Chuyển nhượng có khai báo
Các quy định về bảo vật quốc gia nằm tại điều 70 Quản lý, bảo vệ bảo vật quốc gia trong dự thảo luật Di sản văn hóa sửa đổi (hiện đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan). Theo đó: "Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu cá nhân, dòng họ và các hình thức sở hữu khác được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước theo quy định của pháp luật".
Cũng theo quy định tại dự thảo này, khi chuyển quyền sở hữu bảo vật quốc gia, tổ chức, cá nhân sở hữu bảo vật quốc gia phải thông báo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch về chủ sở hữu mới. Dự thảo cũng quy định nhà nước dành ngân sách thích đáng để mua bảo vật quốc gia.
Trong khi đó, theo quy định của luật Di sản văn hóa trước đây, quy phạm về bảo vật quốc gia nằm tại điều 42 có đoạn: "Khi thay đổi chủ sở hữu bảo vật quốc gia ở trong nước thì chủ sở hữu cũ phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin nơi đăng ký bảo vật quốc gia về họ, tên và địa chỉ của chủ sở hữu mới của bảo vật quốc gia đó trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thay đổi chủ sở hữu".
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho rằng có thể thấy tại dự thảo luật Di sản văn hóa sửa đổi việc mua bán bảo vật quốc gia thuộc sở hữu cá nhân, dòng họ và các hình thức sở hữu khác được thừa nhận rõ ràng hơn. Điều này phù hợp với thực tế là chúng ta đang có ngày một nhiều bảo vật quốc gia thuộc sở hữu phi nhà nước. Điều này khác với việc: "Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội phải được quản lý trong các bảo tàng, di tích và các cơ quan nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thích hợp, không được mua bán, tặng cho", cũng được quy định tại dự thảo.
Mặt khác, PGS-TS Tống Trung Tín cho rằng với nội dung dự thảo như trên, có thể nói dự thảo luật Di sản văn hóa sửa đổi đang "mở đường" cho buôn bán bảo vật quốc gia. "Liệu điều này ảnh hưởng thế nào đến việc "chảy máu" cổ vật? Liệu có diễn ra tình trạng thổi giá bảo vật quốc gia hay không. Liệu có tình trạng làm hồ sơ bảo vật quốc gia rồi sau đó tăng giá bán hay không", ông khuyến cáo.
Mang ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' về Việt Nam, chủ ấn có được bán không?
Phân loại bảo vật quốc gia nhiều cấp
Câu hỏi về nguy cơ làm hồ sơ bảo vật quốc gia rồi sau đó tăng giá bán cũng là vấn đề khiến TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN, lo lắng. Theo ông, hiện đang có thực trạng nhiều bảo vật quốc gia tuy mang cùng danh hiệu nhưng giá trị, mức độ quý hiếm lại khác hẳn nhau.
TS Quân phân tích: "Trong thực tiễn ở lĩnh vực này, bảo vật của chúng ta nói riêng, ở một số quốc gia nói chung, có những cấp độ giá trị khác nhau. Những bảo vật quốc gia về cơ bản được sự tán đồng của giới nghiên cứu, của nhân dân và quốc tế. Tuy nhiên, có một vài ý kiến của những người làm di sản đặt vấn đề rằng, cũng là hai chiếc chuông, có niên đại thời Trần, nhưng chuông Vân Bản ở Đồ Sơn (Hải Phòng), so với chuông chùa Rối ở Hà Tĩnh, thì chuông Vân Bản phải ở "chiếu trên", tuy cả hai cùng là bảo vật của đất nước".
TS Phạm Quốc Quân cũng dẫn ra trường hợp ở Trung Quốc với các quy định bảo vật quốc gia có nhiều cấp. Theo đó, có những hiện vật xếp đó là bảo vật quốc gia nhưng chỉ thuộc quyền quản lý của tỉnh Quảng Tây, cho phép đem đi trưng bày ở nước ngoài, không cần phải Chính phủ cấp phép. Lại có những bảo vật cấp 1 và 2, quý hơn, phải Chính phủ cấp phép mới mang ra nước ngoài được.
Cũng theo TS Phạm Quốc Quân: "Sự phân loại bảo vật quốc gia theo cấp để có những cấp độ quản lý cho phù hợp là một cách làm ưu việt. Tính ưu việt ấy còn là sự không bỏ sót những bảo vật quốc gia, mà nếu như đặt chung cùng những bảo vật quốc gia khác, sẽ thấy được tính hợp lý, với "chiếu trên, chiếu dưới" rõ ràng, hợp lý, giống như những cụm từ ở trên đã nêu".
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia, cho rằng hiện tại đã có một thị trường trao đổi các hiện vật quý với chất lượng bảo vật quốc gia rồi. Chính vì thế, việc dự thảo luật Di sản văn hóa sửa đổi đưa quy định về mua bán chuyển nhượng quyền sở hữu vào sẽ giúp thị trường này "ra ánh sáng", được minh bạch hơn. "Điều này sẽ giúp cho các giao dịch được rõ ràng, đồng thời nhà nước cũng quản lý được hiện vật", PGS-TS Bài nói.
PGS-TS Bài cũng cho rằng không cần lo ngại về việc cho phép mua bán sẽ làm "chảy máu" cổ vật ra nước ngoài. "Theo quy định, bảo vật quốc gia muốn mang ra nước ngoài cần có sự cho phép của Thủ tướng", ông khẳng định.
PGS-TS Đặng Văn Bài cho biết quy định về việc mua bán, chuyển nhượng sở hữu bảo vật quốc gia có khai báo với cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ giúp thúc đẩy thị trường mua bán bảo vật quốc gia và cổ vật. "Giá trị của bảo vật quốc gia cũng sẽ tăng lên. Hơn nữa, hiện vật thuộc sở hữu cá nhân thì cũng phải tôn trọng quyền mua bán trao đổi của họ. Thậm chí sau này còn phải tính đến việc làm sao nó trở thành một tài sản giá trị có thể định giá để vay mượn ngân hàng chứ không phải như bây giờ", ông nói.
Bình luận (0)