Minh bạch với lớp học mở

Thúy Hằng
Thúy Hằng
23/11/2024 05:45 GMT+7

Giáo dục mầm non, tiểu học tại TP.HCM thời gian qua có nhiều đổi mới, sáng tạo, thích ứng với sự phát triển. Một trong số đó là mô hình trường học mở, lớp học mở.

PHỤ HUYNH TIN TƯỞNG, HỌC TRÒ THÍCH THÚ

Một buổi sáng tháng 11.2024, học trò lớp lá và các giáo viên (GV) Trường mầm non 19/5 Thành phố (Q.1, TP.HCM) cùng ra sân tập yoga dưới sự hướng dẫn của chị Thái Thị Kim Anh, một phụ huynh có con học tại trường.

Chị Kim Anh là huấn luyện viên yoga và đây là lần đầu tiên được vào trường của con mình hướng dẫn cho cô giáo và các em bé khác. "Một trong những điểm khiến tôi luôn cảm nhận được sự hạnh phúc trong trường học của con mình là sự chân thành của các thầy cô giáo, nhân viên nuôi dưỡng trẻ. Trường học mở, công khai, minh bạch tới phụ huynh từ bữa ăn bán trú, chương trình học tập cũng như luôn mời phụ huynh tới đồng hành cùng trường trong nhiều hoạt động như ngày hội dinh dưỡng, tiết học của con, ngày hội cha mẹ và các con cùng pha chế cà phê và bây giờ, tôi được dạy yoga cho các cô giáo và các bé", chị Kim Anh bày tỏ.

Minh bạch với lớp học mở- Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM trong tiết học tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

ẢNH: PHƯƠNG HÀ

Cũng trong một tiết học mở khác tại Trường mầm non 19/5 Thành phố, phụ huynh được vào học cùng con trong hoạt động "In hình lên chậu cây". Ông bà, cha mẹ cùng các bé tham gia các bước như chụp hình gia đình, in ảnh, "rửa ảnh", in hình lên chậu và cùng trồng một chậu cây. Bà Nguyễn Thị Trà My, giáo viên dạy toán đã nghỉ hưu, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức, TP.HCM), chia sẻ chỉ thông qua ánh mắt, cử chỉ, lời nói của thầy cô giáo với các bé ở một tiết học, bà cảm nhận được sự ấm áp, tin cậy của thầy cô và các trẻ. "Trường học mở, tiết học mở giúp giáo dục được minh bạch, phụ huynh thêm tin tưởng trường lớp. Gia đình và nhà trường có thêm sự gắn kết, từ đó, quyền lợi thuộc về chính người học", bà Trà My nói.

SÁNG TẠO ĐỂ THU HÚT CÁC EM

Trăn trở làm sao để mỗi bài giảng không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn truyền cảm hứng và xây dựng tình yêu học tập cho các học sinh (HS), để mỗi em được phát huy năng lực của bản thân là động lực của các GV tiểu học tại TP.HCM trong thời đại mới. Điều này buộc họ phải bước ra khỏi vùng an toàn, thay đổi cách giảng dạy truyền thống, tìm tòi các phương pháp mới, áp dụng công nghệ hiện đại hay lồng ghép hoạt động học tập trải nghiệm, giúp HS học qua thực hành và khám phá.

Tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, ngày 12 và 14.11 vừa qua, HS lớp 5 được học tiết lịch sử - địa lý tích hợp giáo dục địa phương tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Q.1). Trong không gian bảo tàng, HS được GV tổ chức nhiều hoạt động, như tìm hiểu cơ bản về nước Văn Lang, Âu Lạc, Vương quốc Phù Nam, Chămpa.

Cách làm của cô Nguyễn Thị Bích Duyên, GV Trường tiểu học Lê Văn Tám, Q.Tân Phú, TP.HCM - người vừa được Bộ GD-ĐT tuyên dương là Nhà giáo tiêu biểu năm 2024 - cũng là một ví dụ. Nhiều năm qua, cô Duyên tổ chức các hoạt động mở như mời cha mẹ HS đến tham dự, đồng giảng một tiết học; cùng phụ huynh đưa HS trải nghiệm các lớp học bên ngoài đời sống…

Minh bạch với lớp học mở- Ảnh 2.

Trẻ em, phụ huynh cùng tham gia tiết học mở tại Trường mầm non 19/5 Thành phố

ẢNH: THÚY HẰNG

Cô Duyên chia sẻ: "Mỗi năm học có 1 - 2 cha mẹ HS tham gia đồng giảng với tôi về các đề tài liên quan đến ngành nghề của họ, khoảng 10 - 20% cha mẹ HS tham gia giờ học mở tại lớp và khoảng 50 - 60% cha mẹ HS tham gia hoạt động trải nghiệm với HS bên ngoài lớp học. Qua các hoạt động mở, tôi nhận được những phản hồi tích cực từ cha mẹ HS, qua đó làm tăng thêm sự tín nhiệm của cha mẹ HS dành cho tôi. HS thì rất hào hứng khi tham gia các lớp học mở. Từ đây các em được bổ sung, được trải nghiệm những kỹ năng cần thiết trong thực tế bên cạnh kiến thức được học từ sách vở…".

Các tiết học mở cũng khiến chính phụ huynh HS tham gia cảm thấy bất ngờ. Tại Trường tiểu học Thuận Kiều, Q.12, để dạy học trò môn hoạt động trải nghiệm về chủ đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cô Ngô Thị Hoa tổ chức lớp học ở căn tin trường, để các em HS lớp 3/5 được cầm tận tay, quan sát tận mắt từng bịch bánh, chai sữa và thực hành cách phân biệt thực phẩm an toàn. Trong một tiết học khác, GV Trương Thị Thùy Dương, lớp 4/5, mở không gian lớp học ở sân bóng đá của trường, tuy nhiên, đây không phải là tiết giáo dục thể chất mà là tiết toán, bài học "Số lần lặp lại của một sự kiện". Việc ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược, thay đổi không gian lớp học khiến các phụ huynh HS tham gia tiết học cảm nhận được sự sáng tạo, tâm huyết với nghề của GV hiện nay.

"MỞ" LỚP HỌC, KHÔNG ĐÓN THÊM ÁP LỰC

Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, cho biết mô hình trường học mở, lớp học mở hiệu quả trước tiên với chính người học. Chẳng hạn như với tiết học lịch sử - địa lý ngoài bảo tàng, HS được đi thực tế, bước ra khỏi không gian lớp học truyền thống, nhìn tận mắt các hiện vật, được nghe thuyết minh trực tiếp từ những người có chuyên môn với giọng kể hay, thu hút. Đồng thời, HS được trao đổi, thảo luận về những gì đã tham quan, từ đó khiến các em có thêm hứng thú học tập và ghi nhận nhiều kiến thức ý nghĩa. Cô Hương cho rằng đổi mới, sáng tạo của mỗi GV là yêu cầu tất yếu trong công việc hằng ngày, điều này không làm phát sinh thêm áp lực cho thầy và trò.

"Khi GV yêu nghề, các thầy cô sẽ luôn tâm huyết, tìm tòi những phương pháp sáng tạo trong quá trình giảng dạy, để tiết dạy hiệu quả nhất với học trò và các em cũng được truyền tải niềm vui, cảm hứng từ mỗi tiết học", cô Hương chia sẻ.

Minh bạch với lớp học mở- Ảnh 3.

Mô hình "trường học mở", "lớp học mở" sẽ mang đến nhiều lợi ích cho học sinh, gia đình, trường học và xã hội

ảnh: thúy hằng

Chuyên gia Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo (IES), cũng cho rằng khi trường học được tăng cường các mô hình "trường học mở", "lớp học mở" sẽ mang đến nhiều lợi ích cho HS, gia đình, trường học và xã hội. Đầu tiên, trường học minh bạch, phụ huynh hiểu về chương trình giáo dục của nhà trường cũng như sự gắn kết giữa phụ huynh và nhà trường trở nên chặt chẽ hơn. Kế đó, HS có thêm hứng thú với kiến thức trong không gian lớp học mở, từ đó các em được phát triển kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, phát triển tư duy. Và tiếp theo, sự đổi mới sáng tạo của các GV cũng góp phần khơi dậy và truyền cảm hứng cho sức sáng tạo của học trò.

Và quan trọng, theo cô Quế Chi, đó là trường, lớp phải xây dựng được văn hóa học tập tích cực. "Việc đổi mới, sáng tạo chỉ thực sự hiệu quả khi được xây dựng trên nền tảng học tập tích cực. Đó là không chạy theo thành tích, khuyến khích tinh thần học tập thực chất, hiệu quả, hạnh phúc, tôn trọng sáng tạo của HS, GV", cô Quế Chi trao đổi.

Sở GD-ĐT khuyến khích phát triển "lớp học mở"

Trong văn bản hướng dẫn một số hoạt động đầu năm học mới 2024 - 2025, cho HS chuẩn bị vào năm học, Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị các trường tiểu học xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục; công khai chất lượng giáo dục đến từng cha mẹ HS, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình "lớp học mở", mời cha mẹ HS đến lớp cùng tham gia hoạt động học tập, vui chơi và sinh hoạt của HS tại lớp, tham dự các chuyên đề, các CLB, hoạt động giáo dục của nhà trường.

Sở cũng hướng dẫn nhiều nội dung quan trọng khác. Như hiệu trưởng chủ động sắp xếp kế hoạch nhà trường, xây dựng thời khóa biểu linh hoạt, phù hợp; xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số theo Công văn số 3899/QĐ-BGDĐT 30.7.2024 của Bộ GD-ĐT. Việc triển khai phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, trình độ phát triển nhận thức của HS tiểu học và điều kiện của nhà trường; không gây áp lực, quá tải cho HS, GV.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.