Mở đường cho những 'liên minh thiết kế'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
17/08/2022 06:52 GMT+7

Theo chuyên gia về công nghiệp sáng tạo , việc liên kết giữa các ngành công nghiệp sáng tạo khác nhau là xu thế trong tương lai.

Thiết kế vải và đồ chơi, thiết kế game và ứng dụng truyền thống…

Những đội chơi được chọn của Sân chơi thách thức sáng tạo trong Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế VN 2022 (kéo dài từ nay tới 20.11) rất đặc biệt. Có 5 hồ sơ tham gia sân chơi đều được ghép từ các cá nhân không cùng ngành nghề. “Đây là điểm sáng tạo của liên hoan năm nay”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Vicas Art Studio, cũng là thành viên ban tổ chức, cho biết.

Vicas Art Studio vừa nghiên cứu nghệ thuật vừa tổ chức triển lãm

BTC cung cấp

Theo ban tổ chức, cặp đôi Trần Thảo Miên chuyên nghiên cứu chất liệu vải và nhà thiết kế Linh Trịnh sẽ cùng làm một chuỗi sắp đặt tên là Thật hư, lấy cảm hứng từ chổi lông gà. Theo đó hai nghệ sĩ này muốn thiết kế lại chiếc chổi lông gà (từ một vật dụng trước kia không chỉ dùng để phủi bụi mà còn dùng để đánh phạt trẻ con) trở thành một đồ vật mềm mại/tinh tế hơn. Họ cũng muốn lật lại quan điểm cũ về vai trò của người phụ nữ trong gia đình.

Cặp Officine Gặp - HUM là kết hợp giữa một studio âm thanh và nhóm nghệ sĩ underground, để có sản phẩm là một sắp đặt âm thanh. Nhóm Nguyễn Hà - Trần Thảo Miên là kết hợp của nghệ sĩ chất liệu vải và kiến trúc sư, sản phẩm của họ được phát triển từ quá trình phục dựng đồ chơi trung thu truyền thống đầu thế kỷ 18. Nhóm Bùi Bảo Trân - Vân Ngọc Hồng Phước - Văn Khánh Như gồm giám tuyển nghệ thuật thị giác, thiết kế và nhạc thể nghiệm. Còn nhóm của Nguyễn Huyền Châu - Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao - Phạm Đăng Duy Anh lại là những người sản xuất game, kiến trúc… muốn dùng game để thu hút du khách đến các điểm du lịch.

Về những “đội tuyển” sáng tạo này, TS Nguyễn Thị Thu Hà cho biết các nhóm được thiết lập trên lập luận là các ngành không còn hoạt động trong dạng thức riêng rẽ. Ban tổ chức cho rằng các sáng tạo riêng rẽ khó mang lại phát triển cộng đồng bền vững. “Vì thế, chúng tôi hình thành sân chơi thể nghiệm này. Không đặt ra mục tiêu là ra được sản phẩm hoàn thiện, cái mà chúng tôi đặt ra là các cặp đôi này khi hợp tác mang lại kết quả nào. Chúng tôi dự kiến kết quả sẽ bất ngờ. Trong quá trình tham gia thì họ cũng phải nâng cao các kỹ năng làm việc nhóm, và nhiều kỹ năng mềm khác. “Những kỹ năng đó cần thiết trong bối cảnh mới hậu Covid-19, và công nghệ phát triển như hiện nay, từ đó đi đến phát triển bền vững”, bà Hà nói.

Ban tổ chức cũng cho biết đã để cả khả năng mở là các bạn tham gia gửi hồ sơ có quyền thiết lập cặp đôi của mình ngay khi lập hồ sơ; hoặc không thiết lập ngay từ đầu thì trao quyền cho nhà tổ chức. “Điều đó sẽ dựa trên tư vấn chuyên môn của hội đồng chúng tôi. Đó có thể là đối tác các bạn không ngờ tới”, bà Hà cho biết. Một trong những bất ngờ là Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao ở TP.HCM được ghép cặp với một nhóm sáng tạo tại Hà Nội.

Thiết kế của nghệ sĩ Đinh Công Đạt bao gồm nhiều nghề thủ công như thuộc da, mộc và việc vẽ như một họa sĩ. Anh có thể kết hợp với các nghệ sĩ làm hoạt hình

NVCC

Sáng tạo thay đổi

Ông Christian Manhart, Trưởng văn phòng UNESCO tại VN, cho biết hiện nay sáng tạo đã trở thành yếu tố quan trọng trong đời sống. “Thiết kế không chỉ làm ra sản phẩm đẹp mà còn tạo ra sản phẩm thân thiện và có ích... tạo ra không gian đẹp và bền vững về sinh thái, công nghệ, văn hóa. Hiện Hà Nội là thành viên những thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế nên việc hỗ trợ tạo các kết nối sáng tạo vô cùng quan trọng”, ông nói.

Trước đây UNESCO cũng đã có những kết nối đa ngành cho sáng tạo. Chẳng hạn, họ đã kết nối để nghệ sĩ Lê Giang tới làm việc ở làng nghề nhựa. Trong thời gian đó, cô được nâng cao các kỹ năng làm việc với khuôn đúc nhựa, các kỹ thuật làm nhựa. Sản phẩm của Lê Giang là những cây hoa nhựa mà cô thiết kế và thực hiện. Tương tác này cũng giúp cho làng nghề hiểu hơn về quy trình sáng tạo mẫu…

Theo bà Hà, hiện VN có nhiều không gian sáng tạo kết nối đa ngành. Chẳng hạn, không gian Phố bên đồi làm đa ngành cả mỹ thuật, kiến trúc, âm nhạc. Tính đa ngành của không gian này rất tốt. “Về mô hình bản chất một không gian sáng tạo thường là đa ngành, có hoạt động trụ cột chính làm nguồn thu. Nếu chọn để biến tổ chức của mình thành không gian sáng tạo nổi bật thì thường họ kết nối theo xu hướng đa ngành. Bản thân Vicas Art Studio của chúng tôi cũng có thể nghiên cứu di sản, kiến trúc, kết nối các hoạt động chéo ngành với nhau. Chưa kể những năm gần đây có nhiều dự án đi theo xu hướng chọn đa ngành”, bà Hà nói.

Bà Hà cho biết nhiều nghiên cứu cho thấy cộng đồng sáng tạo của VN rất cởi mở, đã sẵn sàng theo hướng kết nối đa ngành này. Chẳng hạn, “Ở Hà Nội, nhóm của Huyền Châu sẽ thiết kế rồi làm thư viện kiến trúc, nghệ thuật, số hóa di sản… Họ có độ mở rất tốt, nếu nguồn lực không có thì sẵn sàng đi kết nối để làm dự án văn hóa đa ngành. Từ đó có thể nhìn ra cộng đồng sáng tạo VN cũng rất cởi mở”, bà Hà cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.