Mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế

Liên Châu
Liên Châu
08/01/2025 03:59 GMT+7

Nhiều quy định mới từ 1.1.2025 đã mở rộng quyền lợi với người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), liên quan việc chi trả tiền thuốc, khám chữa bệnh theo yêu cầu cũng như thuận lợi hơn về thủ tục chuyển tuyến điều trị.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2025/NĐ-CP ngày 1.1.2025 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 (sau đây ghi tắt là Nghị định 02). Trong số này có quy định lộ trình thực hiện và tỷ lệ mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) ngoại trú tại cơ sở KCB cấp cơ bản; quy định cho phép cơ sở KCB tư nhân được áp giá dịch vụ KCB BHYT của các cơ sở KCB công lập theo mức điểm xếp cấp chuyên môn kỹ thuật...

Mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế- Ảnh 1.

Những quy định mới về BHYT, chuyển tuyến khám chữa bệnh giúp người bệnh đỡ vất vả

ẢNH: DUY TÍNH

Các quy định đồng bộ với luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 về cấp chuyên môn kỹ thuật, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.

Khám chữa bệnh theo yêu cầu được BHYT chi trả

Thông tin cụ thể về quyền lợi người tham gia BHYT theo quy định mới, đại diện Bộ Y tế cho hay, bệnh nhân KCB ngoại trú tại cơ sở KCB cấp cơ bản khi không đúng cơ sở đăng ký KCB BHYT ban đầu, không đúng quy định về chuyển người bệnh (khám trái tuyến), sẽ được hưởng 50 - 100% quyền lợi do quỹ BHYT thanh toán, áp dụng từ 1.7.2025. Tại cấp chuyên sâu, các trường hợp này được quỹ BHYT thanh toán 50% mức hưởng từ 1.7.2026, khi KCB ngoại trú.

Các quy định tại Nghị định 02 từng bước giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ KCB, tăng tỷ lệ hưởng của người tham gia BHYT từ ngày 1.7.2026. Trong đó, người tự đi KCB tại các cơ sở thuộc cấp KCB cơ bản (mà hiện nay là cơ sở KCB tuyến tỉnh) được hưởng 50% quyền lợi.

Đáng lưu ý, Nghị định 02 đã bổ sung quy định đối với trường hợp người tham gia BHYT đi KCB theo yêu cầu. Theo đó, trong trường hợp này, BHYT vẫn thanh toán phần chi phí KCB theo phạm vi được hưởng (nếu có). Người bệnh tự thanh toán phần chi phí chênh lệch giữa giá dịch vụ KCB theo yêu cầu với mức thanh toán của BHYT.

Theo Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Trần Thị Trang, để đảm bảo chất lượng điều trị và chi trả hợp lý, Bộ Y tế đã quy định, các cơ sở KCB có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, thiết bị y tế, khả năng cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng đã ký với cơ quan bảo hiểm xã hội và công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT, phần chi phí chênh lệch và phải thông báo trước cho người bệnh.

Không phải mang giấy tờ khi khám bệnh

Liên quan thủ tục hành chính cắt giảm khi KCB BHYT, đại diện Bộ Y tế cho biết luật BHYT và các văn bản hướng dẫn đã bổ sung, quy định sử dụng căn cước hoặc căn cước công dân hoặc tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID đã tích hợp thông tin về thẻ BHYT khi KCB.

Mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế- Ảnh 2.

Người sử dụng dịch vụ KCB theo yêu cầu được BHYT chi trả theo mức hưởng

Ảnh: Tuấn Minh

Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, bổ sung việc sử dụng căn cước, trích lục khai sinh, giấy khai sinh bản gốc, giấy chứng sinh bản gốc khi đi KCB. Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người trong trường hợp chưa có thẻ BHYT thì xuất trình giấy ra viện do cơ sở KCB nơi lấy bộ phận cơ thể người và một trong các giấy tờ chứng minh nhân thân của người đó: căn cước, căn cước công dân, giấy chứng nhận căn cước, hộ chiếu, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID …

Quy định này bảo đảm tính thuận tiện, người bệnh có thể chỉ cần đọc duy nhất mã số BHYT hoặc số căn cước, không phải mang theo bất cứ giấy tờ gì vì các thông tin đã tích hợp hết trên định danh điện tử, giúp giảm thời gian cho người bệnh khi đi KCB BHYT.

Đặc biệt, đại diện Vụ BHYT cũng khẳng định từ năm nay, tăng cường thực hiện giấy chuyển tuyến trực tuyến. Hình thức này vừa minh bạch và không còn xin - cho; người bệnh cũng không lo thất lạc giấy tờ. Giấy hẹn khám lại cũng được thực hiện trực tuyến. Mỗi năm các loại giấy tờ này ước cả chục triệu lượt.

Trước đó, trong năm 2024, qua triển khai bước đầu, hơn 1,5 triệu giấy chuyển tuyến BHYT và 5 triệu giấy hẹn khám lại điện tử đã được liên thông với bảo hiểm xã hội (BHXH); đồng bộ thông tin với dữ liệu quốc gia VNeID gần 600.000 giấy chuyển tuyến và 1 triệu giấy hẹn khám lại.

Cũng theo bà Trang, từ ngày 1.1, với KCB khi thay đổi nơi cư trú, quy định mới đã đảm bảo quyền lợi cho người có BHYT. Ví dụ, sinh viên về quê trong kỳ nghỉ dài vẫn được KCB tại cơ sở y tế ở quê nhà, dù nơi đăng ký ban đầu tại cơ sở khác trên địa bàn đang học tập.

Theo quy định cũ, các trường hợp này bị gián đoạn, hoặc phải lên lại cơ sở đã đăng ký để khám bệnh, trong khi khoảng cách có thể cả trăm cây số, nếu học xa nhà.

Bà Trang còn cho biết, với người bệnh mạn tính, người có bệnh cần điều trị dài ngày ở tuyến trên, trước đây giấy chuyển tuyến chỉ sử dụng đến hết ngày 31.12 hằng năm. Sau thời hạn này, bệnh nhân không xin kịp giấy chuyển tuyến mới sẽ phải tự bỏ tiền túi, nếu vẫn trong đợt điều trị. Do đó, có tình trạng, mới xin được 2 - 3 tuần đã phải chạy vạy xin lại giấy tờ, rất vất vả. Hiện giấy chuyển tuyến trong các trường hợp này đã có hiệu lực trong 12 tháng, không còn quy định cứng nhắc cứ đến 31.12 là hết hạn.

Chi trả không phụ thuộc hạng bệnh viện

Liên quan mở rộng chi trả thuốc đắt tiền của tuyến T.Ư, bà Nữ Anh, Phó vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), phân tích trước đây, thuốc trong danh mục BHYT chi trả được phân theo hạng bệnh viện, do đó, tuyến y tế cơ sở chỉ là các thuốc chi phí rất thấp, danh mục cũng rất hạn chế, khiến nhiều người bệnh phải vượt tuyến trên do lo ngại về năng lực, chất lượng điều trị, từ đó kéo theo quá tải tuyến T.Ư. Từ 1.1.2025, quy định này được bãi bỏ.

Theo bà Nữ Anh, cũng từ 1.1, quy định mới đã bỏ các cột phân hạng bệnh viện sử dụng thuốc; không phân chia danh mục thuốc được BHYT chi trả theo hạng bệnh viện. Do đó, hiện các cơ sở KCB được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục BHYT chi trả, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật.

"Bệnh viện tuyến huyện cũng được dùng thuốc như tuyến T.Ư, phù hợp với điều kiện nhân lực chuyên môn, dịch vụ kỹ thuật được phê duyệt", đại diện Vụ BHYT cho biết.

Đáng chú ý, trước nỗi lo thiếu hụt thuốc hiếm, ông Chu Đăng Trung, thành viên Ban soạn thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện luật Dược, cho hay dự thảo nghị định đã đề xuất cho phép các thuốc hiếm ít công ty nhập, bệnh viện có thể đăng ký với các doanh nghiệp có chức năng để mua nhằm đảm bảo tính kịp thời. Đề xuất tại nghị định sẽ tăng cơ hội tiếp cận thuốc trong thời gian sớm nhất.

Thông tuyến với 62 bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm

Từ ngày 1.1, có 62 bệnh (tăng 20 bệnh so với danh mục cũ) thuộc danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được hưởng 100% mức hưởng BHYT khi khám, điều trị tại y tế chuyên sâu (bệnh viện tuyến T.Ư). Người bệnh được hưởng quyền lợi sau khi đã được một cơ sở y tế chẩn đoán xác định mắc bệnh này và không phải xin giấy chuyển viện.

Theo Bộ Y tế, 62 bệnh gồm: viêm màng não do lao; u lao màng não; lao khác của hệ thần kinh; lao hệ thần kinh, không xác định; nhiễm mycobacteria ở phổi; nhiễm histoplasma capsulatum ở phổi cấp tính; nhiễm nấm blastomyces ở phổi cấp tính, nhiễm nấm paracoccidioides ở phổi; nhiễm sporotrichum ở phổi; nhiễm aspergillus ở phổi xâm lấn; nhiễm cryptococcus ở phổi; nhiễm mucor ở phổi; nhiễm mucor lan tỏa.

Các bệnh lý ung thư: u ác tụy; u ác tuyến ức; u ác của tim, trung thất và màng phổi; u ác của xương và sụn khớp ở vị trí khác và không xác định; u ác của màng não; u ác của não; u ác của tủy sống, dây thần kinh sọ và các phần khác của hệ thần kinh trung ương; u ác thứ phát của não và màng não; nhóm u ác tính; u ác của hệ lympho, hệ tạo máu và các mô liên quan.

Các bệnh chuyển hóa hiếm, gồm: hội chứng loạn sản tủy xương; các thể suy tủy xương khác; bệnh tăng đông máu khác; hội chứng thực bào tế bào máu liên quan đến nhiễm trùng; bệnh đái tháo đường phụ thuộc insuline có đa biến chứng; bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline có đa biến chứng; rối loạn chuyển hóa acid amin thơm; rối loạn chuyển hóa acid amin chuỗi nhánh và rối loạn chuyển hóa acid béo; các rối loạn khác của chuyển hóa acid amin.

Nhóm rối loạn dự trữ thể tiêu bào (bệnh pompe, bệnh MPS, bệnh gaucher, bệnh fabry); rối loạn chuyển hóa đồng (bao gồm cả bệnh wilson); thoái hóa dạng bột; rối loạn trầm cảm tái diễn; rối loạn ám ảnh nghi thức; viêm não, viêm tủy và viêm não - tủy; xơ cứng rải rác; viêm tủy thị thần kinh; nhược cơ; bệnh lý võng mạc của trẻ đẻ non; suy tim; hoại tử thượng bì nhiễm độc.

Hội chứng sau mổ tim; rối loạn chức năng khác sau phẫu thuật tim; bệnh phổi mô kẽ khác; áp xe phổi và trung thất; mủ lồng ngực (nhiễm trùng nặng ở phổi); bệnh crohn (viêm ruột từng vùng); pemphigus; viêm mạch mạng lưới; bệnh da tăng bạch cầu trung tính có sốt; bệnh lupus ban đỏ hệ thống có tổn thương phủ tạng; đái tháo đường sơ sinh; dị tật bẩm sinh khác của não; các dị tật bẩm sinh khác của tủy sống.

Nhóm các dị tật bẩm sinh của hệ thống tuần hoàn; biến dạng bẩm sinh của khớp háng; kháng (các) thuốc chống lao; di chứng của hoạt động chiến tranh (di chứng do vết thương chiến tranh); tình trạng của mảnh ghép cơ quan và tổ chức.

Bộ Y tế hướng dẫn, đối với trường hợp người bệnh mắc 62 bệnh lý trên, khi được chẩn đoán, xác định ở cấp ban đầu sẽ được hưởng quyền lợi theo quy định khi tự đến cấp chuyên sâu KCB, không cần giấy chuyển viện nhưng vẫn được hưởng 100% mức hưởng BHYT như quy định.

Trong trường hợp người bệnh tự đi KCB tại cấp chuyên sâu và được chẩn đoán mắc 62 bệnh lý trên thì cũng được hưởng quyền lợi theo quy định ngay trong lần KCB đầu tiên.

Theo ước tính của Bệnh viện K (Bộ Y tế), với quy định thông tuyến 62 bệnh trên, khoảng 20.000 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện này không phải lo thủ tục chuyển tuyến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.