Minh bạch trong đấu thầu điện ảnh

16/12/2013 03:05 GMT+7

Thông tư về đấu thầu điện ảnh để nhà nước đầu tư đang là vấn đề nóng của ngành điện ảnh cuối năm 2013 này.

 Minh bạch trong đấu thầu điện ảnh
Phim Sống cùng lịch sử (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) được cấp vốn ngân sách 22 tỉ đồng - Ảnh: Hoàng Tuấn

Công bằng cho các hãng phim

Khác với tiền lệ từ nhiều năm trước là phim có vốn ngân sách chỉ đặt hàng các hãng phim nhà nước thực hiện, thì nay các hãng (bất kể tư nhân hay nhà nước) sẽ phải gửi dự án tới tranh thầu.

Lợi ích từ việc đấu thầu điện ảnh được thấy rõ là nhằm hạn chế nhiều phim đặt hàng có chất lượng nghệ thuật không đạt, tránh tình trạng “phim làm ra, chiếu một lần rồi cất kho”. Các hãng phim cả nhà nước lẫn tư nhân đều có cơ hội tiếp cận nguồn vốn do nhà nước tài trợ, nếu họ trúng thầu.

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết lâu nay Cục vẫn muốn đầu tư phim truyện nhựa theo lối đặt hàng những tác phẩm lớn về đề tài chiến tranh, cách mạng. Nhiều người trong ngành thừa nhận đấu thầu điện ảnh là quyết định thông minh để tiến tới xóa bỏ một nền điện ảnh Việt bao cấp.

 

Chúng tôi không chấp nhận sự bất minh và sẽ lên tiếng ngay nếu thấy không sòng phẳng

Đạo diễn Trần Lực

Tuy nhiên, cũng có không ít băn khoăn xoay quanh vấn đề đấu thầu được các nhà làm phim quan tâm như: cơ chế giải ngân; thời gian giải ngân sau khi đã trúng thầu; ai kiểm soát vốn được rót; nếu kết quả phim nghiệm thu không đúng như khi chào thầu thì cơ chế xử lý ra sao; phim đấu thầu liệu có được yêu cầu phải thu hồi vốn hay đạt lợi nhuận từ phòng vé; phim đấu thầu sẽ khô cứng, mất tính hấp dẫn, không mang lại hiệu quả nghệ thuật hay không...  

Cơ chế đấu thầu phải cụ thể

Việc phim sử dụng ngân sách nhà nước bắt buộc phải đấu thầu, nếu không sẽ bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng (theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.1.2014) khiến nhiều hãng phim cả nhà nước lẫn tư nhân đều băn khoăn. Điều đáng nói, 2 tuần nữa là đến hạn mà Thông tư liên tịch hướng dẫn đấu thầu và đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

Nhiều người trong ngành điện ảnh nhất trí rằng để việc đấu thầu minh bạch, công khai, thì cơ chế đấu thầu phải cụ thể ngay từ khi đối tượng được đem ra đấu thầu. Đồng thời mọi việc từ tổ chức mời thầu, chấm thầu, duyệt, công bố kết quả, giám sát thực hiện, nghiệm thu... đều cần công khai, rõ ràng, xét duyệt và có sự phản hồi nhất quán, tránh cho việc biến quá trình đấu thầu chỉ là hình thức, phân chia nội bộ. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (Phó giám đốc hãng phim truyện Việt Nam) đưa ý kiến: “Sự minh bạch và trình độ của người thẩm định đấu thầu là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định tới thành công của dự án. Bởi vì, nếu không minh bạch, mọi chuyện sẽ trở về như cũ, tức là chỉ có các hãng phim nhà nước cạnh tranh với nhau”.

Đạo diễn Đào Bá Sơn (hãng phim Giải Phóng) thừa nhận: “Điều đầu tiên là bộ máy lãnh đạo trong hãng phim nhà nước phải có cách làm khác, để bắt kịp cung cách sản xuất điện ảnh thị trường ngày nay, đừng làm phim ra là xong, không cần biết ai sẽ xem. Hình thức đấu thầu là tốt, tạo ra sự sòng phẳng, công bằng trước tất cả những người làm nghệ thuật trong làng điện ảnh. Điều chúng tôi băn khoăn là sẽ đấu thầu như thế nào, chú trọng nghệ thuật hay tính cạnh tranh về chi phí?”.

Còn đạo diễn Trần Lực (Giám đốc hãng phim Đông A) thì nhận định: “Một dự án phải được xây dựng giống như bộ phim hoàn chỉnh, nhưng chỉ nằm trên giấy, sẽ được đấu thầu ra sao? Chúng tôi không chấp nhận sự bất minh và sẽ lên tiếng ngay nếu thấy không sòng phẳng”.

Cơ chế thực hiện

Đấu thầu trong điện ảnh hướng đến các bộ phim do nhà nước chỉ đạo, đầu tư sản xuất tập trung vào các mảng đề tài giàu tính nhân văn, phục vụ chính trị, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số, phim có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao...

Dự án đấu thầu được xây dựng gần như một bộ phim trên giấy, đầy đủ không chỉ kịch bản, nội dung mà còn có cả những yếu tố khác như kinh phí, nhân lực, kế hoạch làm phim… Đại diện của các hãng sẽ phải thuyết trình về dự án của mình để chứng minh đó là dự án tốt nhất. Hội đồng đấu thầu sẽ lựa chọn dự án nào phù hợp nhất, khả thi và có cách thức tổ chức sản xuất ổn nhất để rót vốn và hoàn toàn tôn trọng tính sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ.

Ngọc Bi 

>> Nhiều phim truyền hình “xem được”
>> Cười đủ kiểu với phim truyền hình
>> Xem phim truyền hình... trúng thưởng
>> Phim truyền hình đổi món
>> Hãng phim truyện VN kiến nghị về việc thu hồi nhà Thủy tạ
>> Phim truyền hình Việt đang chết
>> Phim truyền hình “lép vế”
>> Phim truyền hình Trung Quốc bị tố "đạo" phim Mỹ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.