gắt, gây "sốc" có lượt xem gấp hàng chục lần so với clip tường thuật buổi từ thiện thông thường

Ảnh chụp màn hình

"Kỹ thuật ở đây là bạn phải cố tình bóc phốt và tạo câu chuyện giật gân trong câu chuyện của mình để hút lượt xem. Để làm được đó thì phải có những câu chuyện về lười biếng, đi xin cơm chuyên nghiệp, đi ra để đó quay lại lấy thêm, những người lợi dụng lòng tốt người khác để trục lợi. Nó sẽ đánh vào sự phẫn nộ, tức giận của khán giả, người xem. Khi đó, khơi gợi sự tò mò lớn, vì vậy những clip này kiếm được rất nhiều lượt xem”.
Trong một clip khác, T.D cũng dùng một thùng mì tôm để phát cho một người khó khăn nhưng nằng nặc đòi vào quay căn nhà chòi rách nát, cuộc sống khốn khổ bên trong, mặc dù 5 lần 7 lượt chủ nhà từ chối. “Đây không phải là từ thiện mà là lợi dụng hoàn cảnh của một người rất khó khăn, dùng danh nghĩa đi giúp người để đánh vào lòng thương, gây sự tò mò của khán giả và cuối cùng mục đích là có lượt xem”, anh Trí kết luận.
Chuyên gia truyền thông nói gì?
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (nhà sáng lập truyền thông Trăng Đen) chia sẻ với phóng viên Thanh Niên sáng 13.7: “Hành động của bạn YouTuber này với góc nhìn của một người bình thường thôi tôi cảm thấy vô cùng phẫn nộ và không thể nào chấp nhận được. Thật ra bây giờ trả lời phỏng vấn báo chí còn đỡ, chứ lúc ngồi coi clip ấy thì cảm xúc của mình là uất ức, nói chung là rất khó chịu”.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (nhà sáng lập truyền thông Trăng Đen) trao đổi với phóng viên Thanh Niên sáng 13.7

Lê Nam

Khi phóng viên đặt câu hỏi, nhiều ý kiến cho rằng hành động của Youtuber T.D là một dạng làm content (nội dung) nhằm mục đích câu kéo người xem, chuyên gia nhận định thế nào? Anh Long trả lời: “Tôi không biết mục đích của bạn đấy là như thế nào nhưng xét về góc độ truyền thông, khi mình làm chương trình từ thiện, bản thân tôi rất ủng hộ các hoạt động truyền thông với lý do chúng ta cần chương trình truyền thông để lan toả chương trình đấy, lan toả mục đích đấy hoặc thậm chí lan toả mảnh đời khó khăn đấy đến cho nhiều người khác cùng biết và cùng chung tay, cái điều đó rất đáng quý.
Cái thứ hai là dưới góc độ lan toả thông tin, dựa theo 16 concept (định hình nội dung) truyền thông bất biến thì rõ ràng có một yếu tố là cảm động và gây tranh cãi. Nếu như nhìn những clip của bạn này dưới góc độ truyền thông thì có tận 2 yếu tố, đó là cảm động và gây tranh cãi. Khi có càng nhiều concept truyền thông như vậy, nội dung đó càng hấp dẫn. Tuy nhiên cách mà bạn ấy đem người yếu thế ra để làm như vậy thì tôi hoàn toàn không đồng tình”.

"Đem người yếu thế để làm nội dung YouTube thì tôi hoàn toàn không đồng tình", chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nói

Ảnh chụp màn hình

“Việc tạo ra yếu tố “cảm động” và “gây tranh cãi” là cần thiết trong một chiến dịch truyền thông, tuy nhiên, có giới hạn nào về mặt đạo đức trong việc tạo ra những yếu tố ấy”, phóng viên hỏi tiếp? - “Nếu như xét về mặt đạo đức sẽ phụ thuộc vào quan niệm của từng người. Có nghĩa là mỗi người làm truyền thông sẽ phải tự vạch ra cho mình một lằn ranh về việc gì được làm và không được làm về mặt đạo đức".
Chuyên gia truyền thông Long giải thích thêm: “Rõ ràng vấn đề đạo đức ở trong truyền thông đó là câu chuyện của mỗi người, nó không có quy chuẩn. Tuy nhiên, nhìn câu chuyện này dưới góc độ nội dung truyền thông, bên cạnh đạo đức thì còn cái khủng hoảng nữa. Cho dù bạn ấy không quan tâm đến vấn đề đạo đức nhưng bạn ấy phải quan tâm câu chuyện đấy, concept đấy, những yếu tố gây thu hút đấy nó sẽ kéo bạn đi đến đâu trong cuộc gây tranh cãi này và nó có tạo ra khủng hoảng hay không. Nếu xét về kĩ thuật thì bạn ấy đã bị phạm vào chuyên môn rồi đấy!”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.