Bảo tàng công lực bất tòng tâm
Bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ, là người có những trải nghiệm “giây vàng, phút bạc” khi dự các phiên đấu giá cổ vật Việt ở nước ngoài. Tiền và tốc độ là hai điểm mấu chốt khi dự các phiên đấu giá như vậy. “Có lần, tôi dự phiên đấu giá một bộ trang phục cổ tuyệt đẹp. Nhanh lắm. Giá lên nhanh, chốt cũng nhanh, cũng cao và không thể mua kịp”, bà Hòa cho biết.
Khách tham quan hai cổ vật được hiến tặng qua đấu giá thành công ở nước ngoài gồm Mũ quan đại thần và Áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế |
TTXVN |
Nhưng bà Hòa còn là tư nhân để có thể dự được một cuộc đấu giá như vậy. Với bảo tàng nhà nước, việc tham dự đấu giá cổ vật Việt hiện khó như lên trời. Bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN, cho biết tất cả các bảo tàng công trong nước hiện đều chưa đủ điều kiện để đáp ứng hoặc tham gia các phiên đấu giá cổ vật quốc tế. Muốn mua một hiện vật cho bảo tàng, đơn vị này phải thực hiện đủ các thủ tục để đảm bảo nguyên tắc khoa học, tài chính và các thủ tục này cần nhiều thời gian. Trong khi đó, đấu giá là câu chuyện giá của từng giây. Do đó, các bảo tàng công lập rất khó có thể tham gia đấu giá cổ vật.
Hiện vật VN trôi dạt ở nước ngoài có nhiều, giá trị của chúng cũng không giống nhau cho dù đều quý giá. Vì thế, cần có quy định cụ thể mức độ quý giá thế nào thì mới tham gia mua, do nhà nước không thể có tiền để mua quá nhiều được.
“Nói chung, các bảo tàng trong nước chưa thể đấu giá để đưa cổ vật hồi hương. Cho nên, vừa rồi ở Huế có doanh nghiệp đấu giá và đưa cổ vật về tặng lại cho Huế. Chúng ta chưa có cơ chế cho việc đó. Ngay các hiện vật ở Huế vừa rồi, giải quyết thủ tục hải quan mãi”, bà Hoan nói.
Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đến nay là đơn vị công duy nhất đấu giá được cổ vật Việt để mang về nước. Năm 2015, trung tâm đấu giá thành công chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh (1855 - 1906) với mức giá khoảng 45.000 euro (tương đương 1,5 tỉ đồng lúc đó). Chiếc xe này sau đó cũng rất khó khăn khi về qua cửa hải quan VN do chưa có quy định, cũng chưa có tiền lệ về việc đấu giá cổ vật Việt để hồi hương. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế lúc đó là ông Nguyễn Văn Cao đã cho phép ứng tiền đóng thuế để “giải cứu” xe khỏi ách tắc tại sân bay Nội Bài. Cũng trong đợt đấu giá đó, trung tâm này không thể mua được chiếc long sàng của vua Thành Thái do giá quá cao, tương đương 3 tỉ đồng.
Năm 2021, hai cổ vật là mũ quan đại thần và áo Nhật Bình cung tần có từ thời Nguyễn đã được một doanh nghiệp đấu giá thành công tại Tây Ban Nha. Tháng 4.2017, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (Thừa Thiên-Huế), tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức lễ tiếp nhận và mở cửa trưng bày cổ vật hiến tặng này.
Chiếc xe kéo tay đã được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đấu giá thành công |
Trung tâm cung cấp |
Bổ sung luật Di sản
Thông tin từ Bộ VH-TT-DL, luật Di sản văn hóa sửa đổi bổ sung tới đây cũng sẽ bổ sung một điều về việc đấu giá cổ vật ở nước ngoài. Cụ thể, theo đề cương dự thảo luật Di sản văn hóa sửa đổi bổ sung sẽ có điều 45 quy định về việc “đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc VN từ nước ngoài về nước”. Theo dự kiến, điều luật này sẽ bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc VN từ nước ngoài về nước (mua, hiến tặng, trao trả). Bộ VH-TT-DL đánh giá đây là điều luật cần được bổ sung do một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Nếu điều luật này được thông qua, việc xây dựng nghị định, thông tư cũng cần chi tiết hóa nhiều điều để trình tự, thủ tục, hồ sơ đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc VN từ nước ngoài về nước được rõ ràng, cụ thể hơn.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ VN, cho rằng cần có những hình dung cụ thể về di vật, cổ vật thế nào thì nên cố gắng đấu giá thành công để hồi hương. “Hiện vật VN trôi dạt ở nước ngoài có nhiều, giá trị của chúng cũng không giống nhau cho dù đều quý giá. Vì thế, cần có quy định cụ thể mức độ quý giá thế nào thì mới tham gia mua, do nhà nước không thể có tiền để mua quá nhiều được”, PGS-TS Tín nói.
Bộ Văn hóa Liban đã bàn giao cho Iraq 337 cổ vật, vốn là những hiện vật đã bị đưa ra khỏi Iraq kể từ khi Mỹ triển khai quân đội tại Iraq vào năm 2003 |
EPA |
Cũng phải nói thêm, theo định nghĩa về tài sản văn hóa của UNESCO tại Công ước 1970, các tài sản văn hóa bao gồm rất nhiều loại. Đó có thể là các bộ sưu tập hiếm về động thực vật, khoáng sản, cổ sinh học; các hiện vật liên quan đến đời sống nguyên thủ, các nhà tư tưởng, nghệ sĩ và các sự kiện quan trọng tầm quốc gia, hiện vật khảo cổ học, tranh ảnh, bản vẽ thủ công, tượng và tác phẩm điêu khắc, sách và ấn bản có tầm quan trọng đặc biệt, đồ gỗ, nhạc cụ cổ… Chính vì thế, hội đồng thẩm định vấn đề này cũng cần có đa dạng chuyên gia, chuyên gia liên ngành.
Dời ngày đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của vua Minh Mạng
Ấn “Hoàng đế chi bảo” |
MILLON |
Ngày 29.10, Hãng đấu giá Millon (Pháp) cho biết hãng sẽ lùi thời điểm đấu giá lô 101 (ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”) đến ngày 10.11 (trước đó cổ vật dự kiến được đấu giá vào ngày 31.10).
Về lý do lùi phiên đấu giá cổ vật này, nhà nghiên cứu Vương Trung Hiếu cho biết: “Trên trang web chính thức của Hãng đấu giá Millon thông báo ngắn gọn: “Do nhà nước VN quan tâm đến lô ấn vàng 101 của vua Minh Mạng nên chúng tôi tạm hoãn việc bán đấu giá đến 12 giờ ngày thứ 5 (tức 10.11.2022)”. Ngoài ra không nêu lý do gì hoặc giải thích gì thêm”.
Trước đó, ngày 26.10 ông Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc VN (Hoàng tộc nhà Nguyễn), cũng đã có văn bản gửi đến ông Jean Gauchet, Giám định viên Hãng đấu giá Millon (Pháp), yêu cầu hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật bát vàng của vua Khải Định và ấn triện bằng vàng của vua Minh Mạng. Hoàng tộc nhà Nguyễn cho rằng: “Chúng tôi đang nghiên cứu về quyền pháp lý và cách thức mà vị vua cuối cùng của VN, đức vua Bảo Đại, “được cho là” đã chuyển nhượng quyền thừa kế, trong khi chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” và chiếc bát vàng là hai vật quốc bảo. Với giá ước lượng mà ông đã đề ra, theo chúng tôi, bản thân đức vua Bảo Đại cũng đủ trí tuệ để hiểu rằng ngài không được phép tiếm quyền chuyển nhượng, dù nhà tổ chức đấu giá Millon có trình ra giấy thừa kế đến từ bất cứ công chứng viên nào. Do đó, chúng tôi long trọng và khẩn khoản yêu cầu ông hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật nêu trên trong khi chờ các cơ quan hữu trách điều tra”.
Chiếc ấn tín bằng vàng “Hoàng đế chi bảo” được cho là của hoàng đế Minh Mạng được Hãng đấu giá Millon cho lên sàn với giá khởi điểm 2.000.000 - 3.000.000 EUR (48 - 72 tỉ đồng).
Lê Công Sơn
Một điều cần chú ý nữa, theo PGS-TS Tín, là cần có cơ chế hiệu quả để việc xã hội hóa đưa tài sản văn hóa Việt hồi hương. Theo đó, có những ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc này. Cũng có thể xem xét lập các quỹ văn hóa hướng tới việc đưa cổ vật Việt hồi hương. “Những điều đó cần được luật hóa rõ ràng”, PGS-TS Tín nói.
Trước mắt, theo một chuyên gia di sản, dù chưa có hành lang pháp lý cho đấu giá cổ vật để hồi hương, vẫn nên quan tâm đến các phiên đấu giá quốc tế đối với cổ vật có xuất xứ VN. Việc chủ động tìm kiếm cổ vật Việt ở nước ngoài cũng sẽ thúc đẩy việc đưa hiện vật hồi hương theo Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa. Trước đó, Campuchia đã chủ động tìm thấy 7 cổ vật gồm vòng đeo cổ tay, vòng đeo bắp tay, vòng đeo chân, vương miện, bông tai, nhẫn và dây chuyền… tại chợ bán cổ vật ở Anh. Sau khi phát hiện, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia đã làm thủ tục thu về nước năm 2017.
Bình luận (0)