Thời gian qua, một nam ca sĩ liên tục livestream (phát trực tiếp) trên Facebook cá nhân. Trong những lần trò chuyện trực tiếp, anh này không ngại chửi bới với ngôn từ thậm tệ khi nhắc đến tên một số ca sĩ, người mẫu trong làng giải trí Việt. Không chỉ vậy, nếu người xem nào “tỏ thái độ” với nam ca sĩ, anh cũng không tiếc lời nhiếc móc, chửi rủa. Ngay trong khoảng thời gian ồn ào đó, nam ca sĩ này tung MV khiến nhiều người bất ngờ vì đã lâu anh chưa có sản phẩm âm nhạc mới. Nhưng cũng chính vì vậy, không ít người đặt dấu hỏi xung quanh những gì đã diễn ra trên trang mạng cá nhân của nam ca sĩ này trước đó.
Vừa qua, không ít nghệ sĩ được đông đảo khán giả yêu mến bị phát hiện quảng cáo những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người với nội dung “thổi phồng” sự thật trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, dư luận cũng phản ứng gay gắt trước việc một số diễn viên, ca sĩ, người mẫu dùng mạng xã hội để quảng bá tiền ảo bất hợp pháp trong thời gian qua. Năm ngoái, ca sĩ Duy Mạnh bị phạt hành chính vì phát ngôn không phù hợp thuần phong mỹ tục trên mạng xã hội. Ba nghệ sĩ là Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng cũng từng bị cơ quan chức năng xử lý vì viết trên mạng xã hội những thông tin không đúng sự thật liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
Đừng biến mình thành “nạn nhân”
“Mạng xã hội đã trở thành xu thế. Cuộc sống của người nghệ sĩ không còn đơn thuần như hàng chục năm trước, bây giờ họ còn sống đời sống trong thế giới ảo. Thực tế, mạng xã hội đang ngày càng cho thấy tầm quan trọng với những tác động lớn đến cuộc sống thực của nghệ sĩ, cũng như cuộc sống của xã hội”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận. Theo ông, mạng xã hội song hành giữa những tiện ích còn có cả những mặt trái với giới nghệ sĩ. “Mạng xã hội được coi là nơi thoải mái phát ngôn nên nhiều người dễ dàng tung hoa hay quy kết điều gì”, nhà nghiên cứu này nói và cho rằng: “Lúc đưa ra những phát ngôn đó, họ chỉ đối diện với một mình mình. Nhưng những người tiếp nhận thông tin lại không vô hình. Bởi vậy, những phát ngôn không đúng sẽ không chỉ tác động đến đối tượng mà họ nhắm đến, mà có thể tới cả nhóm người, cộng đồng hay cả quốc gia”, nhà nghiên cứu này nói.
|
Nói về mặt trái của mạng xã hội, ca sĩ Tùng Dương chia sẻ nghệ sĩ cần hiểu để tránh không “đi vào vết xe đổ” và quan trọng là biết tận dụng mặt phải của mạng xã hội để đưa ra hình ảnh cùng những ảnh hưởng tích cực tới công chúng. “Tôi coi mạng xã hội là phương tiện để quảng bá những hoạt động, hình ảnh của mình với người hâm mộ một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, khi khán giả truy cập vào trang cá nhân của bạn sẽ hiểu bạn là con người thế nào. Bởi vậy, trên Facebook của mình, tôi không viết những gì cho là vô vị”, nam ca sĩ chia sẻ và cho biết anh thích viết những câu chuyện đơn giản, mắt thấy tai nghe với giọng điệu hóm hỉnh, hoặc để rút ra những kinh nghiệm cho bản thân và cùng chia sẻ với mọi người. “Tôi nghĩ thú vị hơn là khi nghệ sĩ biết dùng các câu chuyện để lồng ghép vào những thông điệp tích cực của mình”, Tùng Dương nói.
Ở góc độ khác, theo Tùng Dương, mạng xã hội còn là nơi phản ánh cá tính, tiếng nói cá nhân của nghệ sĩ. Anh nhắc lại câu chuyện lần chia sẻ quan điểm về một ngôi sao của thế giới. Ngay sau đó, những người hâm mộ của ngôi sao này tại VN đã “bủa vây” anh. “Tôi là người thẳng tính nên thích đưa ra những quan điểm thẳng thắn về nghệ thuật. Đến giờ có nghĩ lại, tôi cũng không thay đổi tuyên bố về quan điểm, góc nhìn của mình”, anh nói. Cũng theo Tùng Dương, khi chơi mạng xã hội thì cần chấp nhận cả những ý kiến trái chiều, khen chê, nhưng cần tỉnh táo, biết điểm dừng. “Chúng ta cần sử dụng mạng xã hội theo cách của mình, chứ đừng để bị biến thành nạn nhân của mạng xã hội”, nam ca sĩ nhìn nhận.
Chơi có trách nhiệm
Theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận, Viện Xã hội học VN, việc nghệ sĩ chơi mạng xã hội thế nào có những ảnh hưởng đến xã hội, cộng đồng, trong đó có những người trẻ. Chính vì thế, theo ông Bình, đã là nghệ sĩ thì phải có trách nhiệm khi đưa ra bất cứ thông tin, phát ngôn, hình ảnh nào trên mạng xã hội, chứ không thể “làm gì cũng được, miễn là gây chú ý”. “Khi đã được đặt ở vị trí trong sự ngưỡng vọng, tôn vinh của cộng đồng, xã hội thì nghệ sĩ hay người nổi tiếng càng cần phải có ý thức về hành xử của mình”, ông Bình bày tỏ.
Đồng tình quan điểm trên, ca sĩ Tùng Dương khẳng định nếu nghệ sĩ dùng mạng xã hội để tạo chiêu trò, scandal thì có gây chú ý cũng chỉ là nhất thời, không bao giờ được đánh giá cao. Không chỉ vậy, họ còn tự cuốn mình và những người khác vào năng lượng tiêu cực. “Quan điểm của tôi khi dùng mạng xã hội là nơi để chia sẻ những câu chuyện cá nhân, những mối quan tâm của mình, hay những kiến thức về xã hội. Nhưng tôi tuyệt nhiên không nói điều gì mình không hiểu, không biết. Cuối cùng thì nghệ sĩ cần dùng mạng xã hội để sống đẹp, sống có ích mỗi ngày, khơi dậy những điều tốt đẹp ở mọi người”, Tùng Dương cho hay.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định thế giới trên mạng luôn song song với thế giới thật. Bên cạnh những quy định của pháp luật, việc chơi mạng xã hội cũng cần có những quy ước dạng như “quy ước làng xã”. “Chẳng hạn như đi ra đường thì cần ăn mặc ra sao. Việc xuất hiện trên mạng xã hội cũng chẳng khác nào ra ngoài đường cả, nên cần có những quy ước mà mình tự đặt ra. Nghệ sĩ là người của công chúng, cần phải có ý thức như thế”, nhà nghiên cứu này bày tỏ.
Bình luận (0)