Mở mạng là gặp 'bẫy lừa': Phải né xa dịch vụ lấy lại tài khoản...

Thanh Nam
Thanh Nam
06/05/2024 09:00 GMT+7

Những "bẫy lừa" luôn chực chờ người dùng mạng xã hội. Nếu không cẩn thận có thể trở thành nạn nhân, rơi vào tình cảnh vừa mất tiền lại ôm "cục tức".

NHIỀU NẠN NHÂN, NHIỀU BIẾN THỂ

Mới đây, hai nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên mạng xã hội là Độ Mixi (Phùng Thanh Độ, 35 tuổi, ngụ tỉnh Cao Bằng) và Quang Linh Vlogs (Phạm Quang Linh, 27 tuổi, ngụ tỉnh Nghệ An) thông báo bị hack (chiếm quyền sở hữu) kênh YouTube. Ngay sau đó, trên Facebook xuất hiện "hằng hà sa số" những "bẫy lừa" về dịch vụ lấy lại tài khoản YouTube.

Tuy nhiên, theo anh Lâm Văn Trường (30 tuổi), giám đốc một công ty về dịch vụ marketing ở đường Lâm Văn Bền, Q.7, TP.HCM, tuyệt đối không nên nghe theo những quảng cáo "lấy lại tài khoản YouTube" vì có thể sập "bẫy lừa".

Anh Trường nói: "Chiêu của những kẻ lừa đó là tự nhận có khả năng lấy lại kênh YouTube bị mất, hoặc khoe có quen biết với người làm ở YouTube nên dễ dàng xử lý kiến nghị. Sau đó yêu cầu cung cấp một số thông tin như: tên đăng nhập, mật khẩu… Tiếp tục, kẻ lừa đảo đề nghị chuyển khoản một số tiền để làm phí dịch vụ. Tùy mức độ nổi tiếng của kênh YouTube, dựa vào lượt xem, theo dõi… mà đưa ra mức phí từ vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng. Nhưng khi nhận tiền, thủ phạm sẽ "cao chạy xa bay" chứ không giữ lời hứa".

Theo anh Trường, đã có rất nhiều người là nạn nhân của "bẫy lừa" này. Vì quá tin tưởng vào những lời rao có khả năng lấy lại tài khoản YouTube bị chiếm đoạt nên họ bị lừa tiền.

"Một số biến thể của "bẫy lừa" này là dịch vụ lấy lại tài khoản Facebook, Zalo bị mất. Kẻ lừa đảo tự nhận có thể xử lý mọi vấn đề liên quan đến mất mát các tài khoản mạng xã hội. Sau đó biết tâm lý người bị mất tài khoản là muốn nhanh chóng giành lại quyền sở hữu nên hối thúc cung cấp các thông tin liên quan, chuyển tiền… Và rồi, cái kết là lừa tiền, cắt đứt mọi liên lạc", anh Trường cho hay.

Tin vào dịch vụ lấy lại có thể mất tiền, ôm “cục tức”

Tin vào dịch vụ lấy lại có thể mất tiền, ôm “cục tức”

CHỤP MÀN HÌNH

BỊ HACK TÀI KHOẢN MẠNG XÃ HỘI, PHẢI LÀM GÌ ?

Anh Trường khuyên nếu không may bị chiếm quyền sở hữu kênh YouTube, đồng nghĩa tài khoản Google bị xâm nhập, việc cần làm là bình tĩnh để khôi phục. Theo đó, liên hệ với nhóm hỗ trợ nhà sáng tạo trên YouTube để được trợ giúp nhằm khắc phục và giải quyết vấn đề liên quan đến tài khoản. Tuyệt đối không nên nhờ người khác, không cung cấp thông tin cho người lạ.

Xem nhanh 20h: Vạch trần chiêu lừa call show

Tương tự, khi bị kẻ xấu chiếm quyền sử dụng Facebook, hãy báo cáo "tài khoản của tôi đã bị xâm phạm" rồi yêu cầu "bảo vệ tài khoản của tôi". Khi đó, người dùng sẽ được yêu cầu cung cấp địa chỉ để Facebook gửi mã khôi phục lại tài khoản bị hack. Lựa chọn và làm theo hướng dẫn của Facebook để có thể lấy lại mật khẩu cho tài khoản… Với Zalo cũng tương tự, mọi vấn đề liên quan đến tài khoản, chủ sở hữu có thể tự liên lạc với nhà cung cấp dịch vụ để nhờ tháo gỡ.

"Thay vì tốn tiền cho các dịch vụ lấy lại tài khoản YouTube, Facebook, Zalo, thì tự mình có thể từng bước tìm hiểu và giải quyết. Đừng có nôn nóng rồi quá tin tưởng vào các dịch vụ ấy vì dễ dẫn đến tình trạng "tiền mất tật mang", tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cần né xa những dịch vụ ấy", anh Trường nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hải, Đoàn luật sư Khánh Hòa, cho biết chiếm quyền sở hữu tài khoản mạng xã hội của người khác là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại điều 17, luật An ninh mạng 2018. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong đó, nếu bị xử phạt hành chính, có thể bị phạt từ 10 - 50 triệu đồng với các hành vi: truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác; làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng…

Còn đối với những hành vi có tính chất và hậu quả nghiêm trọng, tùy vào mục đích sau khi hack tài khoản mạng xã hội, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong những tội như: tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (điều 288 bộ luật Hình sự), tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (điều 289 bộ luật Hình sự), tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (điều 290 bộ luật Hình sự)… (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.