Mỏ cát này từng bị Báo Thanh Niên 2 lần phản ánh nhưng hiện nay quy mô hoạt động lớn, tính chất vi phạm ngày càng tinh vi hơn.
Vi phạm ngày càng táo tợn
Ngày 26.6, PV Thanh Niên quay trở lại thôn Tân Hòa, xã Sông Bình, H.Bắc Bình (Bình Thuận) để ghi nhận mỏ cát trái phép của Công ty Danh My do ông Hồ Công Tồn (ngụ TT.Lương Sơn, H.Bắc Bình) làm chủ. Khác với thời điểm mà PV phản ánh vào tháng 8.2018, hiện mỏ cát này được chủ đất xây hàng rào bằng gạch kiên cố, cao tới 2,5 m, rộng khoảng 7 ha. Con đường dẫn vào mỏ cát nằm giữa cánh đồng, rất khó lọt vào bên trong. Ngoài ra, chủ đất còn cho xây hẳn con kênh nhỏ bằng xi măng dẫn nước từ tuyến kênh thủy lợi vào khu bên trong để phục vụ khai thác cát.
tin liên quan
‘Cát tặc’ vẫn vươn vòi, vì sao lực lượng chức năng ‘lưỡng lự’?Khoảng 9 giờ cùng ngày, PV tiếp cận mỏ cát lậu này thì phát hiện 2 xe ben loại 15 tấn đang vào lấy cát, bên trong có 2 - 3 xe khác đang nằm chờ. Khi phát hiện có người lạ ghi hình, khoảng 5 phút sau cánh cổng duy nhất vào mỏ cát được đóng chặt lại. Bên trong, tiếng máy nổ của máy hút cát, xe cuốc bỗng im bặt.
Ngày hôm sau, được sự hỗ trợ của một người dân địa phương, PV tiếp cận được khu vực khai thác cát bên trong. Mỏ cát này đã được khai thác gần hết lượng khoáng sản bề mặt. Sau khi khai thác xong, khu vực này được trồng xoài dày đặc. Phía bên kia hồ nước vẫn còn một xe cuốc đang múc cát.
Theo người dẫn đường, lượng cát hiện nay đưa ra khỏi mỏ ít hơn rất nhiều so với vài tháng trước. Tuy nhiên, với bề mặt được đào sâu khoảng 1,5 m, rộng hơn 5 ha đã khai thác thì khối lượng cát đã được chủ mỏ này chở đi bán rất lớn.
Địa phương nói gì?
Ông Lê Trường Long, Chủ tịch UBND xã Sông Bình, cho biết khu vực mỏ cát lậu của ông Hồ Công Tồn rộng hơn 7 ha đất nông nghiệp. “UBND xã đã nhiều lần lập biên bản hành vi khai thác khoáng sản trái phép và nhiều lần báo cáo UBND huyện, nhưng ông Tồn vẫn không dừng”, ông Long nói.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Thanh Niên: “Vì sao chính quyền huyện lại để cho ông Tồn khai thác cát trong thời gian dài mà không có biện pháp ngăn chặn?”, ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND H.Bắc Bình, nói trong 3 năm qua, huyện đã xử phạt hành chính hành vi khai thác khoáng sản trái phép đối với ông Tồn 8 lần nhưng ông này vẫn ngang nhiên khai thác.
|
“Bản thân tôi có 3 lần đối thoại trực tiếp với ông Tồn, nhưng ông này vẫn ngoan cố, giống như ông ta thách thức chính quyền vậy. Rất bức xúc”, Chủ tịch UBND H.Bắc Bình nói. Cũng theo ông Lê Văn Long, việc khai thác cát trái phép của ông Tồn đã được huyện báo lên Sở TN-MT Bình Thuận. Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng ít nhất một lần bắt quả tang việc khai thác cát và xử phạt ông này.
“Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp về vụ việc này, đồng thời chỉ đạo UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra tiến hành đo vẽ lại hiện trạng khu đất để đánh giá trữ lượng cát đã lấy đi. Đồng thời chỉ đạo xem xét để thu hồi lại sổ đỏ diện tích đất này vì đã sử dụng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật”, ông Lê Văn Long nói thêm.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi: “Vì sao Sở TN-MT không có biện pháp ngăn chặn?”, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận, cho biết Sở đã từng kiểm tra và xử phạt nhưng ông Tồn không chấm dứt việc khai thác trái phép. “Mới đây chúng tôi lại nhận phản ánh từ huyện, nhưng phải có kế hoạch mới đi kiểm tra và xử lý được”, ông Lâm nói.
Công an tỉnh... đang làm!Chiều 27.6, trao đổi với PV Thanh Niên về vụ việc khai thác cát trái phép của ông Hồ Công Tồn, đại tá Trần Văn Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, nói: “Công an tỉnh đang làm và làm quyết liệt để ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; không có vùng cấm nào; tất cả phải theo quy định của nhà nước”. Đại tá Trần Văn Toản đề nghị PV có thông tin cụ thể về hoạt động khai thác trái phép, địa chỉ cụ thể, liên quan đến ai thì chuyển cho công an tỉnh để cơ quan này kiểm tra xem xét vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
|
Bình luận (0)