Là một tạp chí kinh doanh đa quốc gia với bề dày 70 năm có mặt trên thị trường, Fortune thường xuyên xuất bản danh sách các công ty có doanh thu, lợi nhuận tốt nhất trong chu kỳ 1 năm tài chính. Mới đây, ngày 18.6 tại Singapore, tạp chí Fortune lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng Fortune Southeast Asia 500 - top 500 công ty Đông Nam Á có doanh thu tốt nhất năm 2023. Bên cạnh tiêu chí về doanh thu, ban tổ chức còn đặc biệt đề cao câu chuyện tăng trưởng và đóng góp của các công ty vào sự phát triển nền kinh tế khu vực.
Bảng xếp hạng Fortune Southeast Asia 500 bao gồm 500 công ty đến từ 7 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Philippines và Campuchia. Trong đó, Việt Nam sở hữu 70 công ty có mặt trong danh sách, đáng chú ý phải kể đến Tổng công ty MobiFone với doanh thu hơn 1 tỉ USD (gần 26.000 tỉ đồng), đạt vị trí thứ 253 trong bảng xếp hạng.
Theo đánh giá của tạp chí Fortune, nền kinh tế toàn cầu nói chung lẫn Đông Nam Á nói riêng đang gặp nhiều biến động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp. Đã có khá nhiều các công ty lớn phải đóng cửa sau đại dịch Covid-19 và căng thẳng chính trị trên toàn thế giới. Tuy nhiên, MobiFone trong năm vừa qua đã hoàn thành tốt chỉ tiêu doanh thu, đạt 1.958 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, có đóng góp tích cực đối với các ngành: giáo dục, du lịch, bán lẻ, dịch vụ… trong khu vực.
Giữa bối cảnh thị trường viễn thông bão hòa, Tổng công ty MobiFone đã không ngừng cố gắng, mở rộng quy mô kinh doanh, đem đến những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao phục vụ khách hàng. Trong đó, dịch vụ "Không gian mới" của MobiFone đã ghi nhận nhiều thành tích nổi bật, là bước đi đúng đắn giúp công ty tạo nên lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2023, MobiFone đã từng bước thành công chuyển mình từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số, giải pháp công nghệ thông tin. Nhà mạng tập trung nguồn lực hoàn thiện các hệ sinh thái thuộc 3 lĩnh vực chủ chốt: Chính phủ số, Xã hội số và Kinh tế số, góp phần gia tăng năng suất thị trường lao động, đóng góp đáng kể vào Ngân sách nhà nước.
Không giới hạn chỉ ở Việt Nam, các giải pháp số của MobiFone còn để lại nhiều ấn tượng tốt trên thị trường nước ngoài. Nổi bật trong số đó là nền tảng khóa học trực tuyến mở (MOOCs - Massive Open Online Courses) được Chính phủ Việt Nam lựa chọn để tặng Chính phủ Lào trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Lào nhằm hỗ trợ cán bộ viên chức và người dân Lào đến gần hơn với chuyển đổi số, tiếp thu thêm nhiều kiến thức chuyên ngành và kỹ năng. Nền tảng họp trực tuyến MEET bên cạnh đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh còn được Ban Tuyên giáo Trung ương sử dụng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt kết quả Hội nghị Trung ương 8, khoá 13, cho thấy bước phát triển đáng ghi nhận đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Để đạt được những thành công kể trên, MobiFone trong năm qua đã ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ để đổi mới, phát triển. Tổng công ty đầu tư mạnh mẽ để xây dựng trung tâm dữ liệu, phát triển hạ tầng số dựa trên các công nghệ: điện toán đám mây, nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data)… Trong đó, dự án Trung tâm Công nghệ cao MobiFone tại Hà Nội dự kiến sẽ trở thành trung tâm dữ liệu tập trung lớn nhất của MobiFone với quy mô 2.000 racks, đáp ứng được nhu cầu lưu trữ, quản lý và xử lý lượng thông tin khổng lồ trên môi trường kỹ thuật số.
Trong năm 2024, MobiFone dự kiến sẽ tiếp tục phát huy và tiếp nối những thành tựu đã đạt được vào 2023. Nhà mạng tập trung chuyển đổi số, từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, triển khai đấu giá băng tầng và thương mại hóa công nghệ 5G nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, khẳng định vị thế hàng đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Bình luận