Nhất Linh lo báo ế
Hồi ký Vào làng cầm bút của Toan Ánh có ghi Phong hóa ban đầu do Phạm Hữu Ninh làm chủ. Ngay trang cuối số 1, ngày 16.6.1932 ghi “Ngân phiếu và thư tín xin gửi cho M. Phạm Hữu Ninh Quản lý Phong hóa tuần báo”. Số 1 đăng “Mấy lời kính cáo quốc dân” có đoạn nêu tôn chỉ báo: “bỏ điều giở [dở], vạch điều hay của lễ nghi phong tục để cùng Quốc Dân tấn thủ thi hành”.
Nhật Thịnh trong hồi ký Chân dung Nhất Linh cho biết báo ông Ninh thiếu người cộng tác nên chỉ ra được 13 số thì đình bản. Trong 13 số báo đã “lên án những lối sống thác loạn của thanh niên, bị đầu độc bởi thứ văn thơ lãng mạn, ướt át nước mắt, loại “Tố Tâm” của Song An, “Giọt Lệ Thu” của Tương Phố, “Linh Phượng” của Đông Hồ, làm họ chán nản với thực tại sự sống”.
Từ số 14, ngày 22.9.1932, tên Nhất Linh Nguyễn Tường Tam xuất hiện với vị trí giám đốc, Phạm Hữu Ninh là quản lý.
Sau vài lần chuyển, tòa soạn báo ổn định ở 80 Quan Thánh, Hà Nội, nơi đặt Nhà in Ngày Nay và NXB Đời Nay. Báo chuyển sang phát hành vào thứ sáu thay vì thứ năm như trước. Bà Nguyễn Thị Thế, thành viên nữ duy nhất trong 7 anh em Nguyễn Tường, kể trong Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường rằng lúc mới nhận báo, cộng tác viên ít, bài vở thiếu, Nhất Linh lo báo ế nên phải bao sân viết bài. Việc phát hành ông dự tính là nếu báo ế, cả nhà phải trực tiếp cầm báo đi rao bán cho hết. Còn người mẹ anh em nhà Nguyễn Tường thì bảo việc ấy không khó gì, báo có ế thì dùng… gói cau.
Nói về việc Nhất Linh làm báo Phong hóa, sách Phong hóa và Thơ mới (1934) có lời khen: “Ông thay đổi tờ báo cả tinh thần, lẫn hình thức: Bài vở xếp đặt một cách mỹ thuật, tôn chỉ tờ báo là tôn chỉ của anh nó, là tờ Duy Tân, lấy cười cợt mà xửa [sửa] đổi Phong Hóa”. Còn Lịch trình tiến hóa sách báo quốc ngữ (1942) định rõ chất riêng của báo là “chỉ trích những phong tục đồi bại và chế độ cổ hủ [...] lấy giọng cười cợt ra làm vui lòng quốc dân”.
|
Dấu ấn văn chương và trào phúng
Toan Ánh nhớ báo có mục “Những hạt đậu dọn” “dành để sửa văn, hay đúng hơn là vạch những lỗi hành văn, về văn phạm, về từ ngữ của những báo khác”. Và báo Loa, Tiểu thuyết tuần san bị chỉ trích kịch liệt từ nội dung đến lối hành văn. Xem các số Phong hóa, không chỉ hai báo kia bị cà khịa, mà Sao Mai, Đông Pháp, Bạn trẻ, Ngọ báo… cũng bị điểm tên.
Việc làm này mặt tích cực là khiến những đồng nghiệp chỉn chu hơn trong viết lách, nhưng có những sự chỉ trích bị cho là quá đáng. Lấy mục “Những hạt đậu dọn” Phong hóa số 99, ngày 25.5.1934 với tin “Một tiếng lạ” làm chứng, tin này chê cách dùng chữ của Nguyễn Công Hoan trong truyện Lệ Dung: “Trong truyện “Lệ Dung” của Nguyễn Công Hoan (N.T. ngày 16.5): “... Cách ăn mặc, trang điểm không nhôi nhai như trước...” Xin ông N.C.Hoan cắt nghĩa dùm [giùm] cho “nhôi nhai” là gì? Hay cái nghĩa chính của hai chữ ấy lại không có nghĩa lý gì hết”.
Bị chê, các báo quay lại đả kích Phong hóa, như Bắc Kỳ thể thao số 121, ngày 4.4.1933 phê phán cho rằng mục “Những hạt đậu dọn” để chuyên vạch cái dốt của đồng nghiệp, nhưng thiếu ý nhị, “bất nhã” bởi nêu rõ tên bài, tên báo, tên tác giả. Bài phê bình này Trúc Đỳnh, Chủ bút Bắc Kỳ thể thao đả thẳng Nhất Linh chứ không kiêng dè gì, và thượng ngay bài ở trang nhất cho… dễ nhìn. Sau đó, tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại, hai báo cãi nhau vài kỳ rồi mới dừng.
Lấy sự trào phúng, châm biếm làm món hoạt kệ, nên Phong hóa có lúc nhận sự phản hồi tiêu cực của văn thi sĩ bị báo phê bình. Xuân Thiện in hẳn cuốn Báo “Phong hóa”, tụi cò quay! viết thơ chỉ trích Phong hóa có đoạn: “Mẹ hát khen hay”, lòe độc giả,/Tôn mình riễu [giễu] bạn để dương [giương] vây!/Hết mò gái đĩ “đêm Hà Nội”,/Lại tới sông Hương khét mặt giầy [dày]!/Lý Toét hết trò sang Xã Xệ,/Khác nào tựa thể lũ “cò quay”!!?”.
Báo đã làm cuộc cách mạng về tranh trào phúng khi phần tranh của báo với hình ảnh của Lý Toét, Xã Xệ thường là phê phán phong tục hủ lậu, hoặc các văn thi sĩ, hoặc các ông nghị mà báo điểm thẳng tên. Tuy nhiên, cũng chính vì cái cười đả kích này, báo bị đình bản 3 tháng khi châm biếm các quan Phạm Quỳnh, Hoàng Trọng Phu, Vi Văn Định… trong loạt bài Đi xem mũ cánh chuồn của Tứ Ly (Hoàng Đạo) từ số 139, 8.3.1935 - số 150, 24.5.1935.
Là cơ quan ngôn luận của Tự Lực văn đoàn, Phong hóa làm bệ đỡ cho nhiều tác phẩm nổi tiếng của các thành viên trong nhóm. Hồn bướm mơ tiên, Tiêu Sơn tráng sĩ (Khái Hưng), Nắng thu, Sống (Nhất Linh), thơ Thế Lữ, Tú Mỡ… đều đăng trên báo này. Nguyễn Lương Ngọc trong hồi ký Nhớ bạn còn nhớ Khái Hưng gây thắc mắc trong giới văn nghệ dạo ấy khi Hồn bướm mơ tiên cứ mở đầu chương thì hoặc là “Sáng hôm sau”, hoặc là “Sáng hôm ấy”.
Bình luận (0)