Mồ côi mẹ, cha mất vì Covid-19, nam sinh làm thêm đến khuya kiếm tiền đi học

09/10/2022 13:48 GMT+7

Mẹ mất sớm do bạo bệnh, cha đột ngột qua đời vì dịch Covid-19 , sau giờ tan trường, Lưu Vĩ Phong (18 tuổi) đi làm thêm đến tận khuya để kiếm tiền đi học.

Nỗi đau dai dẳng

Lưu Vĩ Phong hiện là sinh viên năm nhất Trường CĐ FPT Cần Thơ. Vì hoàn cảnh khó khăn, Phong chỉ chọn những gì ít tốn kém nhất, thậm chí chịu thiệt thòi cũng không sao. Như mới đây, Phong vỡ òa khi hay tin đậu ngành luật tại một trường ĐH, nhưng em đành ngậm ngùi gạt bỏ sang một bên để đi học cao đẳng ngành công nghệ thông tin. “Nếu chăm chỉ, học khoảng 2 năm là có thể tốt nghiệp CĐ. Em đâu đủ điều kiện để học ĐH, đóng học phí nhiều, em không lo nổi”, Phong tiếc nuối.

Mẹ mất sớm, cha qua đời vì dịch Covid-19, Phong cố gắng tự bươn chải để thực hiện ước mơ làm sinh viên

THANH DUY

Hiện, Phong sống cùng ngoại là bà Nguyễn Thị Lan (75 tuổi) cùng em gái Lưu Nguyệt Linh (17 tuổi) và một người em họ trong căn phòng trọ cho thuê tại KV6, P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.

Bà Lan kể, khi Phong chưa biết gì, mẹ em bị xuất huyết não rồi mất tại bệnh viện. Từ đó cha Phong lận đận cảnh gà trống nuôi con. Cuộc sống ở quê kham khổ nên cả nhà quyết định lên TP.HCM mưu sinh. Có lần, công việc quá trắc trở, cha Phong đi Bình Dương làm công nhân, bà Lan cùng 2 cháu về TP.Cần Thơ thuê trọ sống qua ngày. Nơi xa, cha Phong thường gọi video về thăm hỏi, động viên bà Lan cố gắng chăm sóc con cái thay mình.

Dịch Covid-19 bùng phát và điều không may mắn đã đến với gia đình. Ngày 2.10.2021, bà Lan hay cha Phong nhiễm Covid-19 nặng, đến ngày 9.10.2021 thì nhận được hung tin. “Nghe tin con rể mất, tôi sốc nặng đến hụt hẫng. Thương nhất là cha của Phong, lam lũ mưu sinh xứ người bao nhiêu năm, ngày mất chỉ có một thân một mình. Rồi nghĩ đến cảnh mồ côi của hai đứa cháu, thiệt tôi không cầm được nước mắt. Người ta nói mất mẹ còn cha, giờ cha cũng không còn nữa thì các cháu biết nương tựa vào ai”, bà Lan bồi hồi.

Ngoài đan mền tổ ong, bà Lan còn trông trẻ thuê cho hàng xóm

THANH DUY

Phong cho biết, cha em bị nhiễm Covid-19 khi đang làm bảo vệ tại một siêu thị ở TP.HCM. Hiện, di hài vẫn còn để trên đó, thỉnh thoảnh có người cậu đến thắp hương. Vì hoàn cảnh khó khăn, từ ngày cha mất đến nay, Phong mới có điều kiện lên thăm 1 lần. Đó là thời điểm Phong hay tin mình trúng tuyển ĐH, CĐ.

Điều ước của người bà 75 tuổi dành cho cháu

Lúc cha mất, Phong không có điện thoại học trực tuyến, không tiền mua tập sách. Nếu không có sự giúp đỡ của các thầy cô cùng các nhà hảo tâm thì ước mơ đến trường của em hẳn đã dở dang. Theo bà Lan, vì thương cha, suốt 3 năm THPT, sau giờ tan trường, Phong đi phụ các thợ sửa điện kiếm tiền, những tháng hè là theo làm xuyên suốt. Hôm nào phụ ít thì được vài chục ngàn, làm cả ngày được trả công gần 200.000 đồng.

Tuổi già, bà Lan vẫn cố gắng kiếm thu nhập giúp con cháu học hành

THANH DUY

Bằng sự cố gắng của mình, Phong đã phấn đấu thi đậu ngành công nghệ thông tin bậc cao đẳng. Em vừa mới đóng tiền nhập học hơn 8,5 triệu đồng. Phong cho biết, em gái được nhà hảo tâm tặng số tiết kiệm và tiền hỗ trợ hàng tháng tới 18 tuổi. Phong đã mượn tạm tiền của em để đóng học phí, phải cố gắng làm thêm để trả lại dần (nhà hảo tâm đã đồng ý - PV).

Hơn 1 tháng nay, các buổi tối không có giờ học, Phong đều đi phục vụ quán nước. Thời gian làm việc từ 17 giờ đến gần 23 giờ em mới về tới nhà trọ. Mỗi giờ, Phong nhận được 14.000 đồng tiền công, cả buổi cũng được khoảng 90.000 đồng. Tiền này em dành dụm để tiền ăn uống khi ở lại trường và mua tài liệu học tập.

Thấy cháu nỗ lực, bà Lan dù tuổi cao vẫn cố gắng nhận đan mền tổ ong, giữ trẻ để kiếm thêm thu nhập. Mỗi tháng giữ trẻ bà được trả 1,5 triệu đồng; tiền công cho 1 tấm mền trên dưới 1 triệu đồng (2 - 3 tháng mới làm xong 1 tấm mền - PV). Số tiền này, bà Lan trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, mua thuốc men và cho các cháu đi học. Chia sẻ điều mong mỏi nhất của mình, bà Lan bộc bạch: “Chỉ mong các cháu có điều kiện được học hành đến nơi đến chốn, tôi còn sức khỏe để làm chỗ dựa thay phần cha mẹ chúng chứ không mơ ước gì hơn”.

Mỗi buổi tối, Phong đi phục vụ quán nước đến 23 giờ để kiếm tiền trang trải việc học

THANH DUY

Anh Lại Phước Trường Thành, Bí thư Đoàn phường Cái Khế (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), cho biết vì ở trọ thuê, gia đình Phong chưa được xét vào diện hộ nghèo hay cận nghèo. Song, hoàn cảnh của Phong nằm trong diện ưu tiên nên được chính quyền thường xuyên giúp đỡ. Phong hiền hậu, lễ phép và có nghị lực học tập rất đáng khen. Hiện, Phong như là trụ cột gia đình, vừa học vừa làm thêm nên chặng đường đi học của em sẽ còn nhiều khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.