Minh bạch, bình đẳng tránh sai phạm tiêu cực tại PVN

Anh Vũ
Anh Vũ
16/06/2022 05:25 GMT+7

Thảo luận về dự thảo luật Dầu khí (sửa đổi) ngày 15.6, các đại biểu Quốc hội đề nghị luật cần phải quy định rạch ròi tính bình đẳng, sự minh bạch trong quyền, trách nhiệm của Tập đoàn dầu khí VN (PVN), tránh sai phạm, tiêu cực đã từng xảy ra tại tập đoàn này.

Đại biểu (ĐB) Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết PVN doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động trong lĩnh vực dầu khí có tính đặc thù cao. Trong nhiều năm qua, PVN đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển ngành dầu khí VN và nền kinh tế của đất nước rất đáng trân trọng và ghi nhận.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị bổ sung, sửa đổi quy định về hoạt động, quyền lợi và trách nhiệm của PVN

Gia Hân

Tuy nhiên, tập đoàn này cũng để lại nhiều tai tiếng về những sai phạm, tiêu cực, gây ra nhiều hệ lụy cho đất nước, phải mất nhiều năm, tiêu tốn nhiều tiền của và phải mất nhiều cán bộ để khắc phục. Vì vậy, theo ĐB Thắng, việc bổ sung, sửa đổi những quy định mới về tổ chức, hoạt động trong khuôn khổ hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho PVN tiếp tục phát triển; đồng thời, khắc phục hạn chế và kiểm soát chặt chẽ hoạt động, những hạn chế, sơ hở pháp luật là vô cùng cần thiết.

Vị ĐB đoàn Quảng Trị đề nghị luật sửa đổi theo hướng, trước hết, PVN một DNNN, nhất thiết phải hoạt động theo quy định pháp luật về DN, bảo đảm công bằng và bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Điều đó cũng sẽ tạo ra môi trường tốt cho PVN vươn lên trong thế cạnh tranh lành mạnh để đổi mới, sáng tạo và hiệu quả, không dựa dẫm, ỷ lại vào thế độc quyền.

Thứ hai, ở vị trí là một DN được nhà nước giao thực hiện một số nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ, PVN được hưởng những cơ chế đặc thù là phù hợp, là công bằng về nghĩa vụ và quyền lợi. Tuy nhiên, cả hai đặc điểm cơ bản này trong dự thảo luật chưa làm rõ, chưa tách bạch để thiết kế hành lang pháp lý cho phù hợp.

Về trách nhiệm, vai trò của PVN, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng lưu ý dự thảo luật quy định PVN xuất hiện với tư cách là một bên ký hợp đồng, nhưng cũng có lúc xuất hiện với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước. “Có thể hợp đồng anh không vi phạm nhưng cơ quan quản lý nhà nước có lỗi trong quá trình thực thi quản lý nhà nước của mình hay là chậm trễ trong việc phê duyệt cũng có thể bị quy trách nhiệm. Do đó, tôi đề nghị xác định vấn đề này cho rõ và dự liệu những hậu quả có thể xảy ra trong những vai trò của PVN”, ĐB Nghĩa đề nghị.

Không minh bạch dễ phát sinh tiêu cực

Tiếp tục thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho biết ngoài 5 điều được quy định tại chương 9, dự thảo luật còn dành 34 khoản trong 21 điều quy định về thẩm quyền của PVN. “Tôi thấy rất nhập nhèm, khó xác định trách nhiệm, không minh bạch, dễ phát sinh tiêu cực”, ĐB Thủy lo ngại và dẫn chứng, có lúc thì PVN đóng vai trò của nhà thầu, có lúc đóng vai trò của công ty mẹ, có lúc PVN lại gần như đóng vai trò quản lý nhà nước.

Đặc biệt, theo vị ĐB đoàn Bến Tre, tại các điều 39, 40, 43 quy định thẩm quyền phê duyệt các kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí của Bộ Công thương nhưng lại giao thẩm quyền điều chỉnh các kế hoạch này cho PVN trong trường hợp tổng mức đầu tư hoặc tổng chi phí sau điều chỉnh lần lượt nhỏ hơn 10% và 20%. Việc quy định như vậy, theo ĐB Thủy, dễ dẫn đến tiêu cực, câu kết với nhà thầu chia nhỏ đến mức đáp ứng tiêu chí ở cấp được ủy quyền phê duyệt nhằm vụ lợi, tránh sự kiểm soát của cấp có thẩm quyền. Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, phân định rạch ròi quyền và trách nhiệm tương ứng.

“PVN là DNNN thì có được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về dầu khí hay không? Nếu có, khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí thì PVN chịu sự điều chỉnh theo pháp luật nào, ai sẽ là người đại diện để thực hiện quyền trong trường hợp này?”, ĐB Thủy đặt vấn đề.

Theo ĐB Thủy, cần phải làm rõ PVN chịu trách nhiệm tới đâu trong trường hợp những nội dung do PVN thẩm định, phê duyệt hay tham mưu thẩm định, phê duyệt gây hậu quả thiệt hại về kinh tế cho nhà nước. Thứ ba, áp dụng quy định pháp luật nào để xây dựng dự thảo PVN được coi là không vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng vốn nhà nước khi tham gia cùng với DN có vốn góp của PVN mua lại quyền ưu tiên, mua lại quyền tham gia trong hợp đồng dầu khí.

Nhà phát hành sẽ tự phân loại phim phổ biến trên mạng

Chiều 15.6, Quốc hội (QH) đã thông qua luật Điện ảnh sửa đổi với đa số ĐB tán thành. Theo quy định của luật vừa được thông qua, các nhà phát hành sẽ tự phân loại phim (theo độ tuổi) với phim phổ biến trên không gian mạng. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày, dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định để kết hợp cả “tiền kiểm” và “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên mạng.

Theo đó, các biện pháp “tiền kiểm” bao gồm: quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng; quy định về tiêu chí phân loại phim, kiểm soát việc thực hiện tự phân loại phim, yêu cầu cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về danh sách phim, mức phân loại phim trước khi phổ biến. Biện pháp “hậu kiểm” bao gồm các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan, việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Ngoài ra, luật Điện ảnh sửa đổi vừa thông qua cũng quy định nhà sản xuất phim nước ngoài sử dụng bối cảnh VN phải cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại VN bằng tiếng Việt; đồng thời, tiếp tục quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Chiều cùng ngày, QH cũng đã thông qua luật Thi đua khen thưởng sửa đổi. Theo đó, luật vừa được QH thông qua chưa quy định việc tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho nhà văn, kiến trúc sư, nghệ sĩ nhiếp ảnh như nhiều ĐB đề nghị mà giao cho Chính phủ rà soát bổ sung.

Lê Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.