Mới khai giảng, TP.HCM ghi nhận 5 trường học tiểu học có ổ dịch sởi

Duy Tính
Duy Tính
14/09/2024 12:49 GMT+7

Ngày 14.9, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, chỉ mới tuần đầu tiên của năm học 2024 - 2025, TP.HCM đã ghi nhận 5 trường học tiểu học có ổ dịch sởi (từ 2 ca trở lên) tại 4 quận, huyện.

Tuần qua, TP.HCM ghi nhận có 104 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng 12,7% so với trung bình 4 tuần trước (92 ca), trong đó có 98 ca bệnh sởi. Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần qua là 748 ca, trong đó có 581 ca bệnh sởi. Các quận, huyện có số ca mắc cao, gồm: H.Bình Chánh, Q.Bình Tân và H.Hóc Môn.

Sở Y tế TP.HCM nhận định sẽ có nhiều ổ dịch sởi mới sẽ tiếp tục xuất hiện tại trường học trong thời gian tới nếu chiến dịch tiêm vắc xin không kịp thời bao phủ cho các trường hợp trẻ chưa có miễn dịch.

Mới khai giảng, TP.HCM ghi nhận 5 trường học tiểu học có ổ dịch sởi- Ảnh 1.

TP.HCM đẩy mạnh tiêm vắc xin ngừa sởi cho trẻ từ 1 - 10 tuổi

ẢNH: DU YÊN

Trong 10 ngày đầu (từ ngày 31.8 đến hết ngày 9.9), chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi đã tiêm được cho 19.821 trẻ từ 1 - 5 tuổi (chiếm tỷ lệ 32,6%) và 5.260 trẻ từ 6 đến 10 tuổi (chiếm tỷ lệ 8,3%) trên tổng số trẻ thuộc diện phải tiêm. Như vậy, vẫn còn đến 70% trẻ từ 1 - 5 tuổi và gần như toàn bộ nhóm trẻ từ 6 - 10 tuổi (thuộc diện cần tiêm trong chiến dịch) chưa được tiêm chủng.

"Ước tính số trẻ thuộc diện cần tiêm trong chiến dịch khoảng 125.000 trẻ. Nhóm trẻ từ 1 - 5 tuổi cần tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin và hoàn thành trong tháng 9. TP.HCM cũng bắt đầu triển khai đồng loạt tiêm vắc xin cho trẻ từ 6 - 10 tuổi ngay từ tuần thứ 3 của tháng 9.2024. Hơn bao giờ hết, TP.HCM cần đẩy mạnh tiến độ thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn và phải cơ bản hoàn thành trong tháng 9 để giảm sự lây lan của bệnh và sớm kết thúc vụ dịch sởi", lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM thông tin.

Sở Y tế TP.HCM vận động mọi người dân hãy khẩn trương đưa trẻ chưa tiêm đủ mũi đi tiêm vắc xin sởi tại các trạm y tế, bệnh viện, trường học theo thông báo của y tế địa phương.

Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB-XH, quận, huyện và TP.Thủ Đức tích cực rà soát, lập danh sách trẻ 1 - 10 tuổi chưa tiêm đủ mũi thuộc diện quản lý, đang sống trên địa bàn để vận động đi tiêm chủng. Ưu tiên rà soát tại những khu vực biến động dân cư, khu nhà trọ, nơi cưu mang những trẻ lang thang cơ nhỡ… không để bỏ sót trẻ.

Thành lập 12 tổ phản ứng nhanh

Sở Y tế TP.HCM đã quyết định thành lập 12 tổ phản ứng nhanh theo khu vực địa bàn quận, huyện và TP.Thủ Đức. Đây là biện pháp cấp bách giúp giải quyết hiệu quả các ổ dịch sởi bùng phát tại trường học, nơi tập trung đông học sinh dễ có nguy cơ lây nhiễm cao.

Mỗi tổ sẽ có 2 - 3 thành viên từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và 1 thành viên từ các bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 hoặc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Nhiệm vụ của các tổ phản ứng nhanh sẽ thực hiện giám sát tình hình dịch bệnh, triển khai các hoạt động đáp ứng và theo dõi ổ dịch, đồng thời hướng dẫn trường học và trạm y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch sởi.

Ngày 27.8, TP.HCM công bố dịch sởi trên toàn địa bàn. 3 ngày sau công bố dịch thì TP.HCM triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi.

Theo tài liệu Hướng dẫn ứng phó dịch sởi (Measle Outbeak Guide) của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) xuất bản năm 2022, chiến dịch tiêm chủng chống dịch sởi lý tưởng phải được hoàn thành trong vòng 7 - 10 ngày sau khi sự bùng phát của dịch sởi được xác định. Ngay cả khi triển khai muộn nhưng đạt tiến độ nhanh thì tiêm chủng vẫn góp phần rút ngắn thời gian vụ dịch sởi, giảm số ca mắc và tử vong… và kết thúc hẳn 6 tuần sau đó. Do vậy, để kết thúc dịch sởi sau 6 tuần thì TP.HCM phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.