Mơ hồ học để làm gì!

04/03/2017 07:52 GMT+7

Mùa thi đang đến cũng là lúc cần đặt ra câu hỏi 'Học để làm gì?' cho những người trẻ đang lựa chọn nghề nghiệp tương lai, khi mà mỗi năm có hàng ngàn sinh viên bỏ học giữa chừng vì nhận thấy không phù hợp với ngành đã chọn.

Học theo quán tính
Tiến sĩ Giáp Văn Dương, người xây dựng trường học trực tuyến GiapSchool, cho biết từng có một khảo sát nhỏ trong vòng một năm với học sinh, sinh viên (SV) và phụ huynh. Khoảng 80% học sinh THCS và THPT, 50% SV trả lời học để kiếm tiền hoặc học để sau này có công ăn việc làm. Chừng 40 - 50% SV và 20 -25% học sinh THPT nói học để có thể tự lo cho cuộc sống của mình, kiếm được công việc phù hợp, sau này đỡ khổ và giúp đỡ gia đình. Có 80 - 90% phụ huynh trả lời học để mở mang hiểu biết hoặc để có địa vị trong xã hội.
Câu trả lời thường rơi vào các nhóm như sau: học để thi, vì bố mẹ bảo học, vì không biết làm gì khác, không biết học để làm gì, vì tất cả mọi người đều như vậy, như một quán tính hết cấp tiểu học thì lên cấp THCS, THPT, rồi vào ĐH.
Chúng tôi đã có một cuộc khảo sát nhanh và có rất nhiều SV trả lời học theo quán tính. Mai Phương, SV năm thứ 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Học như một quán tính vậy. Hết THPT thì việc vào ĐH học tiếp là chuyện đương nhiên. Em không có nhiều hứng thú đối với việc học ở trường ĐH, vì vậy học để qua môn là chính. Lấy được một tấm bằng đúng hạn là mục tiêu lớn nhất”. Còn Bùi Thư, SV một lớp chất lượng cao của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng cho biết học vì đó như một việc phải làm.

tin liên quan

Ra mắt Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH tại TP.HCM
Chiều 3.3, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ ra mắt Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM. Buổi làm việc do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì, với sự có mặt của hiệu trưởng 46 trường ĐH trên địa bàn.

Học không chỉ ở trường đại học
Đinh Hằng, một blogger du lịch khá nổi tiếng, cho biết: “Học để kiếm việc làm là mục đích thực dụng nhưng có phần thiển cận. Bởi ở trường ĐH, SV không chỉ học kiến thức có thể có ích cho nghề nghiệp của họ sau này mà còn học các kiến thức xã hội, kỹ năng mềm, đặc biệt là xây dựng các mối quan hệ bạn bè có thể có ích sau này khi ra trường. Việc đi học chỉ nhắm vào một nghề nghiệp sau khi ra trường cũng không hẳn là tốt vì trong thời đại thay đổi nhanh chóng như ngày nay, chưa chắc SV ra trường có thể làm đúng ngành nghề, và sẽ trở nên khó khăn nếu SV đó có ý định chuyển sang làm việc cho một ngành nghề khác”.
Thiên Hương, nhân viên Công ty Hotdeal, định nghĩa rằng học để phát triển và khẳng định bản thân. Học là nhu cầu tự thân, nên có thể tự học và chọn chương trình phù hợp, thứ mình cần và cảm thấy có hứng thú. Bằng cấp cũng cần, nhưng quan trọng là nhận thức. Học để đi làm, kiếm tiền... là động cơ bên ngoài. Chỉ khi xuất phát từ nhu cầu bên trong, thôi thúc mình phải học thì mới thấy hứng thú.

Đỗ Vũ Lưu Phương, làm việc tại Trung tâm ngoại ngữ Bộ Ngoại giao, cho biết: “Mình ít khi tự hỏi học để làm gì. Người ta học thì mình cũng học thôi. Những kỹ năng hiện nay mình có phần lớn là tự học chứ không theo trường lớp nào. Mình học từ internet, sách và những người quen”.
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, kể có một SV cảm thấy rất chán nản vì sau giai đoạn học đại cương bị xếp vào ngành học tài chính nhà nước, trong khi mong muốn được học ngành kiểm toán. SV này cảm thấy không còn thiết tha với việc học và hỏi có nên bỏ hay không? “Tôi nói với em: Mục tiêu học của em là gì? Nếu mục tiêu là lấy một tấm bằng chuyên ngành kiểm toán thì em không nên mất thời gian ở trường ĐH nữa vì chắc chắn em không đạt được mục tiêu đó. Còn nếu mục tiêu học nghề kiểm toán thì chuyện em được phân vào chuyên ngành nào hay có ngồi trên ghế giảng đường ĐH không phải là chuyện quan trọng nữa. Bởi khoa tài chính nhà nước không dạy em nghề kiểm toán thì cũng không ai cấm em học thứ mình muốn. Chính em sẽ là người quyết định tương lai nghề nghiệp của em chứ không phải cái quyết định xếp chuyên ngành của nhà trường”, ông Trung nói.

tin liên quan

Lo lắng việc làm sau khi ra trường
Theo ban giám hiệu các trường THPT tại Đạ Huoai tỉnh Lâm Đồng, Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Lâm Đồng tổ chức là chương trình tư vấn đầu tiên đến với HS huyện này.

Ý kiến:
Học để thay đổi nhận thức
Cuộc sống giờ muôn màu. Thế giới phẳng nên có nhiều thứ để học, để trải nghiệm. Học là để thay đổi nhận thức của chính mình, để hội nhập với xã hội luôn thay đổi. Chứ thực ra, học thì nhiều mà ứng dụng cho công việc rất ít.
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)
Hãy làm “cách mạng sự học”
Cách mạng sự học là thay đổi vai trò của người học từ thân phận kẻ nô lệ của quá trình giáo dục thành người làm chủ quá trình này và đổi từ quá trình giáo dục thành quá trình học tập. Khi người học hiểu được rằng “Ta là sản phẩm của chính mình” và cùng với tinh thần “Tự lực khai phóng” thì sẽ có thêm niềm tin vào giáo dục.
Giản Tư Trung (Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE)
Học để trở thành con người tự do
Mục tiêu của giáo dục là giúp người học vượt thoát khỏi những giới hạn do chính giáo dục đặt lại. Học là hoạt động trọng tâm của giáo dục. Vì thế, câu trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?” sẽ là: “Học để trở thành con người tự do”.
Con người tự do thể hiện trước hết ở khả năng tự do tư tưởng của mình. Để làm được như vậy, người đó phải có khả năng sử dụng lý trí của mình để tư duy một cách độc lập hầu phát triển nhận thức của riêng mình, nhưng cũng lại tôn trọng nhận thức của người khác. Biểu hiện thứ hai của tự do tư tưởng là khả năng dịch chuyển nhận thức, dịch chuyển các khung tham chiếu mà mình đang có, chủ yếu thông qua việc làm mới hoặc từ bỏ nhận thức đã có để đón nhận một khung nhận thức mới. Biểu hiện thứ ba của tự do tư tưởng là khả năng diễn đạt ý kiến, suy nghĩ, tư tưởng của mình một cách công khai cho đại chúng.
Sau khi đã có tự do tư tưởng thì con người sẽ thực thi nó trong đời sống cá nhân và xã hội thông qua tự do lựa chọn. Nói cách khác, người đó phải có khả năng đưa ra lựa chọn của mình một cách chân thật, trong tự do và sau khi suy xét, chứ không vì một sự ép buộc hay a dua nào. Như thế, học để trở thành người có tự do lựa chọn là học cách lãnh đạo bản thân mình, làm chủ cuộc đời mình, và tự chịu trách nhiệm về các lựa chọn của mình, trong tự do và thấu hiểu.
Một biểu hiện quan trọng khác của con người tự do là ở khả năng tự do kiến tạo. Chỉ khi có tự do kiến tạo, con người mới có cuộc sống tự do đích thực.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.