Áp lực điện từ những ao tôm
Những năm qua, phong trào nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang đã có những bước phát triển đột biến. Một trong những nơi phát triển nóng nhất là Sóc Trăng. Nếu như năm 2010, tỉnh này chỉ có 25.600 ha nuôi tôm thì đến năm 2016 đã tăng lên gần 48.000 ha.
Bên cạnh một số địa phương phát triển nuôi trồng thủy sản đúng theo quy hoạch vùng thì tình trạng đào ao thả tôm nhỏ lẻ tự phát diễn ra khá phổ biến ở khắp các tỉnh ven biển ĐBSCL. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Đôn Châu (H.Duyên Hải, Trà Vinh), cho biết một trong những lý do khiến bà con đổ xô vào phát triển vùng nuôi tôm công nghiệp là lợi nhuận từ nuôi tôm công nghiệp khá cao so với các vật nuôi, cây trồng khác. Năm 2013, Trà Vinh đã có quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp nhưng tình hình nuôi tôm ngoài quy hoạch vẫn không ngừng tăng cao, dẫn đến quá tải về điện và phát sinh nhiều vấn đề về vệ sinh, môi trường khác. “Riêng ở xã Đôn Châu hiện có hơn 300 hộ nuôi tôm, chiếm gần 1/10 số hộ dân trong xã, với khoảng 500 ha diện tích mặt nước nuôi tôm. Trong đó có khoảng 300 ha trong vùng quy hoạch, số còn lại là tự phát”, ông Hùng nói.
Điều đáng nói là khi diện tích nuôi tôm công nghiệp bùng nổ tự phát cũng kéo theo nhiều hệ lụy; trong đó có việc đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt, sản xuất. Thực trạng đa số các hộ nuôi tôm công nghiệp đang sử dụng chính nguồn điện thắp sáng hoặc dùng dầu để chạy động cơ kéo quạt nước cung cấp ô xy cho con tôm. Việc này sẽ dẫn đến những hệ quả không tốt. Lưới điện ở một số nơi bị quá tải, chất lượng điện áp không đảm bảo; nhiều trạm biến áp và lưới điện trung hạ thế rơi vào cảnh quá tải nghiêm trọng.
Phát triển lưới điện vùng nuôi tôm
Theo điện lực các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh… việc đầu tư lưới điện cung cấp cho thành phần phụ tải như nuôi tôm công nghiệp luôn đầy rẫy khó khăn, ẩn chứa nhiều rủi ro. Nguyên nhân là nghề nuôi tôm phụ thuộc rất nhiều vào tính ổn định của đầu ra và thời tiết. Đặc biệt, với những vùng nuôi phát triển tự phát, không theo quy hoạch thì tính ổn định, bền vững gần như không có. Việc “phủ điện” đến những vùng nuôi trên ở nhiều địa phương như một “canh bạc”, nếu vùng nuôi phát triển tốt, bền vững sẽ có hiệu quả nhưng ngược lại thì lãng phí.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phước Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), xét một cách tổng thể, lâu dài đã đến lúc ngành điện cần phải thực hiện cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới lưới điện và trạm biến áp để đảm bảo cung cấp điện đến các khu nuôi tôm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao dù còn nhiều thách thức. Đây cũng là lý do EVN SPC triển khai thực hiện đề án cải tạo, nâng cấp, phát triển lưới điện trung hạ thế phục vụ nuôi tôm công nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản địa bàn các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020, nhằm cung cấp điện kịp thời cho các khu nuôi tôm công nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho bà con nông dân. Tổng kinh phí đầu tư thực hiện đề án khoảng 2.216 tỉ đồng, khối lượng đầu tư gồm: cải tạo, nâng cấp 874 km đường dây trung thế; xây dựng mới 1.333 km đường dây trung thế; nâng cấp trạm biến áp là 3.084 trạm/138.250 kVA; xây dựng mới trạm biến áp là 2.244 trạm/143.915 kVA; cải tạo, nâng cấp 2.059 km đường dây hạ thế và xây dựng mới 2.171 km đường dây hạ thế.
“Khi dự án được thực hiện và đưa vào sử dụng sẽ mang lại những lợi ích như: tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế, ngành nghề ở nông thôn, mở rộng các loại hình kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất lao động góp phần xóa đói giảm nghèo”, ông Đức nói.
Bình luận (0)