Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021 - 2030) trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: "Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt…; quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới".
Theo thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp (DN) khi ngày càng đẩy mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực tay nghề cao. Vì vậy, đơn vị đã tăng cường liên kết, hợp tác, gia nhập các hiệp hội nghề nghiệp uy tín trên thế giới như: Hội đồng nghề Vương quốc Anh, Hiệp hội hàn Mỹ, Hiệp hội Đào tạo nghề châu Âu…
"Mục tiêu của trường khi gia nhập các hiệp hội quốc tế, mở các chương trình đào tạo quốc tế là nhằm đáp ứng yêu cầu của DN, nâng cao chất lượng đào tạo, ngày càng tiếp cận với những tiêu chuẩn quốc tế để sinh viên (SV) tham gia thị trường lao động trong nước, mở ra cơ hội làm việc tại nước ngoài cho các bạn", thạc sĩ Cường nhấn mạnh.
Thời gian qua, Trường CĐ Kinh tế TP.HCM đã và đang đẩy mạnh hoạt động trao đổi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giảng dạy và trao đổi nghiên cứu. Thạc sĩ Trần Văn Tú, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, cho biết: "Đến nay, trường đã hợp tác với 20 trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trong khu vực về trao đổi SV, giảng viên trong đào tạo, hợp tác nghiên cứu".
Trong khi đó, tại Trường CĐ Viễn Đông từ năm 2019 đã phối hợp đào tạo liên kết 2+2 với Tập đoàn Knappschaft (Đức) về ngành điều dưỡng. Theo thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, chương trình này thu hút rất nhiều người học mỗi năm, đã có hơn 500 SV của trường học tập và làm việc tại Đức. "Trường đang mở rộng thêm các ngành công nghệ kỹ thuật và dịch vụ nhà hàng - khách sạn, chăm sóc sắc đẹp, bán hàng… với nhiều đối tác khác", thạc sĩ Thu thông tin thêm.
Nói về cơ hội việc làm cho SV khi theo học các chương trình liên kết quốc tế, thạc sĩ Khánh Cường thông tin, SV không chỉ tham gia thị trường lao động trong nước mà có thể làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là chương trình của Đức. Sau khi đào tạo, SV có thể tự xin việc hoặc các DN ở Đức đến trực tiếp phỏng vấn, kiểm tra kỹ năng và tuyển chọn.
Trong khi đó, khi Trường CĐ Viễn Đông phối hợp Tập đoàn Knappschaft của Đức, SV có cơ hội việc làm tại châu Âu. Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông chia sẻ SV được học miễn phí tại Đức và làm việc có lương. Mỗi tháng, các DN sẽ hỗ trợ từ 1.000 - 1.500 euro. Sau tốt nghiệp, mức lương dao động từ 2.500 - 3.500 euro.
Bình luận (0)