Dạo gần đây, tại các nhóm Telegram các video clip này được quản lý các nhóm cho biết được hack từ camera nhà riêng và rao bán với nhiều mức giá khác nhau. Để đăng kí vào Nhóm Vip để xem các video clip nhạy cảm, người tham gia phải đóng mức phí chỉ vài trăm nghìn.
Phạt tù lên đến 15 năm
Theo luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), hiện nay việc kinh doanh các thiết bị camera an ninh còn nhiều bất cập, lỏng lẻo. Dẫn đến việc một số thành phần lợi dụng việc cung cấp, lắp đặt camera an ninh hoặc các hacker đã xâm nhập hệ thống thu thập các hình ảnh, video clip nhạy cảm và tống tiền hoặc rao bán công khai trên mạng. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân và gây ra nhiều hệ lụy khác cho xã hội.
LS Tuấn cho biết, căn cứ khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27.1.2022, hành vi rao bán dữ liệu camera nêu trên có thể bị phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng, buộc hủy bỏ các thông tin trái phép.
Trong trường hợp sử dụng hình ảnh không đúng sự thật nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội đã vi phạm về hành vi “thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” theo điểm e, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền theo quy định này từ 10 - 20 triệu đồng.
Những video clip nhạy cảm được đăng hack từ camera nhà riêng đăng trong hội nhóm trên Telegram |
CHỤP MÀN HÌNH |
Về trách nhiệm hình sự, theo LS Tuấn, người rao bán dữ liệu camera có thể phạm tội “xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác’’ theo Điều 289 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành, với mức phạt tiền từ 50 triệu đồng - 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 12 năm.
Trong trường hợp rao bán video clip nhạy cảm trên mạng xã hội, có dấu hiệu tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo Điều 326 BLHS. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 15 năm.
Còn nhiều bất cập trong việc xử lý đối tượng vi phạm
Theo LS Hà Hải (Đoàn LS TP.HCM), trường hợp người dân nghi ngờ hoặc phát hiện người khác có hành vi hack camera tại nhà riêng, có thể tố cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, gỡ đi những thông tin bị lan truyền. Đồng thời truy tìm người xâm nhập camera.
LS Hải cũng cho biết, mặc dù hậu quả của hành vi hack camera rao bán clip nhạy cảm để lại cho nạn nhân rất nặng nề. Hiện nay đã có các chế tài xử lý hành vi này. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa ghi nhận việc các đối tượng vi phạm bị điều tra, khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử trước pháp luật. Bởi vì, theo LS Hải, đối tượng phạm tội bằng cách sử dụng mạng máy tính, internet, mạng viễn thông hoặc thiết bị số làm công cụ để tham gia trực tiếp vào quá trình phạm tội. Đối tượng phạm tội không trực tiếp tiếp xúc với người bị hại nên việc truy tìm, nhận diện đối tượng phạm tội vô cùng khó khăn.
“Mặc khác, người bị xâm phạm chưa có đầy đủ kiến thức pháp luật, cách xử lý để ngăn chặn hành vi vi phạm và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, trong quá trình điều tra và giải quyết thì người bị xâm phạm bị tác động từ các yếu tố khác như: e ngại thông tin bị tiết lộ ra bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hoặc chấp nhận thiệt hại để sự việc được lắng xuống. Do đó, họ thường không quyết liệt yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết và bảo vệ bản thân mình”, LS Hải thông tin.
Việc xử lý các đối tượng hack camera trái phép còn gặp nhiều vướng mắc |
ẢNH MINH HOẠ |
LS Hải còn cho biết thêm, theo Thông tư 08/2019/TT-BVHTTDL quy định về quy trình giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa thì trước hết cần phải có kết luận của giám định viên tư pháp về văn hóa, xem những clip được đăng tải lên mạng có phải là văn hóa phẩm đồi trụy hay không. Đồng thời, cơ quan chức năng phải xác định số clip đó đã phổ biến cho bao nhiêu người. Việc xác định đối tượng xâm nhập và phát tán clip nhạy cảm mất nhiều thời gian.
Hiện nay, pháp luật đã có những quy định pháp lý về việc quản lý, mua bán camera an ninh là điều kiện để được kinh doanh các thiết bị ghi âm, ghi hình như Nghị định 66/2017/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, theo LS Hải các nghị định cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định các chế tài đối với những hành vi mua bán camera không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật, không đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, quy định yêu cầu lưu trữ thông tin của người bán, người mua và người lắp đặt camera sẽ hỗ trợ truy vết tội phạm.
Bình luận (0)