Mở rộng đối tượng liên quan cổ đông sở hữu ngân hàng tới ông bà, cháu, chắt...

Mai Hà
Mai Hà
15/01/2024 20:11 GMT+7

Để tránh sở hữu chéo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần mở rộng 5 thế hệ người có liên quan tới cổ đông sở hữu ngân hàng từ ông bà nội, ông bà ngoại, cô, dì, chú, bác, đến cả các cháu, chắt.

Giải trình tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chiều 15.1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết "đây là luật rất khó, phức tạp, chuyên sâu rất cao".

Mở rộng đối tượng liên quan cổ đông sở hữu ngân hàng tới ông bà, cháu, chắt...- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp

GIA HÂN

Vì vậy, quá trình phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cũng mất rất nhiều thời gian.

Dù vậy, ông Thanh khẳng định, các chính sách lớn hoàn thiện dự thảo luật để nâng cao khả năng quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng đã được xử lý, tránh tình trạng các tổ chức tín dụng thao túng, chi phối, lạm quyền.

Cạnh đó, các yêu cầu về minh bạch hóa thông tin đã được hoàn thiện thêm rất nhiều. Đặc biệt, cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nội bộ các tổ chức tín dụng cũng như trách nhiệm của các cơ quan có liên quan như Thanh tra Chính phủ hay Bộ Tài chính cũng đã được bổ sung và hoàn thiện.

Chương trình kỳ họp bất thường thứ năm Quốc hội khóa XV

"Dự kiến ngay sau phiên họp này, từ tối nay, hai cơ quan bắt đầu nghiên cứu để tiếp thu, kịp đến sáng ngày 17.1 phải có dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến ngày 18.1 mới đủ điều kiện để trình với Quốc hội xem xét, thông qua", ông Thanh nêu.

Về băn khoăn của nhiều đại biểu liên quan đến xử lý sở hữu chéo, thao túng và chi phối của các tổ chức tín dụng, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, "đây là một vấn đề hết sức quan trọng, một biện pháp không đủ mà tất cả các biện pháp phải thống nhất, đồng bộ".

Ví dụ như quy định về mở rộng đối tượng người có liên quan có xử lý được hết tình trạng sở hữu chéo, chi phối hay là thao túng tổ chức tín dụng hay không? Ông Thanh cũng dẫn trường hợp của ngân hàng SCB, dù bây giờ sở hữu của cá nhân chỉ 5%, "nhưng người ta lại nhờ người này, người ta mượn danh người kia đứng tên".

Do đó, việc chỉ quy định trong luật không đủ mà phải trong cả công tác tổ chức triển khai thực hiện, giám sát như đại biểu đề xuất. Hiện nay đã có các đề án về công nghệ thông tin để có thể kiểm tra, giám sát các hoạt động này.

"Xin phép các vị đại biểu Quốc hội cho phép mở rộng các đối tượng người có liên quan đến cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, đến cả các cháu, tức là 5 thế hệ. Đây là một biện pháp cần thiết để có thể kiểm soát được tình trạng sở hữu chéo", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh.

Cạnh đó, dự thảo luật cũng đã tiếp thu ý kiến, đã giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan. Đối với cổ đông là tổ chức thì quy định hiện hành là 15%, dự thảo luật quy định giảm xuống 10%. Cổ đông, tổ chức và người có liên quan ở mức 20%, cũng quy định giảm xuống 15%.

Đối với vấn đề về can thiệp sớm, đã có tiếp thu và chỉnh lý so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Trường hợp các ngân hàng khắc phục được các tiêu chí không hoàn thành để can thiệp sớm rồi thì có văn bản dừng can thiệp hay không, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để xử lý vấn đề này, bảo đảm hài hòa giữa các quan hệ.

Doanh nghiệp khó vay vốn "như em bé 5 tuổi mới được bú sữa mẹ"

Góp ý cho dự thảo luật chiều 15.1, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) băn khoăn khi dự thảo luật chưa đề cập đến việc các tổ chức tín dụng hay ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp của nền kinh tế giống như trẻ sơ sinh trong một gia đình, "khát vốn như trẻ sơ sinh cần sữa mẹ".

Ở các nước phát triển, doanh nghiệp khởi nghiệp rất dễ dàng tiếp cận vốn vay, vì ngân hàng chỉ cần thuê tư vấn độc lập để đánh giá dự án có khả thi hay không, nếu được là có thể cho vay vốn và dùng chính dự án làm tài sản thế chấp. Trong khi đó, ở Việt Nam, doanh nghiệp muốn vay vốn thì phải có tài sản thế chấp ngoài dự án. Trong điều kiện bình thường, các doanh nghiệp kinh doanh chuẩn chắc phải sau 3 đến 5 năm tích lũy mới có tài sản.

"Như vậy, sau 5 năm khởi nghiệp, doanh nghiệp mới có điều kiện để tiếp cận vốn vay, giống như em bé lên 5 tuổi mới được uống sữa mẹ. Sẽ có nhiều em bé còi và tỷ lệ 90% doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và siêu nhỏ sẽ không được cải thiện", đại biểu Huân nói.

Ông cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm quy định hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp để Việt Nam có thể trở thành quốc gia khởi nghiệp như một số quốc gia khác trên thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.