Minh bạch cả vòng đời dự án

Mai Vọng
Mai Vọng
03/11/2019 09:39 GMT+7

Trên thế giới , việc ứng dụng mô hình thông tin công trình BIM (Building Information Modeling) để quản lý minh bạch cả vòng đời dự án đã trở nên phổ biến, tuy nhiên ở nước ta vẫn còn hạn chế.

Quản lý dự án theo mô hình BIM - từ khảo sát, lập dự án, thiết kế, thi công, quản lý và khai thác trọn vòng đời công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng giao thông là nội dung hội thảo chuyên đề do Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, Hội Cảng - đường thủy - thềm lục địa Việt Nam và Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng-Kỹ thuật biển (Portcoast) tổ chức tại TP.HCM ngày 2.11.
Có thể hình dung BIM là một hệ thống được thiết lập với quy trình chặt chẽ từ việc xây dựng mô hình với nhiều chiều thông tin (3D, 4D, 5D…) thông qua các phần mềm chuyên dụng (Civil 3D, Revit, Naviswork…) cho đến việc sử dụng các mô hình này cho giai đoạn thiết kế (hồ sơ bản vẽ), thi công (quản lý khối lượng, lập biện pháp, an toàn lao động…) và quản lý công trình (bảo trì bảo dưỡng kết cấu bê tông cốt thép, các thiết bị cơ điện nước…), xuyên suốt vòng đời của công trình.
Những công việc này được thực hiện bởi máy quét laser 3D, thiết bị bay không người lái kết hợp với các phần mềm chuyên dụng đang được áp dụng rộng rãi tại các nước phát triển trên thế giới. Cùng với đó là việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), giúp chủ đầu tư, các kỹ sư và cả người dân có thể tiếp cân và tương tác với công trình một cách trực quan, sinh động.

Thiết bị bay không người lái Stormbee UAV S-20 khảo sát dự án cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Hà Nhân

Trên thế giới, mô hình BIM được áp dụng ngày càng phổ biến trong khi việc này còn hạn chế tại Việt Nam. Việc áp dụng BIM có thể giúp tiết kiệm ít nhất 30% về chi phí, tăng cường tính minh bạch từ khảo sát, lập dự án, thiết kế, thi công, quản lý và khai thác trọn vòng đời công trình hạ tầng kỹ thuật.
Theo Ông Trần Tấn Phúc, Chủ tịch HĐQT Portcoast, hơn 1 năm qua, Portcoast đã nghiên cứu đầu tư trong đó có thiết bị bay không người lái Stormbee UAV S-20 kết hợp với Faro Focus S350-A và ứng dụng thành công công nghệ laser scan vào các dự án. Chính vì vậy, Chính vì vậy, Portcoast đã kết hợp với Khoa Xây dựng của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM mở trung tâm Portcoast BIMLab nhằm nghiên cứu và ứng dụng BIM vào các công trình xây dựng tại Việt Nam và quốc tế. Hiện nay Portcoast BIMLab đang đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng trong 6 mảng chính là khảo sát, kiến trúc, xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, di sản và quản lý cơ sở vật chất.

Ứng dụng BIM giúp số hóa trong quản lý chất lượng xây dựng các công trình giao thông

Porcoast

 Nói về lợi ích của ứng dụng, ông Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch Hội Cảng - đường thủy - thềm lục địa Việt Nam, cho rằng đối với lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là trong quá trình thi công xây dựng các công trình ngầm, kết quả scan được xây dựng thành mô hình không gian 3 chiều tích hợp với kết quả quét sau khi công trình hoàn thành, ở dạng bản đồ số 3D cả khu vực, sẽ giúp các chủ dự án, các cơ quan dễ dàng quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu vực, đặc biệt trong quá trình duy tu, bảo dưỡng công trình.
Ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Trung ương Hội KHKT cầu đường Việt Nam, cho biết đây là mô hình rất quan trọng đối với các dự án mà các đơn vị thuộc Hội KHKT cầu đường Việt Nam, Hội Cảng - đường thủy - thềm lục địa Việt Nam rất muốn ứng dụng trong thời gian qua nhưng chưa có điều kiện để triển khai. Nay Portcoast đã đầu tư vào mô hình ứng dụng này là điều kiện thuận lợi để Bộ GTVT cũng như các cơ quan, đơn vị có thể ứng dụng mô hình BIM vào quản lý các dự án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.