Mở ngành học mới theo xu hướng

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
02/01/2020 07:11 GMT+7

Ngay từ những ngày đầu của mùa tuyển sinh năm 2020 , cùng với việc công bố phương án tuyển sinh dự kiến, các trường cũng thông tin mở những ngành học mới.

Nhìn vào những ngành học mới, có thể thấy phản ảnh rõ sự phát triển của xã hội, nhất là nhu cầu nhân lực ngành nghề.

Thời của robot và trí tuệ nhân tạo

Năm nay, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM mở thêm ngành hệ thống nhúng và IoT ((Internet of Thing - Internet vạn vật). PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, giải thích về ngành học này: Hiện nay giả sử một điện thoại di động lập trình nhúng, đẩy vào chương trình, vi điều khiển tự động hoạt động trong đó, kết hợp thêm trí tuệ nhân tạo (AI). Tất cả thiết bị hiện nay không còn là thiết bị điện đơn giản như xưa mà đều kết nối internet. Từ nhà máy, công ty đến các gia đình đều có thiết bị kết nối như vậy. Nhu cầu nhân lực lĩnh vực này khá lớn nên trường quyết định mở ngành để đào tạo người thiết kế, chế tạo các thiết bị này.

Mở ngành theo đơn đặt hàng của địa phương

 
Sở GD-ĐT Ninh Thuận ngày 27.12 có công văn gửi UBND tỉnh Ninh Thuận về việc mở các ngành đào tạo mới sau khi sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận vào Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tại Ninh Thuận.
Các ý kiến góp ý thống nhất mở mới 9 ngành học gồm: năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, sư phạm (SP) toán học, SP tiếng Anh, SP khoa học tự nhiên, SP tin học, giáo dục tiểu học, văn hóa các dân tộc thiểu số. Riêng Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đề nghị mở thêm ngành kinh tế luật, quản trị kinh doanh.
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đây là các ngành học địa phương đang rất có nhu cầu về nhân lực làm việc trong tỉnh. Tuy nhiên, mở các ngành học nào cụ thể thì trường sẽ cân nhắc và tính toán thêm.
Mùa tuyển sinh 2020, đến lượt nhiều trường kỹ thuật khác bắt đầu đào tạo lĩnh vực AI.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM dự kiến mở thêm 5 chương trình đào tạo chất lượng cao, trong đó có chuyên ngành kỹ thuật robot (nằm trong ngành kỹ thuật cơ điện tử).
Theo PGS-TS Bùi Hoàng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, trường không mở ngành mới nhưng mở chuyên ngành mới và tập trung vào giảng dạy tiếng Anh. Việc mở chuyên ngành robot trong ngành cơ điện tử lần này là một lời khẳng định cho độ chín muồi của quá trình đào tạo.
Theo một hướng khác, năm nay Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM mở đến 6 ngành mới, trong đó có ngành khoa học dữ liệu. Hiện nay, các chuyên gia về lĩnh vực AI đều cho rằng điều mà VN đang khó khăn nhất khi phát triển AI chính là dữ liệu và cần nhiều năm nữa mới xây dựng được nguồn dữ liệu có thể sử dụng. Trong khi đó, nhiều nước đã gần như hoàn tất điều này.
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông nhà trường này, cho biết việc mở ngành khoa học dữ liệu để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả những thứ liên quan như big data, AI, IoT... đều cần đến nguồn dữ liệu tốt và đương nhiên cần đến những người làm công việc này một cách khoa học.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết dự kiến trường sẽ tuyển thêm 2 ngành mới: IoT và AI ứng dụng, khoa học dữ liệu. Trong đó, IoT và AI ứng dụng là ngành được xây dựng theo hướng ứng dụng trong các thiết bị điều khiển nhúng như robot, thiết bị tự động...
Còn PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, cho biết năm nay trường sẽ mở 11 ngành đào tạo mới. Trong đó, AI là ngành mới rất được trường kỳ vọng. Theo ông Phong, khi xu thế của xã hội đang tiến rất nhanh về AI thì trường cũng không thể đứng ngoài xu thế đó. Vả lại, sự chuẩn bị nhân lực lĩnh vực này cho các năm tới là hết sức quan trọng.
Đi theo hướng đào tạo người làm công việc dữ liệu nhưng chuyên biệt hơn, năm nay Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM mở ngành khoa học dữ liệu trong kinh doanh. Điều này là rất cần thiết vì dữ liệu là thứ cực kỳ quan trọng, nhất là trong thời điểm phát triển ngân hàng số hiện nay. Ngày 13.12.2019, Nam Á Bank đã ra mắt không gian giao dịch số, trong đó đưa robot vào phục vụ hoạt động ngân hàng và ứng dụng AI.

Vận chuyển thời công nghệ số

Câu chuyện mở ngành mới trong thời gian vừa qua không thể không nhắc đến ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Các năm về trước, ngành này chỉ được đào tạo tại một số ít trường giao thông vận tải nhưng 2 - 3 năm gần đây, khi nhu cầu giao thương, vận chuyển quốc tế tăng mạnh, ngành này được mở ra ở nhiều trường và trở thành một trong những ngành thu hút rất lớn sự quan tâm của thí sinh.
Năm 2020, tiếp tục nhiều trường mở ngành học đang là thời thượng này, trong đó có cả các trường ĐH công lập lớn. Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, theo PGS-TS Bùi Hoàng Thắng, trường mở ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng nhưng đào tạo chương trình chất lượng cao tiếng Anh nhằm vào việc đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường. Do hiện nay các công ty nước ngoài đang nắm giữ đến 95% thị trường, cần có đội ngũ nhân lực lớn, có chất lượng để có thể giúp người VN phục vụ nền kinh tế VN.

Những ngành tiếp tục thu hút nhân lực

Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng vừa có dự báo nhu cầu nhân lực năm 2020. Theo bà Trần Lê Thanh Trúc, Giám đốc trung tâm, dự kiến trong năm 2020, thành phố có nhu cầu trên 323.000 việc làm, trong đó 135.000 việc làm mới. Dự báo một số ngành tiếp tục có xu hướng thu hút nhân lực như công nghệ thông tin - điện tử, cơ khí - tự động hóa, công nghệ thực phẩm, thương mại điện tử, logistics…

Cụ thể nhu cầu nhân lực năm 2020 tập trung ở các ngành: kinh doanh - thương mại chiếm 18,77% tổng nhu cầu, dịch vụ - phục vụ chiếm 12,79%, vận tải - kho bãi chiếm 7,11%, dệt may - giày da chiếm 5,58%, cơ khí - tự động hóa chiếm 5,34%, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng chiếm 4,69%, kinh doanh tài sản - bất động sản chiếm 4,39%, kế toán - kiểm toán chiếm 4,35%, dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn chiếm 3,90%, điện tử - công nghệ thông tin chiếm 6,42%, tài chính - tín dụng - ngân hàng chiếm 3,18%.
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng quyết định mở ngành này trong năm nay sau một thời gian dài có kinh nghiệm đào tạo những ngành kinh tế liên quan đến quốc tế. Tham gia đào tạo ngành này trong năm nay còn có Trường ĐH Mở TP.HCM và Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM.
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM nhiều năm nay đào tạo chuyên ngành logistics và vận tải đa phương thức nằm trong ngành khai thác vận tải, nhưng năm 2020 trường quyết định nâng cấp từ chuyên ngành thành ngành học.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc chương trình dự báo nhân lực, Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng gồm chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí về lưu kho, vận chuyển, vận tải, xử lý công nợ… rất cần nhân lực chất lượng cao. Đây là các ngành thuận lợi cho TP.HCM hội nhập nhưng để đảm bảo chất lượng đào tạo là cả một quá trình cần lưu tâm. Không thể vì xu hướng xã hội mà chạy theo mở ngành nhưng bỏ quên chất lượng.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, một trường liên tục mở những ngành mới trong 2 năm gần đây, cho biết: “Với các ngành mới mở, thí sinh sẽ có nhiều lợi ích khi lựa chọn xét tuyển như tăng cơ hội trúng tuyển, có thêm cơ hội lựa chọn ngành học phù hợp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.