Theo đó, các ngân hàng ban hành quy trình, thủ tục mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp khách hàng phù hợp với quy định phòng chống rửa tiền, về giao dịch điện tử và các quy định pháp luật liên quan về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của ngân hàng.
Ngân hàng quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử nhưng phải có giải pháp, công nghệ để kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng, chính xác giữa thông tin nhận biết khách hàng (trong đó bao gồm các yếu tố sinh trắc học) với các yếu tố, thông tin trên giấy tờ tùy thân của khách hàng hoặc với dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức tín dụng khác; có biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trước, trong và sau khi mở tài khoản thanh toán cho khách hàng...
Theo NHNN, trước bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, các ngân hàng đang tích cực ứng dụng công nghệ kỹ thuật để cải tiến quy trình cung ứng dịch vụ và phục vụ khách hàng tốt hơn. Việc mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp khách hàng sẽ góp phần tạo điều kiện giúp ngân hàng mở rộng tập khách hàng và khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng (dịch vụ thanh toán, tiết kiệm, cho vay,…); đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cần hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Dự thảo Thông tư quy định ngân hàng thỏa thuận với khách hàng về phạm vi sử dụng, hạn mức giao dịch tài khoản thanh toán nhưng phải đảm bảo hạn mức tổng giá trị giao dịch qua tài khoản thanh toán không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng và hạn mức giao dịch này không áp dụng cho một số trường hợp.
Bình luận (0)