Nhà văn Mạc Ngôn 'gây sốt' khi chơi mạng xã hội

Phương Phương
Phương Phương
11/08/2021 17:00 GMT+7

Nhiều người trẻ Trung Quốc bày tỏ thích thú khi biết nhà văn từng đoạt giải Nobel Mạc Ngôn vừa mở tài khoản WeChat để giao lưu với bạn đọc, theo Global Times .

Nhà văn nổi tiếng Mạc Ngôn lập tài khoản WeChat công khai có tên Mo Yan (đây là tên tiếng Anh của ông) vào hôm 9.8. Trong bài đăng đầu tiên trên mạng xã hội, tác giả từng đoạt giải Nobel Văn chương chia sẻ bài báo có tựa đề Tại sao lại gọi tôi là Mạc Ngôn được xuất bản ngày 2.8. 
Giải thích lý do bất ngờ chơi mạng xã hội, Mạc Ngôn cho biết muốn thông qua nền tảng này để trò chuyện và kết nối với độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ. "Tôi hy vọng có thể tạo mối quan hệ gần gũi và tương tác với các bạn. Nếu có bất kỳ ý tưởng hay nào, bạn hãy liên hệ với tôi nhé", nhà văn Trung Quốc nói trong một đoạn video. 
Bên cạnh đó, Mạc Ngôn sẽ dùng tài khoản WeChat để chia sẻ quan điểm và ý tưởng viết lách, đồng thời giới thiệu đến người đọc những thông tin mới về tác phẩm của mình. Vào mỗi thứ hai hằng tuần, tiểu thuyết gia dự định cập nhật lên trang cá nhân một bài viết và một đoạn audio ông tự thu âm. 

Nhiều độc giả ủng hộ việc nhà văn Mạc Ngôn lập tài khoản mạng xã hội

ẢNH: CFP

Cũng trong video trên, Mạc Ngôn khẳng định niềm đam mê lớn nhất ở hiện tại vẫn là viết tiểu thuyết nên ông chưa có ý định từ giã sự nghiệp sáng tác. "Cha đẻ" tác phẩm Cao lương đỏ còn trả lời một số câu hỏi từ người hâm mộ, trong đó ông tiết lộ gần đây đã xem một bộ phim truyền hình Trung Quốc
Chỉ sau một ngày thành lập, trang cá nhân Mo Yan của Mạc Ngôn thu về hơn 100.000 lượt xem. Bên dưới bài đăng của ông, nhiều độc giả để lại bình luận tích cực. "Theo dõi tài khoản này là quyết định đúng đắn", một người dùng viết. Một cư dân mạng khác thì nhận xét hài hước: "Sau khi xem trang của Mạc Ngôn, tôi thấy mình đang tiến gần đến giải Nobel Văn chương rồi". 
Mạc Ngôn sinh năm 1955 ở Trung Quốc. Năm 2012, ông được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn chương. Nhiều sáng tác của Mạc Ngôn đã được dịch sang tiếng Việt như Sống đọa thác đày, Cao lương đỏ, Ếch… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.