Đây là lần đầu tiên, trong một thông tư của Bộ GD-ĐT quy tụ các quy định có tính chuẩn mực với một chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH ở tất cả các mặt.
Quy định cụ thể về chuẩn đầu ra
Theo thông tư, Bộ GD-ĐT yêu cầu các chương trình đào tạo phải xác định được chuẩn đầu ra rõ ràng và thiết thực, thể hiện kết quả học tập mà người tốt nghiệp cần đạt được. Phải đo lường, đánh giá được theo các cấp độ tư duy, làm căn cứ thiết kế, thực hiện và cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và cấp văn bằng cho người học. Chuẩn đầu ra còn phải bảo đảm tính liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ đào tạo cao hơn (nếu có), đồng thời tạo cơ hội liên thông ngang giữa các chương trình cùng trình độ đào tạo, nhất là giữa các chương trình thuộc cùng nhóm ngành, lĩnh vực…
Về khối lượng học tập, chuẩn đặt ra yêu cầu tương đương quy định hiện hành, vẫn yêu cầu 120 tín chỉ với ĐH, 60 tín chỉ với thạc sĩ, 90 tín chỉ (hoặc 120 tín chỉ cho diện đầu vào tốt nghiệp ĐH) với tiến sĩ.
Với chương trình đào tạo thạc sĩ, Bộ GD-ĐT đưa ra quy định chi tiết tương ứng với chương trình định hướng nghiên cứu hay ứng dụng. Với chương trình đào tạo tiến sĩ, tối thiểu 80% nghiên cứu khoa học và luận án.
Chuẩn về đội ngũ giảng viên
Bộ GD-ĐT đưa ra các quy định chung tương ứng với từng trình độ đào tạo. Đặc biệt, lần đầu tiên, Thông tư 17/2021 đặt ra chuẩn về đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ với chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH.
Theo đó, một chương trình ĐH hoặc chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 phải có ít nhất 1 tiến sĩ (TS) ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo; có ít nhất 5 TS có chuyên môn phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì giảng dạy chương trình. Theo quy định hiện hành về mở ngành đào tạo, các ngành nói chung được mở khi có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có ít nhất 1 TS và 4 thạc sĩ, hoặc 2 TS và 2 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.
Với đào tạo thạc sĩ, một chương trình phải có ít nhất 5 TS ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, trong đó có một GS hoặc PGS chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.
Với đào tạo TS, giảng viên phải có chức danh GS hoặc PGS; hoặc có trình độ TS với năng lực nghiên cứu tốt. Một chương trình có ít nhất 1 GS (hoặc 2 PGS) ngành phù hợp và 3 TS ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), với cách tiếp cận quản lý chất lượng đầu ra, Thông tư 17/2021 được xem như một công cụ quản lý để nâng cao chất lượng đào tạo. Các quy định của thông tư đã cập nhật những kinh nghiệm tốt về quản lý chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiệm cận với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bình luận (0)