Chùa Ông nằm trên đường Trần Phú xây dựng từ thế kỷ 17 là một trong những điểm đến nổi tiếng ở phố cổ Hội An. Chùa có kiến trúc độc đáo, chủ yếu bằng các các loại gỗ quý nhưng theo ông Lê Huyễn (85 tuổi, thủ từ Chùa Ông), trải qua thời gian, chiến tranh và thiên tai bão lũ, nhiều cấu kiện gỗ bị mục nát, xuống cấp. Năm 1995, người dân đóng góp kinh phí trùng tu. Nhưng cũng do được làm bằng gỗ nên nhiều hạng mục công trình đang bị mối mọt ăn hại nghiêm trọng. “Mối chủ yếu nằm dưới lòng đất, xâm nhập các cột gỗ, cửa gỗ rồi đục ăn sâu bên trong nên rất khó phát hiện. Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã đến kiểm tra và hỗ trợ gắn thiết bị đặt nhử mối mọt tại Chùa Ông để xử lý”, ông Huyễn cho hay.
Tương tự, ngôi nhà ở số 23 Tiểu La (P.Minh An, TP.Hội An) là nơi vợ chồng bà Trần Thị Ong cùng 3 người con đang ở, được xếp hạng di tích loại 4, thuộc quần thể di tích trong khu phố cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Nhưng sau hàng chục năm hứng chịu thiên tai và sự bào mòn của thời gian, nhất là mối mọt tấn công mà không có biện pháp xử lý triệt để, ngôi nhà cũng xuống cấp nhanh. Theo bà Ong, không riêng nhà bà mà còn có hàng trăm ngôi nhà cổ khác cũng phải chịu đựng lũ lụt hằng năm, từ đó bị ẩm mốc và là điều kiện thuận lợi cho mối mọt sinh trưởng nhanh. “Chủ ngôi nhà cổ số 85 Nguyễn Thái Học cũng đang phải chống đỡ từ trong ra ngoài. Nếu không có biện pháp trị mối mọt cũng như tu sửa thường xuyên, nguy cơ nhiều di tích sẽ bị xóa sổ”, bà Ong ngậm ngùi nói.
|
Theo báo cáo của Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, qua khảo sát đầu năm 2021, hiện có khoảng 260 di tích ở phố cổ Hội An bị mối mọt xâm hại nghiêm trọng, gây mất mỹ quan di tích, trong đó có cả Chùa Cầu - biểu tượng của di sản văn hóa thế giới.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết biến đổi khí hậu làm gia tăng lượng mưa càng gây thêm ẩm mốc đối với các di tích gỗ. Riêng trong tháng 9 và tháng 10.2020, phố cổ Hội An phải “gồng mình” gánh chịu đến 8 cơn lũ lụt và mối xuất hiện dày đặc hơn. Theo ông Ngọc, khoảng 15 năm trước, do phương pháp, công nghệ xử lý mối mọt chưa đáp ứng nên chưa có đủ điều kiện để áp dụng tại phố cổ Hội An, chỉ ưu tiên tập trung trùng tu, tu bổ. “Mối ở dưới đất lên và trong gỗ ra. Hiện nay, phố cổ Hội An có hơn 1.000 di tích kiến trúc gỗ, cứ như có một ổ mối “siêu to, siêu khổng lồ” trong đó. Mối mọt là một trong những nguy cơ gây xuống cấp nhanh một cách thường trực, mang tính thách thức”, ông Ngọc nói.
|
Theo ông Ngọc, không thể lập đề án chống mối xong là có thể bảo vệ di tích mãi mãi, do con mối thường xuyên hiện diện. Nếu dự án quy mô lớn, có thể duy trì bảo vệ được vài năm, nhưng sau đó phải duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Các di tích bị dột sẽ khiến nhà trở nên ẩm thấp, là nguyên nhân chính khiến mối tấn công nhanh. “Chúng tôi đã lập một dự án chống mối mọt cho toàn bộ phố cổ Hội An hơn 1.000 di tích với tổng kinh phí khoảng 5 tỉ đồng. Trong kỳ họp HĐND TP.Hội An vào ngày 10.3 sắp tới, chúng tôi sẽ trình dự án để HĐND TP thông qua và thực hiện trong năm nay, góp phần bảo vệ di sản văn hóa Hội An”, ông Ngọc chia sẻ.
Trùng tu Chùa Cầu trong tháng 3
Đối với di tích Chùa Cầu (Hội An), UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản trình HĐND tỉnh đề nghị bổ sung vào danh mục đầu tư để tiến hành trùng tu trong tháng 3.2021. Nguồn kinh phí tu bổ gần 20 tỉ đồng, gồm 50% của tỉnh và 50% của TP.Hội An. Theo Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc, trước mùa mưa bão năm 2020, cơ quan quản lý đã phải dùng các thanh gỗ để chống đỡ tạm, bảo vệ di tích đặc biệt Chùa Cầu. “Hiện nay Chùa Cầu cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể chậm trễ trong việc trùng tu”, ông Ngọc nói.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã cho kê giá gỗ, chống đỡ tạm thời bên dưới gầm Chùa Cầu. Các mấu nối của di tích cũng bị hở, nứt; một số dầm cầu bị mục, các dầm bằng thép đã hoen gỉ, đứt gãy; nhiều cột, kèo bị hư hỏng, mục rỗng do mối mọt tấn công…
|
Bình luận (0)