Đó là nội dung trong thông tư quy định thời gian làm việc, giờ chuẩn giảng dạy và định mức giờ chuẩn giảng dạy đối với giảng viên trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ vừa ban hành. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15.6.
Theo đó, thời gian làm việc của giảng viên thực hiện theo chế độ là 40 giờ/tuần. Tổng thời gian làm việc của giảng viên trong một năm (để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập, bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác) là 1.760 giờ sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định.
Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được tính bằng giờ chuẩn giảng dạy. Một giờ chuẩn được tính bằng một tiết (45 phút) giảng bài, thảo luận trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy từ xa).
Khung định mức giờ chuẩn giảng dạy trong một năm đối với giảng viên tập sự là tối đa 90, với giảng viên là 270, giảng viên chính là 290 và giảng viên cao cấp là 310.
Theo đó, một tiết giảng bài, thảo luận trên lớp được tính 1 giờ chuẩn, một tiết hướng dẫn giải quyết bài tập tình huống được tính từ 2-2,5 giờ chuẩn, một tiết hướng dẫn thực hành trên lớp hoặc giảng dạy báo cáo chuyên đề được tính từ 1,5-2 giờ chuẩn.
Giảng viên hướng dẫn một học viên viết khóa luận tốt nghiệp được tính từ 8-10 giờ chuẩn, hướng dẫn một học viên viết thu hoạch, tiểu luận, đề án được tính từ 3-5 giờ chuẩn và hướng dẫn, đưa học viên đi nghiên cứu thực tế 1 ngày làm việc được tính từ 3-4 giờ chuẩn.
Trong khi đó, tại Thông tư 20 (năm 2020) của Bộ GD-ĐT, một giờ chuẩn giảng dạy được tính là một tiết giảng lý thuyết trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy trực tuyến) 50 phút. Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 200-350. Trong đó, giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy trực tuyến) phải đảm bảo tối thiểu 50% định mức quy định.
Bình luận (0)