'TÔI CÓ THỂ GIÚP'
Tháng 2 vừa qua, T.T.N.M (26 tuổi), ngụ ở Q.7, TP.HCM, đang làm việc tại một công ty truyền thông, gặp chuyện buồn trong tình cảm. M. đã than thở bằng trạng thái u sầu trên mạng xã hội cũng như tâm sự tại một nhóm trên Facebook. Và chỉ sau 45 phút, một tài khoản lạ giăng "bẫy lừa" liên hệ M.
"Người này nói là giữa tôi và họ chắc do "hữu duyên". Họ vô tình thấy nick (tài khoản Facebook - PV) tôi nên vào xem. Họ phán nhìn avatar (ảnh đại diện) là biết ngay có chuyện buồn, dường như là tình cảm. Nhưng chuyện buồn gì thì tôi cũng có thể giúp", M. kể lại và nói thêm: "Đang lúc buồn, thấy người lạ bắt chuyện, lại nói trúng phóc nên tôi cũng nhắn lại, trả lời".
M. không ngờ việc tương tác với người lạ ấy đã dẫn cô vào "bẫy lừa". "Họ nói với tôi rằng bạn trai đã đi theo người khác. Cần phải có cách để bạn trai quay về yêu thương tôi. Khi tôi hỏi là cách gì, họ trả lời vì tôi ở TP.HCM, còn họ ở tỉnh Bắc Giang, nên họ sẽ gửi vật phẩm bằng hình thức chuyển phát nhanh đến tận nơi để tôi làm theo. Họ cam kết người yêu sẽ tự khắc quay về yêu thương tôi", M. nhớ lại. M. chuyển chi phí 8 triệu đồng với kỳ vọng sẽ giữ được tình yêu. "Nhưng tôi đã bị lừa. Tôi đợi vài ngày vẫn không nhận được vật phẩm nào. Khi tìm lại Facebook của họ thì phát hiện đã bị chặn", M. nói.
Chị Đỗ Thị Diệu Huyền, 32 tuổi, quê Hải Phòng, đang sinh sống và làm việc tại TP.Sydney, Úc, cho biết từng tham gia một nhóm về bệnh thận trên Facebook. Chị Huyền tâm sự chuyện bố mình đang bị bệnh thận, tiên lượng không tốt, cần sự trợ giúp. Và rồi chị đã nhận tin nhắn của một số người tự xưng là có khả năng chữa trị.
"Giai đoạn đó tôi rối bời vì lo lắng cho tình hình sức khỏe của bố nên không cảnh giác. Ai nói sao tôi nghe vậy. Cứ nghĩ "phước chủ may thầy", biết đâu họ sẽ có cách giúp bố khỏe mạnh trở lại. Nào ngờ tôi bị lừa hơn 60 triệu đồng, tiền chuyển cho họ để mua thuốc. Họ nhận tiền xong là mất dạng", chị Huyền kể.
Trường hợp khác, anh Vũ Thành Vinh (33 tuổi, quê tỉnh Ninh Bình) đang xuất khẩu lao động làm việc ở Đức, kể vào tháng 1 vừa qua đã bị lừa gần 100 triệu đồng.
"Tôi có chia sẻ một bài viết về vụ tai nạn ở Ninh Bình mà nạn nhân là em ruột. Có người lạ nhắn tin qua Messenger nói rằng người thân tôi sẽ tiếp tục bị nạn. Họ còn bảo nhà tôi chắc chắn gặp nhiều trắc trở. Tôi đọc mà hoảng sợ. Sau khi tự trấn tĩnh, tôi nhắn lại và họ giới thiệu là nhà phong thủy. Họ nói có thể giúp tôi "trấn" lại những tai ương. Họ bày đủ cách giống như một "chuyên gia thứ thiệt", nào là cắm mía xung quanh 4 góc nhà, thay đổi vị trí cổng… Tôi không hề do dự mà tin tuyệt đối và chuyển tiền ban đầu 15 triệu đồng. Sau đó họ tiếp tục "hù", tôi sợ nên nhờ "hóa giải" với hàng chục triệu đồng. Khi đã chuyển gần 100 triệu đồng thì tôi mới biết mình bị lừa, và coi đó là bài học kinh nghiệm đắt giá", anh Vinh nói.
Xem nhanh 20h: Vạch trần chiêu lừa call show
LƯU Ý NHỮNG ĐIỀU NÀY
Theo luật sư Nguyễn Hải Long (Đoàn luật sư Tây Ninh), kẻ lừa có thể là bất kỳ ai, từ người quen đến người lạ. Có thể ẩn sau những tài khoản với tên lạ là người quen. Kẻ lừa sẽ lợi dụng lúc người khác hoang mang, lạc lối trong những vấn đề liên quan đến tình cảm, sức khỏe… để "tung chiêu" khiến nạn nhân sập bẫy.
"Đó là lý do mà nhiều người sau khi than thở chuyện công việc không hanh thông, tình cảm không như ý, sức khỏe có vấn đề, trục trặc trong những mối quan hệ… thường sẽ nhận được những tin nhắn của người lạ muốn giúp đỡ. Đó là cái bẫy. Tin tưởng vào là sẽ bị lừa", luật sư Long nói và cho rằng không được tin những lời "phán" trên mạng xã hội. Đừng làm theo những yêu cầu từ tài khoản không quen biết. Đặc biệt là không chuyển khoản.
Theo chuyên gia kỹ năng sống Nguyễn Thị Minh Tuyết (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), mỗi người trẻ cần phải có sự hiểu biết, trang bị kiến thức về an toàn thông tin, qua đó không mắc phải "bẫy" của kẻ gian trên không gian mạng.
"Trong bất kỳ tình huống nào cũng phải cẩn trọng và tỉnh táo để tránh bị kẻ lừa "dắt" đi theo kịch bản của họ. Điều quan trọng là không nên mê tín dị đoan. Nếu gặp những vấn đề bất ổn trong cuộc sống, có thể tự mình giải quyết hoặc liên hệ người có chuyên môn, chứ không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào những người lạ tự xưng là "chuyên gia", "bác sĩ", "thầy này thầy kia" trên mạng xã hội", chị Tuyết nói.
Chị Tuyết cũng khuyên mọi người nên thường xuyên đọc các bài viết trên báo chí để nhận diện được các "bẫy lừa" và coi đó là bài học kinh nghiệm để không trở thành nạn nhân.
"Ngoài ra, khi không gian mạng đã và đang trở thành "mảnh đất màu mỡ" để các kẻ giăng "bẫy lừa" khai thác thì mọi người cũng nên truy cập vào website https://www.dauhieuluadao.com/ (dự án do Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và Google hợp tác, giúp người dùng có những kiến thức, kỹ năng để tránh được các tình huống lừa đảo phổ biến trên không gian mạng - PV) để có thể "né" được nhiều chiêu trò lừa đảo", chị Tuyết khuyên. (còn tiếp)
Bình luận (0)