Mối lo thực từ 'giang hồ sống ảo': Vào cuộc ngay, nếu không sẽ quá muộn !

03/04/2019 08:15 GMT+7

Ở Việt Nam, những clip 'giang hồ sống ảo' gần như không có bất kỳ sự yêu cầu, quy định nào phải tuân theo. Vì vậy nó phát triển như 'nấm mọc sau mưa'.

Các chuyên gia có chung mối lo về vấn nạn "giang hồ sống ảo" đầu độc giới trẻ và yêu cầu các bộ, ngành cùng vào cuộc trước khi quá muộn.

[VIDEO] "Giang hồ sống ảo" Khá BảnH

Nói không với cái xấu

https://thanhnien.vn/toi-viet/ai-bien-kha-banh-thanh-ngoi-sao-giang-ho-song-ao-1066719.html
      TS tâm lý Phạm Mạnh Hà 
Mạng xã hội (MXH) đang là mảnh đất cho nhiều người khai thác để kiếm tiền bằng mọi cách kể cả tốt lẫn xấu. Facebook, YouTube đang là nơi nhiều giới, trong đó có cả giới giang hồ, tận dụng đem lại lợi nhuận về mặt tài chính. Giang hồ thì chẳng từ thủ đoạn nào để chiếm lĩnh được mảnh đất đó. Câu chuyện về “giang hồ mạng”, góc khuất thế giới ngầm bao giờ cũng đem lại sự hiếu kỳ, tò mò của người xem. Bản chất của Khá BảnH, H.H.H hay P.L... làm video, clip với mục đích câu like, câu view nhận được sự theo dõi của nhiều người là để kiếm được tiền.
Việc “giang hồ mạng” sử dụng MXH để thu hút người xem, thu lợi nhuận từ việc quảng cáo là hết sức bình thường, nhưng nội dung mà họ đăng tải là cả một câu chuyện lớn bởi đánh vào tâm lý của các bạn trẻ. Ban đầu, các bạn trẻ theo dõi chỉ là sự hiếu kỳ, tò mò nhưng về lâu dài trở thành định hướng về mặt hành vi, trở thành lối sống, xây dựng thang giá trị lệch chuẩn rất khủng khiếp. Đó là xã hội coi trọng giá trị tiền bạc, không coi trọng luân lý hay đạo đức hay pháp lý mà chỉ coi trọng sức mạnh một cách bản năng.
Tôi tin sau Khá BảnH sẽ còn có hàng chục thậm chí hàng trăm “giang hồ mạng” sẽ lao vào thị trường này để xâu xé lẫn nhau. Tạo ra lợi nhuận kiểu này là cực kỳ nguy hiểm. Theo chính sách của YouTube, nếu thấy clip, hình ảnh phản cảm gây ra phản ứng cho cộng đồng thì người dùng, người xem có thể report (báo cáo) cho tổ chức đó để đóng clip lại. Mỗi người thay vì tò mò xem, chúng ta bỏ qua hoặc lờ đi thì tự nhiên sẽ làm cái xấu không được nhân ra.
Ở nước ngoài, tất cả những clip nhạy cảm đều phải dán nhãn trẻ em bao nhiêu tuổi được xem, khi xem phải cân nhắc. Tất cả những thông tin đó giống như một thông điệp để giúp cho ai vào xem sẽ ý thức được rằng nên hay không nên. Còn ở VN, những clip “giang hồ mạng” gần như không có bất kỳ sự yêu cầu, quy định nào phải tuân theo. Vì vậy nó phát triển như “nấm mọc sau mưa”.
TS tâm lý Phạm Mạnh Hà, Học viện Thanh thiếu niên VN
"Giang hồ sống ảo", mối lo thực

Xây dựng gương tốt cho giới trẻ noi theo

     PGS-TS Trịnh Hòa Bình  
Trong bối cảnh không ít người trẻ cảm thấy nhàm chán trước các sân chơi văn hóa văn nghệ, thì những “chiêu trò” của các cá nhân thạo đời lập ra những fanpage với những hành vi lệch chuẩn, đối nghịch với trật tự của cả xã hội lại được họ tung hô. Khi đắm chìm sâu vào môi trường hung bạo, không gian lệch chuẩn thì tính cách cũng sẽ bị ảnh hưởng, chỉ cần có dịp sẽ bùng phát.
Để đẩy lùi những mặt tiêu cực từ MXH, ngoài tăng cường các biện pháp quản lý từ cơ quan chức năng, cần phải xây dựng những hình ảnh đẹp, tử tế, hiện tượng lành mạnh. Từ đó sẽ đẩy lùi được cái xấu.
Thực tế trong thời kỳ gần đây vắng bóng thần tượng của xã hội. Chúng ta đang rất cần hình mẫu. Chúng ta đang thiếu vắng hình mẫu cho thanh niên. Rõ ràng ở đây có câu chuyện khủng hoảng thần tượng.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Phó tổng thư ký Hội Xã hội học VN
[VIDEO] "Giang hồ sống ảo" là ai?

Cần quy định các chế tài cụ thể

    Ông Đặng Hoa Nam   
Sau vụ Lê Văn Luyện, ngay lập tức trên MXH xuất hiện Hội những người hâm mộ Lê Văn Luyện, Hội những người phát cuồng vì Lê Văn Luyện... do các học sinh tạo nên thu hút hàng nghìn lượt like. Thay vì lên án hành vi tàn bạo, máu lạnh của sát thủ Lê Văn Luyện, một bộ phận giới trẻ khi ấy lại tung hô Luyện như một “điển hình tiên tiến”. Sau đó, cơ quan CSĐT đã làm việc với các em học sinh và xóa bỏ trang fanpage này. Từ vụ Lê Văn Luyện, đến hiện tượng Khá BảnH có kênh YouTube 2 triệu người đăng ký theo dõi, trang cá nhân trên Facebook 600.000 người like cho thấy đây là một vấn đề rất nguy hiểm. Chúng ta cần có những nghiên cứu đánh giá tâm lý, suy nghĩ của giới trẻ nói chung và lứa tuổi trẻ em nói riêng để định hướng tốt về chuẩn mực, đạo đức xã hội.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp đấu tranh trên môi trường mạng, xây dựng những trang tin, những app (ứng dụng) để định hướng, tạo ra sân chơi thú vị, bổ ích, có tính giáo dục cho giới trẻ. Cần có những quy định về mặt pháp lý, chế tài cụ thể hơn nữa để đấu tranh, xử lý cả mặt hành chính lẫn hình sự đối với các doanh nghiệp, các cá nhân cố tình đưa thông tin tác động xấu đến giới trẻ, đến trẻ em. Bộ LĐ-TB-XH đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ TT-TT, Bộ Công an và các tổ chức phi chính phủ, thiết lập mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để triển khai các biện pháp khác nhau về mặt pháp lý, kỹ thuật, phát động các cuộc vận động để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Một trong những thách thức lớn nhất là loại bỏ những thông tin xấu độc. Những hành vi xâm hại trẻ em có thể xử lý ngay về mặt pháp luật, còn những thông tin xấu độc lan truyền nhanh nhưng mình lại chưa có chế tài, những biện pháp cụ thể.
Để theo kịp phát triển của MXH và công nghệ 4.0, pháp luật cần phải cụ thể nếu không sẽ bị muộn, lạc hậu so với các cá nhân, tổ chức tội phạm. Khi đó cái xấu sẽ lấn át cái tốt.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ LĐ-TB-XH
"Giang hồ sống ảo", mối lo thực

Cộng đồng, xã hội và cơ quan chức năng cùng vào cuộc

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Bộ TT-TT đã yêu cầu YouTube, Facebook gỡ các kênh/fanpage có nội dung dung tục, phản cảm, gây tác động xấu tới xã hội như: Khá BảnH, bà Yến chùa Ba Vàng... Trước đây, chúng ta yêu cầu gỡ các video có nội dung xấu, thì hiện tại yêu cầu các nền tảng MXH phải gỡ bỏ cả kênh/fanpage vi phạm các quy định, chuẩn mực đạo đức, sai sự thật... Mỗi kênh vi phạm có thể chứa tới hàng trăm, nghìn video. Tuy nhiên, việc hạ bỏ các video hay một kênh vi phạm không phải là giải pháp cho mọi vấn đề. Nếu không răn đe, cảnh báo, xử lý với những người tạo ra video/fanpage thì vấn đề vẫn tồn tại, vì chúng ta hạ bỏ kênh này, lập tức sẽ có một kênh khác ra đời.
Điển hình thành công cho sự chung tay của cả cộng đồng, xã hội và cơ quan chức năng trong việc xử lý những thông tin xấu trên MXH vừa qua là hiện tượng Khá BảnH hay “bà Yến chùa Vàng”. Với trường hợp “bà Yến chùa Vàng”, cùng với sự vào cuộc của Giáo hội Phật giáo và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, chúng ta có đầy đủ cơ sở để xử lý không chỉ sai phạm trên MXH mà còn xử lý hành chính với các vi phạm pháp luật. Hay như câu chuyện Khá BảnH, sự vào cuộc kịp thời của cơ quan công an rất quan trọng.
Trên thực tế, các nền tảng MXH xuyên biên giới được thiết kế để thu hút view, sẵn sàng chấp nhận các đề tài thậm chí là phản cảm. Tình trạng này phổ biến ở các nền tảng MXH nước ngoài, trong khi phản ứng và thái độ chấp hành của các nhà mạng này khi được yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ là trì hoãn và chậm xử lý. Trong một vài tháng tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc các bộ ngành khác tối ưu các chế tài để xử lý, ràng buộc trách nhiệm với các nền tảng MXH; thông qua các nhóm giải pháp kinh tế - kỹ thuật để buộc các nhà cung cấp nội dung nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp VN, thực hiện đầy đủ quy định không đăng tải các nội dung xấu, dung tục... và chịu trách nhiệm trước các vấn đề gây mất ổn định xã hội và ảnh hưởng tới người dùng VN.
Cục liên tục rà soát, yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ và không khuyến khích các video dung tục. Nhưng để những video này không tạo thành hiện tượng trên MXH, gây tác động xấu tới cộng đồng cần sự quan tâm của xã hội, mỗi người sử dụng MXH phải có trách nhiệm không đưa nội dung xấu cũng như report (báo cáo) các nội dung xấu trên MXH, để có một môi trường mạng lành mạnh, trong sạch.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.