Ngày 12.11, tại hội nghị quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích do Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) tổ chức ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết theo thống kê của ngành y, trong 10 năm qua, các chính sách can thiệp phòng chống tai nạn thương tích đã góp phần giảm 20% số người tử vong do tai nạn thương tích tại Việt Nam.
Tuy nhiên, mỗi ngày tại Việt Nam vẫn có 3.600 người gặp tai nạn thương tích, trong đó 90 người tử vong. Với người dưới 19 tuổi, đuối nước là nguyên nhân tử vong chủ yếu, với hơn 3.000 người chết mỗi năm. Trong các tai nạn, giao thông và đuối nước là nguyên nhân hàng đầu.
Tại hội nghị, bà Anuradha Khanai, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu GHAI (Mỹ), cho biết đã hỗ trợ Chính phủ VN triển khai một dự án can thiệp để phòng, chống đuối nước trẻ em tại 103 xã của 21 huyện ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng, là các địa phương có nhiều trẻ em tử vong do đuối nước.
Dự án đã phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH và chính quyền địa phương đào tạo hơn 550 giáo viên dạy bơi. Đến cuối năm 2019, có trên 16.000 trẻ được đào tạo về kỹ năng an toàn trong môi trường nước, thay vì chỉ dạy bơi thông thường.
Bình luận (0)