Mối quan hệ đặc biệt chưa được tiết lộ giữa Dư Hoa và Mạc Ngôn

Tuấn Duy
Tuấn Duy
16/01/2024 14:06 GMT+7

Đều thuộc thế hệ nhà văn tiên phong của Trung Quốc những năm 1990, ít ai biết Dư Hoa và Mạc Ngôn cùng có với nhau những mối tiếp xúc tương đối gần gũi.

Dư Hoa sinh năm 1960, bắt đầu bước vào văn đàn từ những năm 1980 với nhiều tác phẩm mới mẻ, ấn tượng và mang tính bước ngoặt. Có thể kể đến như: Gào thét trong mưa bụi (1992), Sống (1993), Chuyện Hứa Tam Quan bán máu (2003), Huynh đệ (2005)…

Mạc Ngôn và Dư Hoa xuất hiện trong một chương trình truyền hình thực tế. Ảnh Huacheng

Mạc Ngôn và Dư Hoa xuất hiện trong một chương trình truyền hình thực tế

Huacheng

Trong khi đó Mạc Ngôn đã trở thành nhà văn có quốc tịch Trung Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel Văn chương vào năm 2012. Trong các tác phẩm của mình, vùng nông thôn Cao Mật hiện lên vô cùng ấn tượng.

Không chỉ có điểm chung khi đều có tác phẩm được đạo diễn danh tiếng Trương Nghệ Mưu chuyển thể, họ cũng nằm trong số những tiếng nói hàng đầu của phong trào văn học tiên phong Trung Quốc, cùng với Tàn Tuyết, Tô Đồng, Mã Nguyên…

Tuy vậy, gần gũi nhất với Dư Hoa vẫn là Mạc Ngôn. Trong số mới nhất của tạp chí The Paris Review - số mùa đông 2023, tác giả Huynh đệ đã chia sẻ lại khoảng thời gian học đại học của mình.

Ông kể bản thân từng ở chung phòng với Mạc Ngôn trong vòng 2 năm. Ở thời điểm đó, việc học không được xem trọng, nên các sinh viên thường chơi mạt chược bởi bài tập ở trường rất ít mà về cơ bản là không có. Dư Hoa cũng tiết lộ khi học được 2 năm, Mạc Ngôn quay lại Cao Mật (Sơn Đông) để xây nhà. Dẫu vậy, khi quay trở lại cũng không ai chú ý sự vắng mặt ấy.

Dư Hoa cũng chia sẻ thêm về trải nghiệm ở chung phòng với Mạc Ngôn. Ông nói khi mình đang viết Gào thét trong mưa bụi cũng là lúc Mạc Ngôn viết Tửu quốc. Tuy vậy “chúng tôi hiếm khi trao đổi hay bàn luận về tác phẩm còn đang dở dang của nhau”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi làm việc cạnh nhau trên 2 chiếc bàn nằm ở đối diện cùng một mặt tường. Lúc đầu, chỉ có một chiếc tủ trong phòng để phân chia không gian riêng giữa hai người thôi, sau đó anh ấy phát hiện ra ở đâu đó một cái tủ khác, vậy là chúng tôi chia đôi căn phòng gần như hoàn toàn”.

Điểm hài hước khác cũng được Dư Hoa kể lại là khi cả 2 nhà văn cùng nghĩ bâng quơ trong lúc sáng tác và rồi bắt gặp ánh mắt của nhau. Ông kể: “Có một khoảng trống giữa hai chiếc tủ, khi tôi nhìn qua cái khe hẹp ấy thì chính anh ấy cũng đang nhìn tôi. Tôi lập tức nói: ‘Anh đang làm tôi phân tâm’. Mạc Ngôn cũng liền đáp lại: ‘Chính anh cũng khiến tôi không tập trung’”.

Kết quả của sự việc ấy là Mạc Ngôn tìm thấy một cuốn lịch cũ có ảnh các diễn viên nổi tiếng để lấp khoảng trống ấy lại. Nhưng thói quen nhịp chân khi viết của nhà văn đến từ Cao Mật vẫn luôn ở đó, không thể thay đổi. Dư Hoa gọi đùa một cách hài hước đó là “thói quen khủng khiếp” khi người sáng tạo chìm vào việc viết.

Tác phẩm của 2 nhà văn viết trong lúc sống cùng nhau. Ảnh NXB (1)

Tác phẩm của 2 nhà văn viết trong lúc sống cùng nhau

NXB

Sau này, khi tham gia vào chương trình viết văn ở Iowa (Mỹ) năm 2003, Dư Hoa một lần nữa gặp lại Mạc Ngôn. Nhà văn chia sẻ, ở Iowa, “cuộc sống hằng ngày chỉ là... ăn uống”. Ông cũng nói thêm khi tác giả Lồng đèn đỏ treo cao - Tô Đồng quyết định sẽ chuyển đến đó để viết mỗi ngày một truyện ngắn, dần dần ông ấy đâm ra thành kẻ nghiện rượu. Mạc Ngôn cũng thế.

Có lẽ với sự tiếp xúc lâu dài và thân thuộc như vậy nên Dư Hoa cũng dành những lời ngưỡng mộ cho bậc đàn anh. Ông nói: “Nếu Mạc Ngôn, Tàn Tuyết và Mã Nguyên không đến trước tôi, và nếu không có Tô Đồng hay Cách Phi ngang hàng, tôi có lẽ đã không thể xuất bản được nhiều. Tôi có cảm giác như mình đang chiến đấu trong một trận chiến đơn độc chống lại giáo điều, nhưng khi đọc tác phẩm của họ, tôi biết mình có những đồng đội trong tay. Cùng nhau, chúng tôi đã thu hút được sự chú ý của cả thế giới văn chương”.

Mới đây, bộ 3 tác phẩm gồm Sống, Chuyện Hứa Tam Quan bán máuNgày thứ bảy đã được Nhã Nam mua thành công bản quyền, chuẩn bị chuyển ngữ và giới thiệu rộng rãi thêm một lần nữa với độc giả Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.