Mở rộng 'kho' phim nhà nước

Ngọc An
Ngọc An
25/08/2020 06:29 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước cần mở rộng đề tài phim điện ảnh đặt hàng thay vì chỉ giới hạn trong một số đề tài về chiến tranh cách mạng, lịch sử, dân tộc thiểu số, thiếu nhi như hiện nay.

Luôn trong tình trạng thiếu kịch bản Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh Bộ VH-TT-DL, cho biết hiện tại kinh phí nhà nước đặt hàng phim truyện không nhiều. “Kinh phí ít, nên một năm bây giờ chỉ có thể cố gắng giữ được 3 phim truyện. Số lượng phim tài liệu, hoạt hình thì có khá hơn”, ông Thành nói.

Không phải lúc nào cũng cần sự hỗ trợ từ nhà nước. Nhưng từ phía nhà làm phim, tôi cho rằng có những lĩnh vực trong điện ảnh cần ưu tiên hơn. Vẫn từng đó nguồn đầu tư nhưng đi đúng đường, chúng ta sẽ đi xa hơn

Đạo diễn Phan Đăng Di 

Năm nay, vẫn chưa có kinh phí sản xuất phim truyện, mặc dù đã có 3 kịch bản được duyệt, tất cả đều của hãng phim nhà nước. Theo ông Thành, việc lựa chọn những dự án của hãng phim nhà nước không phải là chủ trương mà do Cục Điện ảnh khó có sự lựa chọn khác vì thiếu kịch bản chất lượng về đề tài nhà nước đặt hàng.
“Quan điểm của tôi là không cứ tiền nhà nước là rót vào hãng phim nhà nước. Nếu những đơn vị, nhà sản xuất khác có kịch bản hay, chất lượng, đúng theo yêu cầu đặt hàng, thì Cục luôn sẵn sàng”, ông Thành nói. Tuy nhiên, theo ông Thành, từ đầu năm nay đến giờ vẫn chưa có kịch bản về đề tài nhà nước đặt hàng có chất lượng của đơn vị/nhà sản xuất tư nhân gửi đến. “Hầu hết những đơn vị, nhà sản xuất tư nhân đều sản xuất phim thị trường nhằm thu lợi nhuận ngay. Trong khi đó, các hãng phim nhà nước lại chú trọng xây dựng kịch bản những đề tài mà nhà nước đặt hàng”, ông Thành lý giải.
Việc không có nhiều sự lựa chọn dễ dẫn đến chất lượng nhiều bộ phim đặt hàng không cao như lâu nay. Thậm chí, có những bộ phim được đặt hàng sản xuất từ lâu đến giờ vẫn chưa được nghiệm thu vì không đạt yêu cầu.

Thay đổi thế nào ?

Trong lần chia sẻ ý kiến đóng góp về việc xây dựng luật Điện ảnh mới, ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, nhìn nhận cơ chế đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất phim phục vụ khán giả. Ông cho rằng, lâu nay nhà nước chỉ đặt hàng với những đề tài phục vụ chính trị quy định tại khoản 4 điều 5 luật Điện ảnh, mà chưa quan tâm đúng mức đến việc sản xuất những thể loại phim khác, trong đó có phim nghệ thuật.
Đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận: “Phim nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc định danh tiếng nói của nghệ thuật với thế giới, chính vì thế cần có sự hỗ trợ đặc biệt”.
Ở góc độ nhà sản xuất tư nhân, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, nhà nước nên có chính sách mở rộng đề tài đặt hàng nhà làm phim. “Càng đa dạng đề tài càng tốt”, ông Dũng nhấn mạnh. Cũng theo ông, những dự án làm phim quảng bá đất nước, con người, văn hóa cần được đặc biệt chú ý. Theo bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh VN, ngoài những bộ phim theo mục tiêu đặt ra, nhà nước cũng nên khuyến khích các thành phần kinh tế, các nguồn vốn xã hội tham gia cả những dòng phim khó. Bù lại, nhà nước có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà sản xuất phim này.
Ông Vi Kiến Thành cho biết, theo dự kiến, luật Điện ảnh mới tới đây sẽ được sửa quy định đề tài phim đặt hàng. “Nội dung phim đặt hàng như hiện nay rất bó gọn, làm khó cho cục. Việc mở rộng phạm vi đề tài phim sử dụng kinh phí nhà nước là nhu cầu tất yếu, đòi hỏi cần phải thay đổi ngay bây giờ”, ông Thành bày tỏ. Ông ví dụ, đề tài được mở rộng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hay xây dựng con người mới VN... là sẽ đa dạng hơn rất nhiều, hay trong luật Điện ảnh mới có thể không quy định đề tài, mà nội dung đề tài sẽ được đưa ra theo nhu cầu từng thời điểm. Ông Thành nhấn mạnh, đề tài nội dung cho phim nhà nước đặt hàng thời gian tới sẽ là nhân văn, hướng thiện, bản sắc văn hóa Việt.
Việc mở rộng khung đề tài không chỉ tạo thêm giúp “kho” phim nhà nước đa dạng mà ngay cả cơ hội dành cho nhiều đối tượng nhà làm phim cũng mở hơn, chẳng hạn như nhà làm phim trẻ. Ông Vi Kiến Thành đồng ý rằng những nhà làm phim trẻ luôn cần được quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay có những hạn chế với họ bởi Quỹ hỗ trợ điện ảnh dù đã được quy định trong luật Điện ảnh (từ năm 2006) nhưng đến giờ chưa thể thành lập vì vẫn mắc ở nguồn kinh phí cho quỹ, không biết lấy đâu ra tiền để hoạt động. Trong khi đó, kinh phí nhà nước đặt hàng điện ảnh lại bị bó hẹp về đề tài.
“Không phải lúc nào cũng cần sự hỗ trợ từ nhà nước. Nhưng từ phía nhà làm phim, tôi cho rằng có những lĩnh vực trong điện ảnh cần ưu tiên hơn. Vẫn từng đó nguồn đầu tư nhưng đi đúng đường, chúng ta sẽ đi xa hơn”, đạo diễn Phan Đăng Di bày tỏ. N.A
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.