Cấp phép khoáng sản kiểu xin - cho:

Mở rộng đấu giá có lợi, sao không làm?

18/06/2024 07:55 GMT+7

Cả cơ quan quản lý lẫn các chuyên gia đều thống nhất phải mở rộng tối đa đấu giá quyền khai thác khoáng sản, hạn chế cấp phép kiểu xin - cho, song hiện thực hóa cơ chế này ra sao lại vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

HƠN 90% MỎ THUỘC DIỆN KHÔNG ĐẤU GIÁ

Trả lời chất vấn tại Quốc hội (QH) mới đây, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh khẳng định, dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản trình QH trong vài ngày tới đây sẽ khắc phục các bất cập đã được nhận diện sau 13 năm thực hiện luật Khoáng sản 2010. Theo lời người đứng đầu ngành TN-MT nói trước QH, quan điểm là thực hiện đấu giá tối đa để thu ngân sách.

Mở rộng đấu giá có lợi, sao không làm?- Ảnh 1.

Các chuyên gia tính toán, với quy định hiện hành, 90% số mỏ sẽ chỉ thực hiện cấp phép kiểu xin - cho mà không qua đấu giá

LÃ NGHĨA HIẾU

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản trình ra QH vẫn đang "bảo vệ" cơ chế xin - cho trong cấp phép khai thác mỏ, vốn tiềm ẩn nguy cơ thất thoát hàng tỉ USD cho ngân sách.

Luật Khoáng sản 2010 quy định phải thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trừ các trường hợp không đấu giá theo quy định của Chính phủ. Theo báo cáo của Bộ TN-MT, Nghị định 158 năm 2016 của Chính phủ đã xác định 7 tiêu chí để khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trên cơ sở quy định này, Bộ TN-MT đã khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 203 năm 2014 phê duyệt khu vực không đấu giá khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN-MT (chưa gồm của địa phương).

Theo đó, khu vực không đấu giá gồm: 151 khu vực khoáng sản cụ thể; khu vực khoáng sản urani đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương; khu vực than nằm trong quy hoạch phát triển ngành than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; và khu vực đá vôi, đá sét, khoáng sản phụ gia xi măng nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm nguyên liệu xi măng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; khu vực khoáng sản đã được cấp giấy phép thăm dò hoặc giấy phép khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, căn cứ đề xuất của các địa phương, Bộ TN-MT đã khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung 53 khu vực khoáng sản vào danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN-MT.

Đối chiếu các quy định này vào thực tiễn, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia chính sách công, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), tính toán: Có tới hơn 90% số mỏ khoáng sản không qua đấu giá, tức là chỉ cấp phép. Ông Đức cho rằng đây là một trong các nguyên nhân khiến tỷ lệ đấu giá khai thác khoáng sản suốt 14 năm thực hiện luật Khoáng sản còn thấp. Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh khi trả lời QH cũng thừa nhận, việc bộ này chỉ đấu giá 10 mỏ khoáng sản trong suốt hơn 10 năm là do Nghị định 158/2016 đã quy định rõ các khu vực không đấu giá, và Bộ TN-MT phải thực hiện cấp phép không thông qua đấu giá.

Tại dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản trình ra QH, Chính phủ đề xuất quy định cụ thể tiêu chí khu vực không đấu giá vào luật, thay vì để ở nghị định của Chính phủ. Theo đó, dự thảo luật quy định 3 tiêu chí của khu vực không đấu giá, gồm: khoáng sản năng lượng, khoáng sản phóng xạ đã được xác định trong chiến lược, quy hoạch phát triển ngành quốc gia; khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản; khu vực khoáng sản thuộc vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Luật sư Lê Thanh Sơn, Trưởng văn phòng luật sư AIC (Hà Nội), cho rằng quy định nêu trên gần như không có sự thay đổi so với những gì đã được quy định tại Nghị định 158 năm 2016. Khi nâng lên thành luật có thể dẫn tới việc sửa đổi các quy định không đấu giá mất nhiều thời gian, có thể từ 5 - 10 năm. Điều này, theo ông Sơn, vô hình trung đang "bảo vệ" cơ chế xin - cho trong quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản.

ĐẤU GIÁ, ĐẤU THẦU DỰ ÁN KHOÁNG SẢN NHƯ VỚI ĐẤT ĐAI

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Minh Đức đánh giá đây là một bước tiến, khi không còn giao toàn bộ việc quy định tiêu chí khu vực khoáng sản không đấu giá cho Chính phủ (mà thực tế là các bộ, ngành) mà quy định thẳng vào luật để QH quyết định. Điều này mở ra cơ hội để mở rộng việc đấu giá khai thác khoáng sản, hạn chế cơ chế xin - cho trong hoạt động khoáng sản theo định hướng đã được Nghị quyết 10 năm 2022 của Bộ Chính trị (định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng đến cuối năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) xác định.

Từ đó, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, quy định tại dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản có thực hiện được mục tiêu nói trên hay không.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh), người đã chất vấn Bộ trưởng TN-MT về vấn đề này, khẳng định mở rộng đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một trong những giải pháp quan trọng để giảm bớt tiêu cực, nhũng nhiễu; tăng hiệu quả trong khai thác, sử dụng khoáng sản; tăng thu cho ngân sách. Tuy nhiên, ông Hậu góp ý, quy định tiêu chí của khu vực không đấu giá theo loại khoáng sản như dự thảo nói trên là quá rộng, dẫn đến thu hẹp diện đấu giá. Ông đề xuất nên quy định theo mục đích sử dụng.

"Chẳng hạn như khoáng sản năng lượng là than. Nếu khu vực khoáng sản than thuộc dự án kêu gọi đầu tư nhà máy nhiệt điện thì không đấu giá riêng mà sẽ cấp phép để chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện khai thác làm nhiên liệu cho nhà máy. Nếu khu vực khoáng sản than được khai thác để bán, xuất khẩu… thì phải thông qua đấu giá", ông Hậu phân tích.

Không chỉ quy định khu vực khoáng sản không đấu giá "quá rộng", dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản cũng đề xuất thêm "các trường hợp khác" do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Theo các chuyên gia, việc tiếp tục giao thẩm quyền đề xuất đưa một khu vực khoáng sản vào khu vực không đấu giá hoặc ra khỏi khu vực không đấu giá cho Chính phủ (mà thực tế là Bộ TN-MT) như thời gian qua có thể sẽ tạo ra khe hở để nhiều doanh nghiệp lách luật, gây thất thu cho nhà nước...

Cùng quan điểm, ông Lê Thanh Sơn cho rằng nhà nước có thể định hướng bằng việc áp dụng cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khai thác và chế biến khoáng sản. Từ đó, ông Sơn kiến nghị có hẳn một chương riêng về đấu giá khai thác khoáng sản và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khai thác, chế biến khoáng sản để thu hút các nhà đầu tư, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Thu tiền cấp quyền khai thác theo sản lượng

Một điểm mới của dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không thu theo trữ lượng nữa mà thu trên sản lượng khai thác thực tế và được quyết toán hằng năm.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, việc thay đổi cách thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hào hứng hơn với việc đấu giá khai thác khoáng sản. "Trước đây, doanh nghiệp tham gia đấu giá sẽ phải trả một cục tiền trong khi chưa biết khai thác được không. Theo dự thảo lần này, nếu doanh nghiệp tham gia đấu giá sẽ không phải nộp cố định bao nhiêu tiền, việc đấu giá ở đây là phần trăm trả nhà nước, mỏ không có trữ lượng thì chỉ nộp phần khai thác thực tế thôi. Như vậy doanh nghiệp tự tin hơn", ông Đức phân tích.

Đảm bảo khu vực không qua đấu giá hẹp nhất

Nói về cơ chế đấu giá khoáng sản tại hội thảo góp ý dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản 2024 do VCCI phối hợp Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH tổ chức chiều 14.6, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên cho biết VN là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, các doanh nghiệp nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế.

Theo ông Kiên, nhà nước đã đầu tư rất lớn và hàng chục, hàng trăm ngàn cán bộ công nhân viên đang hoạt động trong khu vực này. Chính vì vậy, để đảm bảo, nhà nước có chính sách dành diện tích những khu vực khoáng sản nhất định để đảm bảo ổn định của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước này. "Chúng tôi cũng xin tiếp thu để đảm bảo làm sao phạm vi khu vực không qua đấu giá là hẹp nhất, tạo công bằng cho mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia đấu giá", ông Kiên nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.