Mối nhân duyên kỳ lạ của người nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu

Quý Hiên
Quý Hiên
23/01/2023 14:15 GMT+7

Trong lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022, Giáo sư Ngô Việt Trung nói: bác Tạ Quang Bửu đã thay đổi cuộc đời tôi. Đằng sau phát biểu này là mối nhân duyên kỳ lạ giữa ông với nhà khoa học được đặt tên cho giải thưởng.

Xét cộng đồng toán học trong nước, Giáo sư (GS) Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, là một trong những nhà toán học xuất sắc nhất. Ông từng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017. Tuy nhiên, với chính GS Ngô Việt Trung, ông xem việc mình được Giải thưởng Tạ Quang Bửu là một phần thưởng mà số phận trao tặng cho mình, bởi những lý do cá nhân.

Giáo sư Ngô Việt Trung phát biểu tại lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022

Thanh Hùng

Những kỷ niệm về Giáo sư Tạ Quang Bửu

Trong lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022, GS Ngô Việt Trung cũng đã chia sẻ một trong những lý do đó: “GS Tạ Quang Bửu, người mà tôi vẫn gọi là bác Tạ Quang Bửu, là người đã thay đổi cuộc đời tôi. Ít người biết là tôi bị liệt và phải đi nạng thời còn học phổ thông, tôi thi đại học (ĐH) đủ điểm để đi du học nước ngoài nhưng không được nước nào nhận vì lý do sức khỏe. Bác Tạ Quang Bửu đã can thiệp trực tiếp để tôi được sang Cộng hòa Liên bang Đức học và điều trị, để tôi có thể đi lại được gần như bình thường như ngày nay. Giải thưởng này tôi xin kính dâng hương hồn của GS Tạ Quang Bửu”.

Theo GS Ngô Việt Trung, ông bị bại liệt từ năm 3 tuổi, không đủ điều kiện sức khỏe để học ĐH ở bất kỳ nước nào. Nhưng GS Tạ Quang Bửu (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục) đã chỉ đạo vẫn triệu tập học sinh Ngô Việt Trung dự kỳ thi tuyển chọn lưu học sinh đi học ĐH ở nước ngoài (được tổ chức cùng mùa hè năm 1969). “Chúng tôi được gọi tập trung thi tuyển lưu học sinh đợt đầu tiên ở Trường ĐH Bách khoa, và được nghe bác Bửu huấn thị trước khi thi ngay tại cổng parabol. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy bác Bửu. Trông bác rất giản dị không khác gì những ông cán bộ xã ở quê ngoại của tôi. Bác Bửu là người trực tiếp ra đề toán nên các bài đều khó vì có nguồn gốc từ toán cao cấp. Tôi đạt điểm tối đa, trong khi phần lớn thí sinh bị điểm dưới trung bình”, GS Trung hồi tưởng.

Sau đó, có phái đoàn của Bộ Giáo dục Đông Đức sang thăm Việt Nam. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã đề nghị họ nhận Ngô Việt Trung sang học như một trường hợp đặc biệt. Sang Đức, ông được phân công học kỹ thuật thông tin vì Đức không nhận đào tạo toán cho lưu học sinh Việt Nam năm đó. Hết năm học tiếng Đức thì bác Bửu lại can thiệp cho Ngô Việt Trung chuyển sang học toán. Đây chính là cột mốc quan trọng để tạo nên một nhà toán học Ngô Việt Trung sau này.

Rồi cũng nhờ sự đề nghị của Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, lưu học sinh Ngô Việt Trung đã được mổ chỉnh hình bên chân bị liệt, nên từ sau năm 1970 đến giờ ông có thể đi lại gần như bình thường. “Rất nhiều năm sau tôi mới biết tất cả những chuyện này. Nhiều người thời sau nhầm tưởng là gia đình tôi có mối quan hệ đặc biệt nào đó nên mới được bác Bửu giúp đỡ như vậy, nhưng kỳ thực là hoàn toàn không có chuyện đó. Bác Bửu để ý tới tôi vì tôi đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi toán miền Bắc. Không riêng tôi, học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn của các năm khác dưới thời bác làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục đều được bác quan tâm giúp đỡ”, GS Ngô Việt Trung chia sẻ.

Giáo sư Ngô Việt Trung và Giáo sư David Eisenbud (khi đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu toán Berkeley kiêm Chủ tịch Hội Toán học Mỹ) tại một hội nghị quốc tế ở Viện Toán Oberwolfach (Đức) năm 2005

NVCC

“Tôi may mắn vì được nghề mình thích chọn mình”

GS Ngô Việt Trung quê gốc Quảng Nam, là con trai của nhà ngoại giao, cố Đại sứ Ngô Điền. Những năm đầu tiểu học, GS Trung sống cùng bác ở quê ngoại (Nam Hà), về sau mới lên Hà Nội sống ở “trại” dành cho con em cán bộ ngoại giao đang công tác ở nước ngoài. Bác của ông vốn là một giáo viên tiểu học nên quan tâm tìm sách cho con cháu đọc. Nhờ thế mà ông có thói quen đọc sách, thói quen tự học. Nhờ có thói quen đọc kỹ sách giáo khoa nên ông thấy việc học rất dễ dàng, đặc biệt là môn toán.

GS Ngô Việt Trung là một trong 2 nhà khoa học được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022. Đây là giải thưởng của Bộ Khoa học - Công nghệ, được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển. Giải thưởng được giới khoa học trong nước đánh giá cao, vì hội đồng xét giải thưởng làm việc rất nghiêm ngặt, chỉ trao giải thưởng khi thấy có công trình xứng đáng.

Công trình mà GS Ngô Việt Trung được trao giải thưởng là “Hàm độ sâu của lũy thừa hình thức Idean thuần nhất”, đăng trên tạp chí Inventiones Mathematicae 218 (2019), một trong 3 tạp chí toán học đỉnh cao của thế giới. Đồng tác giả với GS Ngô Việt Trung là TS Ngô Đăng Hợp, một nhà toán học trẻ của Viện Toán học Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một công trình thực hiện tại Việt Nam được đăng trên tạp chí này.

Toàn bộ số tiền của giải thưởng (200 triệu đồng), GS Ngô Việt Trung đã tặng lại tạp chí Pi, một tạp chí toán dành cho học sinh - sinh viên mà GS Ngô Bảo Châu sáng lập.

Nhưng ông chỉ thật sự thích toán từ khi vào học lớp chuyên toán ở cấp 3 của Hà Nội (khi đó được đặt ở trường phổ thông 3 B1, nay là Trường THPT Việt Đức). Sở dĩ ông được vào chuyên toán là nhờ “vô tình” được cử đi thi học sinh giỏi toán hồi năm lớp 7 (hồi đó là năm cuối cấp 2, tức là cấp THCS). “Khi vào học chuyên toán ở cấp 3, tôi mua được các cuốn Giải toán như thế nào và Toán học và những suy luận có lý của nhà toán học Hungary Polya do Hoàng Chúng, Lê Đình Phi và Nguyễn Hữu Chương dịch. Đó là những cuốn sách toán học đầu tiên của tôi. Đọc các cuốn sách này tôi mới ngộ ra toán học rất đẹp và kỳ lạ, có thể nhìn một bài toán bằng nhiều cách hoàn toàn khác nhau. Sau này, mỗi khi giải các bài toán tôi luôn cố gắng tìm cách giải đẹp nhất. Cái đó rất hữu ích khi làm nghiên cứu vì chỉ khi mình phát hiện ra bản chất vấn đề thì mới có lời giải đẹp. Trong toán học thì nêu ra được bản chất vấn đề quan trọng hơn là giải được bài toán”, GS Ngô Việt Trung chia sẻ.

Cũng nhờ đỗ vào chuyên toán mà GS Ngô Việt Trung được học với nhà giáo Đặng Trần Thái, người mà GS Trung cho rằng đã ảnh hưởng rất lớn tới ông trong việc làm toán sau này. “Cách dạy của thầy ảnh hưởng rất lớn đến kỹ năng giải toán của lớp tôi (tư duy khúc chiết hơn). Sau này, các đồng nghiệp thường khen tôi là hay có cách tiếp cận vấn đề độc đáo và dễ hiểu, chẳng qua là vì tôi luôn luôn tìm cách chứng minh đơn giản và trình bày rõ ràng nhất như thầy dạy ngày xưa”, GS Trung kể.

Một may mắn khác mà GS Trung tự nhận thấy số phận dành cho mình, là sau khi học tập ở nước ngoài trở về nước thì ông được phân công về Viện Toán học Việt Nam công tác, và làm việc ở đó cho đến nay. Theo ông, không có môi trường học thuật của Viện Toán thì ông khó lòng đạt được những thành tựu như công trình được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu. “Tôi may mắn được làm việc với GS Lê Văn Thiêm và GS Hoàng Tụy, những nhân cách trí thức lớn đã xây dựng Viện Toán theo các chuẩn mực quốc tế để chúng tôi noi theo”, GS Trung nói.

Điểm lại về sự nghiệp làm toán của mình, GS Trung chia sẻ ngắn gọn: “Tôi may mắn vì được nghề mình thích chọn mình”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.