Qua đó, Thủ tướng biểu dương Bộ Công an đã tích cực chủ động vào cuộc cùng các địa phương và các ngành liên quan kịp thời phát hiện, ngăn chặn, tiến hành điều tra xác minh hành vi vi phạm của Công ty CP công nghệ Việt Á và các tổ chức, cá nhân liên quan.
TIÊU PHONG |
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
Ngày 22.12: Cả nước 16.555 ca Covid-19, 13.394 ca khỏi | Hà Nội 1.646 ca | TP.HCM 979 ca |
Có biện pháp chấn chỉnh công tác đấu thầu
Thủ tướng giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan khẩn trương, chủ động rà soát, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh công tác đấu thầu, mua sắm và sử dụng thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định pháp luật và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng tiêu cực và “lợi ích nhóm”, tuyệt đối không được để xảy ra vi phạm pháp luật; trường hợp khó khăn vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, kịp thời trao đổi, báo cáo Bộ Y tế và các bộ: Tài chính, KH-ĐT để xử lý, giải quyết.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ: Y tế, KH-ĐT, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao kịp thời hướng dẫn, xử lý các vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc theo phản ánh kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Thủ tướng trường hợp vượt thẩm quyền.
Bộ Công an làm việc với Giám đốc CDC Nghệ An
Liên quan vụ việc, ngày 22.12, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã làm việc với ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An, cùng kế toán của cơ quan này để làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc CDC Nghệ An mua sinh phẩm, vật tư, hóa chất của Công ty CP công nghệ Việt Á.
Ông Trần Minh Tuệ, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, cho biết sở này chưa nhận được văn bản từ Bộ Công an về việc phối hợp làm rõ các vấn đề liên quan việc mua bán sinh phẩm, vật tư của Công ty CP công nghệ Việt Á.
Sở Y tế tỉnh Nghệ An đang yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn thống kê và báo cáo Sở việc mua bán vật tư, sinh phẩm, hóa chất trong thời gian chống dịch.
Theo tìm hiểu của PV, CDC Nghệ An đã mua vật tư, sinh phẩm của Công ty CP công nghệ Việt Á gồm 4 gói thầu, trong đó có 2 gói chỉ định thầu trị giá hơn 18,5 tỉ đồng và 2 gói đấu thầu rộng rãi. Gói chỉ định thầu đầu tiên là ngày 15.7, được mua với giá 470.000 đồng/bộ kit xét nghiệm, tổng giá trị gói thầu hơn 5 tỉ đồng.
Gói chỉ định thầu còn lại vào ngày 31.10, mua với giá 367.500 đồng/bộ kit xét nghiệm, tổng giá trị gói thầu hơn 13 tỉ đồng. Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Định từng khẳng định, quá trình mua sắm vật tư, sinh phẩm của Công ty CP công nghệ Việt Á đều đúng quy trình, đúng trình tự, thủ tục và phủ nhận việc ông nhận “hoa hồng” từ công ty này.
Covid-19 sáng 23.12: Cả nước 1.588.335 ca | TP.HCM sẵn sàng cho ngày học sinh trở lại trường |
Hồ sơ của Việt Á không đáp ứng về an toàn?
Trong khi đó, liên quan việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không chấp nhận kit xét nghiệm do Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) sản xuất, WHO tại VN ngày 21.12 cho biết xét nghiệm PCR do Công ty Việt Á sản xuất (sản phẩm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit) đã nộp hồ sơ cho chẩn đoán in vitro Covid-19 của WHO EUL (danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO). Mã hồ sơ đăng ký EUL của sản phẩm này là “EUL 0524-210-00”.
Hồ sơ sản phẩm đã được đánh giá và không đáp ứng được các hồ sơ cần thiết về an toàn, công năng và/hoặc QMS (hệ thống quản lý chất lượng).
WHO cho biết thêm, tổ chức này có cơ chế tiền kiểm (PQ) để đánh giá tính an toàn, chất lượng và hiệu quả của các sản phẩm y tế thiết yếu bao gồm chẩn đoán in vitro (trong ống nghiệm) IVD; thiết bị cắt bao quy đầu cho nam giới; thuốc, vắc xin; thiết bị dùng trong tiêm chủng và thiết bị trong dây chuyền lạnh.
WHO PQ mục tiêu đảm bảo các sản phẩm y tế thiết yếu này sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và hiệu quả, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực y tế và cải thiện sức khỏe.
Quy trình PQ cho mỗi dòng sản phẩm được đánh giá một cách minh bạch, khoa học, bao gồm các bước xem xét hồ sơ, thử nghiệm sản phẩm, đánh giá công năng và kiểm tra công tác tổ chức nghiên cứu của cơ sở sản xuất.
Kết quả của PQ bao gồm danh sách các sản phẩm đã được tiền kiểm, danh sách các phòng xét nghiệm đã được tiền kiểm chất lượng và các Báo cáo Kiểm tra và đánh giá công khai của WHO. Kết quả này được LHQ và các cơ sở cung ứng khác sử dụng trong quyết định mua bán các sản phẩm y tế.
Tính đến ngày 20.12, đã có 28 sản phẩm IVD Covid-19 được chấp thuận thông qua quy trình EUL của WHO; 46 sản phẩm IVD khác không đáp ứng được các hồ sơ cần thiết về an toàn, công năng và/hoặc hệ thống quản lý chất lượng (QMS); các hồ sơ này đã bị rút lại hoặc không đáp ứng các tiêu chí đánh giá của EUL.
Danh sách các sản phẩm được WHO chấp nhận và không chấp nhận được đăng tải tại trang web chính thức của tổ chức này.
Liên quan sai phạm của ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, ngày 22.12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Hải Dương đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Phạm Duy Tuyến. Cùng với đó, ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương, đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Phạm Duy Tuyến. Trước đó, ông Phạm Duy Tuyến bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để làm rõ về hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến việc mua bán kit test với Công ty CP công nghệ Việt Á.
Lê Tân
Bình luận (0)