Cụ thể dự án Cát Linh - Hà Đông vẫn tiếp tục “nợ” ngày về đích thì 1 dự án đường sắt đô thị khác của Hà Nội là Nhổn - ga Hà Nội đang có nguy cơ trễ tiến độ vì tắc mặt bằng.
Cát Linh - Hà Đông “vò võ” chờ nhà thầu
Trao đổi với Thanh Niên ngày 26.4, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết tới thời điểm này, khoảng 100 kỹ sư, chuyên gia Trung Quốc của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông về nghỉ tết vẫn chưa thể sang VN làm việc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đây đang được xem là một trong những lý do lớn khiến tiến độ nghiệm thu tổng thể dự án tiếp tục bị trì hoãn, trước mắt là việc vận hành thử toàn tuyến trong 20 ngày bởi các chuyên gia của Công ty Metro Thẩm Quyến không thực hiện được.
Dự án Yên Viên - Ngọc Hồi 18 năm vẫn nằm trên giấyMột dự án đường sắt đô thị khác trên địa bàn Hà Nội là tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi cũng có tiến độ “siêu ì ạch”. Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng vào cuối năm 2002, tuyến metro số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi có tổng mức đầu tư 9.197 tỉ đồng, được phân kỳ thành 3 giai đoạn. Tuy nhiên, từ năm 2004 đến nay, dự án lại có thêm 3 lần phân chia lại phạm vi và phân kỳ đầu tư. Hiện tại, tuyến metro số 1 gồm các dự án thành phần: giai đoạn 1 điều chỉnh; giai đoạn 2 A điều chỉnh và giai đoạn 2 B. Tổng mức đầu tư các dự án toàn tuyến metro số 1 đã lên tới khoảng 81.537 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay sau 18 năm, dự án vẫn chưa được chính thức khởi công.
|
Theo một cán bộ lãnh đạo của Bộ GTVT, 1% còn lại trải trên tất cả hạng mục trọng yếu, khiến dự án chưa thể “gút” lại. Trong đó, đề cương đánh giá an toàn hệ thống dù được tổng thầu bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thiện. Các vấn đề khác như hệ thống tín hiệu, hệ thống thu soát vé tự động đã được các đơn vị tư vấn đánh giá an toàn hệ thống chỉ ra, nhưng tổng thầu chậm khắc phục, nên không có cơ sở và bằng chứng xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống, dẫn tới chưa đủ điều kiện để cấp Chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định. Thiếu chứng nhận này, Cát Linh - Hà Đông chưa thể nghiệm thu tổng thể và chưa thể vận hành thương mại được. Đáng nói, dưới sức ép nhiều lần và từ nhiều phía, tổng thầu cũng đã đưa ra các lời hứa, nhưng vẫn không cam kết mốc thời gian hoàn thành các tồn tại nêu trên.
Một tín hiệu khá lạc quan với Cát Linh - Hà Đông là tại cuộc làm việc đầu tháng 4, Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã thống nhất thành lập tổ công tác xây dựng kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ cuối của dự án. Đặc biệt, công tác đánh giá an toàn, chạy thử đoàn tàu, nghiệm thu và bàn giao được thống nhất thực hiện nghiệm thu có điều kiện với các nội dung còn tồn tại, không ảnh hưởng tới chất lượng công trình và an toàn chạy tàu. Dù vậy, mốc tiến độ chính thức để Cát Linh - Hà Đông chạy thương mại và bàn giao cho UBND TP.Hà Nội vẫn chưa được khẳng định.
Đáng nói, dù chưa vận hành, dự án đã bắt đầu phải trả nợ vay từ các hiệp định (đã trả 398 tỉ đồng nợ gốc trong năm 2019). Chưa kể, dù đã đưa hàng trăm nhân sự, trong đó có lái tàu ra nước ngoài đào tạo, song chưa vận hành nên từ năm 2016 - 2019 đã có gần 300 người bỏ việc, khiến TP.Hà Nội đang phải tiếp tục tuyển dụng.
Tuyến Nhổn - ga Hà Nội tắc mặt bằng
Dự án Nhổn - ga Hà Nội (do UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư) gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đoạn tuyến trên cao dài 8 km dự kiến đưa vào khai thác trước tháng 4.2021. Tiến độ các nhà ga trên cao tới thời điểm này đã đạt trên 70%, nhưng đang có nguy cơ tắc lại do vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các nhà ga S4, 5, 7, 8.
Theo nhà thầu dự án Posco E&C, riêng đoạn tuyến trên cao có tới 55 nhà dân, 1 trụ sở cơ quan và 1 tòa chung cư đang chồng lấn với chỉ giới. Một trong những điểm vướng lớn nhất là nhà ga S4 với địa giới thuộc cả hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, song cả hai phía nhà dân đều xây đưa ra vướng chỉ giới mặt bằng của dự án. Tại vị trí thang ES 3, 4 ga S4 (Q.Nam Từ Liêm), nhà thầu đã dựng rào từ ngày 10.3, nhưng phải dừng thi công do vướng khoảng 20 nhà dân, cửa hàng đang lấn vào chỉ giới đường đỏ và vật cản chưa di dời được. Cũng tại ga S4 này, vị trí thang ES 1, 2 (Q.Bắc Từ Liêm) cũng đang vướng khoảng 19 nhà dân, cửa hàng chồng lấn vào phạm vi của dự án… Tại vị trí ES 3, 4, nhà ga S7 (Q.Cầu Giấy) không thể thi công vì biên GPMB tồn tại ít nhất 16 nhà, cửa hàng chồng lấn, nếu thi công sẽ bị bịt kín cửa ra vào.
Đáng chú ý, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có tiến độ “bê bết” không kém tuyến Cát Linh - Hà Đông: khởi công từ tháng 9.2010, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 9.2017 nhưng đình trệ nhiều năm và phải điều chỉnh tiến độ đến tháng 4.2021 với 8,5 km trên cao và tới 2022 với đoạn ngầm 4 km.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết đang cùng các quận cố gắng đẩy nhanh bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, trên thực tế, việc dự án kéo dài quá lâu và thiếu quản lý chặt chẽ, đã khiến người dân xây nhà lấn lên chỉ giới đỏ.
Nhà thầu cho biết đã đề xuất với chủ đầu tư và UBND TP.Hà Nội giải quyết mặt bằng rất lâu nhưng vẫn chưa tiến triển. Nếu không GPMB kịp thời điểm này, sẽ không thể kịp tiến độ đề ra là hoàn thành tất cả hệ thống thang nối vào nhà ga vào cuối năm 2020, cũng như khó hoàn thành các nhà ga trên cao, khai thác toàn tuyến trên cao vào tháng 4 năm sau.
Đáng chú ý, dự án này cũng có gần 20 chuyên gia tư vấn, quản lý an toàn... từ Pháp, Ý, Hàn Quốc... chưa thể sang VN do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Trần Cao Minh, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), cho biết việc thiếu hụt chuyên gia sẽ ảnh hưởng tới tiến độ của các gói thầu và ảnh hưởng chung đến toàn dự án, do các công việc chuyên gia đảm nhận không thể thực hiện được và chưa có người thay thế. Hiện, một số chuyên gia từ Hàn Quốc đang làm thủ tục sang sau khi dịch bệnh được kiểm soát cơ bản tốt tại nước này, nhưng các chuyên gia từ Pháp, Ý thì vẫn chưa thể sang lại VN.
Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến tiến độ nhập thiết bị dự án từ châu Âu do một số nhà máy sản xuất linh kiện, vật tư phục vụ tuyến metro cũng phải dừng theo yêu cầu của nước sở tại.
Bình luận (0)