"Khát" nước sạch
Gia đình ông Lê Văn Chắt (75 tuổi) gồm 5 thành viên sống trong căn nhà 2 tầng ở xóm Kim Chi, xã Nghi Ân. Không có nước máy để dùng, gia đình ông Chắt phải khoan giếng lấy nước ngầm sử dụng cho sinh hoạt và ăn uống. Nước giếng khoan nhìn khá trong, nhưng ông Chắt không biết những chất gì trong đó. Để an tâm hơn, ông Chắt phải mua 2 máy lọc nước, một máy lọc thô dùng để tắm rửa và một máy lọc nóng lạnh dùng để lấy nước ăn uống.
"Không biết chất lượng nước thế nào, chứ 3 tháng phải thay lõi lọc và chất bẩn bám dày vào lõi. Ống nước dẫn lên bồn chứa cũng bị dính chất bẩn có màu vàng. Mỗi tháng nhà tôi tốn gần 2 triệu đồng tiền điện, 2 máy lọc nước tiêu thụ nhiều điện", ông Chắt nói.
Ngay trước cổng nhà ông Chắt là hệ thống ống dẫn nước máy đã được lắp đặt xong từ cuối năm 2023. Người dân ở đây nghĩ sau khi hoàn thành dự án đường ống, nước máy sẽ vào nhà, nhưng đã nhiều tháng trôi qua, điều đó vẫn chưa thể thành hiện thực.
Ông Lê Văn Sáu (nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành y tế Nghệ An) ngụ cùng xóm với ông Chắt, cho hay hồi còn chiến tranh, Nghi Ân là vùng đất bị ném nhiều bom đạn. Ngày nay, người dân làm nghề trồng hoa cây cảnh phải sử dụng nhiều loại hóa chất, như thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng… Tồn dư của các chất hóa học này sẽ thẩm thấu vào nguồn nước ngầm, dù có lắng lọc cũng rất khó loại trừ được.
Để kiểm tra nguồn nước ngầm tại xóm, ông Sáu dùng bút thử TDS đo chỉ số nước ngầm của gia đình ông và 4 nhà khác trong xóm. Kết quả, mẫu nước của gia đình ông Sáu có chỉ số 258 mg/lít, 4 mẫu còn lại, có một mẫu 178 mg/lít, 3 mẫu từ 330 - 375 mg/lít. Theo ông Sáu, nước có chỉ số từ 0 - 170 mg/lít thì có thể sử dụng trong ăn uống, từ 170 - 300 mg/lít thì sử dụng sinh hoạt, còn từ 300 mg/lít trở lên thì không nên sử dụng.
Câu chuyện nước sạch do đó đã khiến ông Sáu đau đáu từ nhiều năm qua. Sau khi mua bút thử TDS để kiểm tra chỉ số tổng lượng chất rắn hòa tan trong nước ngầm, thấy chỉ số quá cao, ông Sáu đã phải đến nhà người thân ở xã Nghi Phú xin nước máy về dùng. 12 năm qua, ông đã phải làm như vậy.
Nghỉ hưu, ông Sáu được bầu làm Bí thư Chi bộ xóm Kim Chi và ông đã nhiều lần đề nghị xã và TP.Vinh lắp đường ống dẫn nước máy về cho người dân sử dụng vì rất cần thiết. Dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường ống cấp nước với kinh phí hơn 30 tỉ đồng đã được thực hiện và hoàn thiện vào đầu năm 2024. Đường ống được lắp đến tận cổng nhà 2.346 hộ dân của xã và được đấu nối với đường ống do Công ty CP Cấp nước Nghệ An quản lý. Người dân đã làm đơn đề nghị công ty này cấp nước sạch, nhưng từ đó đến nay chỉ mới có 42 hộ dân trong xã được cấp nước.
Ông Sáu cũng cho hay, bản thân ông đã dùng nhiều hình thức để "gây sức ép" cho Công ty CP Cấp nước Nghệ An để đơn vị này cấp nước cho dân, nhưng vẫn không hiệu quả. "Tôi nộp hồ sơ lên Công ty CP Cấp nước Nghệ An. Sau một thời gian dài không có hồi âm, tôi chủ động gọi điện lên công ty thì mới thấy có người về lắp đồng hồ để có nước máy dùng", ông Sáu nói. Đến thời điểm hiện tại, tại xóm Kim Chi mới chỉ có chưa đầy 10 gia đình được sử dụng nước.
Bất an với "nước bẩn"
Ông Trần Văn Phượng, Xóm trưởng xóm Trung Tâm (xã Nghi Ân), cho biết xóm này đã có hơn 100 hộ dân đăng ký, xóm đã lập hồ sơ gửi lên Công ty CP Cấp nước Nghệ An đề nghị đấu nối công tơ để cấp nước cho người dân. Tuy nhiên, đến nay chưa có hộ dân nào trong xóm được đấu nối để sử dụng nước máy. "Nhà tôi lâu nay cũng phải dùng nước giếng bơm, nhìn có vẻ trong nhưng không hề an tâm. Tôi phải sử dụng 2 lần lọc qua máy mà vẫn lo lắng cho sức khỏe", ông Phượng cho hay.
Mới đây, UBND xã Nghi Ân đã có văn bản báo cáo tiến độ hợp đồng cấp nước cho các hộ dân lên UBND TP.Vinh. Theo đó, UBND xã Nghi Ân khẳng định nhu cầu cần cấp nước sạch đang rất bức thiết và người dân đã kiến nghị nhiều lần. Ông Chu Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Nghi Ân, cho biết hồi tháng 3, ông đã làm việc trực tiếp với ban giám đốc nhà máy nước, sau đó có 42 hộ dân được cấp nước, trong khi số lượng đăng ký hơn 1.300 hộ. Ngày 29.5, UBND xã Nghi Ân tiếp tục có buổi làm việc với Công ty CP Cấp nước Nghệ An. Tại cuộc họp này, đại diện công ty cam kết đến hết tháng 12.2024 sẽ lắp đặt cấp nước cho 1.420 hộ dân (khoảng 60% tổng số hộ dân của xã). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có hộ dân nào được lắp đặt thêm. Trong văn bản "cầu cứu", UBND xã Nghi Ân đề nghị UBND TP.Vinh có biện pháp để người dân sớm có nguồn nước sạch để ăn uống, sinh hoạt, hạn chế thấp nhất người mắc bệnh vì phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Ông Nguyễn Việt Đức, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Vinh, cho biết UBND TP.Vinh đã nhiều lần làm việc với Công ty CP cấp nước Nghệ An, đề nghị công ty cung cấp nước máy cho người dân sử dụng. Công ty này cũng hứa sẽ thực hiện, nhưng vẫn tiến độ triển khai rất ì ạch. Ông Đức cho hay, sắp tới UBND TP.Vinh sẽ tiếp tục làm việc với công ty này để tìm giải pháp tháo gỡ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ tại xã Nghi Ân, từ nhiều tháng qua, nhiều hộ dân ở các phường, xã khác của TP.Vinh xây dựng nhà đã đến Công ty CP Cấp nước Nghệ An nộp hồ sơ đề nghị được cấp nước máy nhưng vẫn không được đáp ứng. Mới đây, trả lời báo chí, một lãnh đạo của công ty cho biết do công suất các nhà máy nước cung cấp nước cho TP.Vinh và vùng phụ cận hiện không còn đáp ứng được nhu cầu nên tạm thời phải ngưng hợp đồng mới. Vị này cũng cho hay công ty đang làm thủ tục xây dựng thêm nhà máy cấp nước để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng thời điểm hoàn thành nhà máy thì vẫn chưa được xác định.
Bình luận (0)